Chủ nhật, 24/11/2024 07:43 (GMT+7)
Thứ năm, 22/09/2022 05:55 (GMT+7)

Thúc đẩy sử dụng “công nghệ xanh” cho ngành vận tải hàng hải

Theo dõi KTMT trên

Cục Hàng hải Việt Nam kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp tìm giải pháp cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm khí thải carbon, hướng đến sử dụng “công nghệ xanh” cho ngành vận tải hàng hải.

Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp hàng hải và thuyền viên kêu gọi tìm giải pháp hướng đến sử dụng “công nghệ xanh” cho ngành vận tải hàng hải.

Năm 2022, dù đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhưng hậu quả của đại dịch ảnh hưởng không nhỏ tới lĩnh vực hàng hải nói chung và vận tải biển nói riêng, đặc biệt sự gián đoạn chuỗi cung ứng vận chuyển hàng hóa toàn cầu.

Trong khi đó, ngành vận tải biển vẫn duy trì hoạt động liên tục, thông suốt và an toàn, đảm bảo vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, lượng hàng vận tải biển quốc tế tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021, là mức tăng trưởng cao trong đầu năm 2012.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang, trước xu hướng hội nhập thế giới, vẫn có nhiều thách thức được đặt ra, trong đó có xu hướng “công nghệ xanh” đang cách mạng hóa ngành vận tải biển.

Thúc đẩy sử dụng “công nghệ xanh” cho ngành vận tải hàng hải - Ảnh 1
Việc cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm khí thải carbon góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả kinh doanh đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hải.

“Việc cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm khí thải carbon góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu, đem lại lợi ích cho môi trường và nâng cao hiệu quả kinh doanh đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hải”, ông Giang nhấn mạnh.

Với chủ đề Ngày Hàng hải Thế giới (29/9) năm nay: “Công nghệ mới cho ngành vận tải biển được xanh hơn”, Cục Hàng hải Việt Nam kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp tìm giải pháp cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm khí thải carbon, góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu, hướng đến sử dụng “công nghệ xanh” cho ngành vận tải hàng hải.

Mới đây, Cục Hảng hải Việt Nam đã chủ trì đăng cai tổ chức Hội nghị Nhóm công tác vận tải hàng hải ASEAN lần thứ 43. Hội nghị diễn ra từ ngày 20-22/9 nhằm xem xét và tập trung vào các vấn đề như báo cáo kết quả Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN lần thứ 53, Hội nghị các Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 54; việc triển khai các biện pháp liên quan đến vận tải hàng hải theo Kế hoạch chiến lược vận tải Kuala Lumpur (KLTSP).

Thông qua hoạt động này sẽ góp phần lan tỏa ý tưởng, xây dựng ý thức, phát động phong trào, nỗ lực tìm ra giải pháp. Đồng thời, cụ thể hoá bằng hành động nhằm cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm khí thải carbon. Qua đó, góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu, hướng đến sử dụng các “công nghệ xanh” đem lại lợi ích cho môi trường và nâng cao hiệu quả kinh doanh đối với các doanh nghiệp vận tải trong ngành hàng hải, hướng tới một môi trường xanh hơn.

Trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mới được thực thi, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục gia tăng, nhu cầu giao thương hàng hoá, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và thế giới sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là châu Mỹ và châu Âu.

Ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng: “Đây là cơ hội ngành logistics Việt cải thiện năng lực cạnh tranh và ghi dấu trên thị trường quốc tế”. Vì vậy, ngành vận tải phải thay đổi, tăng cường chiến lược phát triển bền vững, biến logistics xanh thành động lực và mục tiêu của doanh nghiệp trong nước, để bắt kịp với sự phát triển của thế giới, tăng năng lực cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng quốc tế về chuỗi cung ứng xanh.

Ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành Giao thông vận tải. Chương trình đề ra lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh với từng phương thức vận tải, đồng thời yêu cầu huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành Giao thông vận tải từ nay đến năm 2050.

Đối với hàng hải, trong giai đoạn 2022-2030, khuyến khích tàu biển Việt Nam hoạt động nội địa tuân thủ đầy đủ các quy định của Phụ lục VI Công ước MARPOL về sử dụng hiệu quả năng lượng và Chiến lược giảm phát thải khí nhà kính từ tàu biển của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) từ năm 2025; Khuyến khích chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương tại các cảng đầu tư mới, đầu tư bổ sung và cảng hiện hữu… Từ năm 2050, 100% tàu biển hoạt động tuyến nội địa chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy sử dụng “công nghệ xanh” cho ngành vận tải hàng hải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới