Chủ nhật, 24/11/2024 03:43 (GMT+7)
Thứ tư, 09/10/2024 18:36 (GMT+7)

Thủ tướng chỉ đạo tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tham gia vào thị trường điện

Theo dõi KTMT trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nghiên cứu Quy hoạch điện VIII để bổ sung thêm nguồn điện tái tạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tham gia sản xuất, tiêu thụ và tham gia vào thị trường điện công khai minh bạch.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 7329 truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý thông tin báo chí phản ánh về Nghị định 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn.

Trước đó, báo chí có phản ánh về việc Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) mới ban hành thì theo thống kê hiện nay chỉ áp dụng với đối tượng là 7.000 khách hàng.

Những khách hàng thuộc diện khách hàng lớn phải có lượng điện tiêu thụ trung bình 200.000 kWh/tháng trong khi có hàng chục nghìn doanh nghiệp xuất khẩu quy mô nhỏ hơn có nhu cầu DPPA.

Thủ tướng chỉ đạo tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tham gia vào thị trường điện - Ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ có nhu cầu DPPA.

Vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nghiên cứu kỹ Quy hoạch điện VIII để bổ sung thêm nguồn điện tái tạo.

Đặc biệt là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tham gia vào sản xuất, tiêu thụ và tham gia vào thị trường điện công khai minh bạch phục vụ cho tăng trưởng xanh và xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường yêu cầu phải sử dụng năng lượng sạch, cho giai đoạn mùa khô 2025.

Thủ tướng cũng giao 2 phó thủ tướng đồng chủ trì cuộc họp cùng với các cơ quan chức năng để triển khai sớm việc rà soát, bổ sung Quy hoạch điện VIII trong tháng 10 năm 2024 và các văn bản liên quan kèm theo.

Trước đó, ngày 3/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn.

Theo đó, những khách hàng sử dụng điện lớn có mức sản lượng tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh/tháng mong muốn sử dụng năng lượng tái tạo sẽ được mua điện “trực tiếp” từ các nhà sản xuất năng lượng tái tạo với hai chính sách qua đường dây kết nối riêng hoặc qua lưới điện quốc gia.

Cơ chế mua bán điện trực tiếp lần đầu tiên cho phép các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo được lựa chọn bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện bên cạnh bán điện cho các tổng công ty điện lực.

Trong dự thảo ban đầu, Bộ Công Thương đề xuất quy định, khách hàng phải có mức tiêu thụ điện năng hàng tháng trên 500.000 kWh mới được coi là khách hàng lớn. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương điều chỉnh xuống mức thấp hơn là 200.000 kWh.

Theo khảo sát từ các tổng công ty điện lực, khách hàng lớn sử dụng từ 500.000 kWh trở lên khoảng 30%, còn từ 200.000 kWh trở lên là hơn 7.700 khách hàng, chiếm 36,5% tổng điện năng. Việc mở rộng thêm đối tượng được mua điện tái tạo trực tiếp được cho là sẽ giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn điện sạch hơn. 

Trả lời VTV, ông Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) nêu ý kiến: "Thông qua đó đã giúp cho hơn 4.500 khách hàng trong dải ngưỡng từ 200.000 – 500.000 kWh/tháng được quyền tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp. Điều này làm thỏa lòng của rất nhiều khách hàng cũng như chúng tôi rất ủng hộ cơ chế này".

Theo ông Huy, trước đây, khách hàng chỉ mua điện qua nguồn EVN. Vì thế, doanh nghiệp sẽ không thể biết là mình mua điện từ dự án nhiệt điện, thủy điện hay năng lượng tái tạo. Thế nhưng, thông qua cơ chế DPPA, doanh nghiệp biết chắc chắc là mình đang mua điện sạch. Điều này có ý nghĩa rất lớn cho ngành sản xuất, khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước yêu cầu xanh hóa ngày càng cao.

Bà Nguyễn Phương Mai, Chuyên gia độc lập về Năng lượng tái tạo chia sẻ: "Hiện nay, nhiều nước ở Châu Âu hay Bắc Mỹ có yêu cầu nhất định đối với hàng hóa xuất khẩu vào thị trường là phải sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo. Như họ đưa ra các quy định về AI 100, có nghĩa là sản phẩm của bạn có thực sự là sản xuất bằng 100% năng lượng tái tạo hay không? Nghị định về DPPA sẽ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất để họ có thể chứng minh được với người mua, chứng minh được với thị trường mà họ xuất khẩu vào là sản phẩm của họ được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo và họ có giấy chứng nhận, chứng minh được nguồn điện mà họ sử dụng để sản xuất ra hàng hóa đó".

Theo khảo sát, nhóm khách hàng lớn chiếm gần 40% tổng lượng điện năng tiêu thụ trên toàn quốc. Việc cho phép họ được mua bán điện tái tạo trực tiếp cũng là cách giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia.

Bà Mai cho rằng, rõ ràng cả bên mua và bên bán đều có lợi khi thực hiện Nghị định này. Điều này chắc chắn sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh cho thị trường năng lượng tái tạo, hướng đến thực hiện thành công các mục tiêu của Quy hoạch Điện VIII.

Khi tham gia vào cơ chế DPPA, các doanh nghiệp không chỉ hưởng được chứng nhận về xanh, thể hiện uy tín trong các cam kết toàn cầu về sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển bền vững; mà còn đảm bảo được nguồn cung năng lượng trong dài hạn và giảm thiểu được rủi ro về giá cả biến động.

Hiện tại, cả nước có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 9.500MW, các dự án này cùng với các doanh nghiệp đều mong muốn được tiếp cận năng lượng tái tạo trong các khu công nghiệp và hướng dẫn hợp đồng mua bán điện trực tiếp DPPA để thực hiện việc mua bán điện, từ đó hướng tới xanh hóa nền kinh tế bằng thay thế các nguồn năng lượng sạch.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng chỉ đạo tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tham gia vào thị trường điện. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới