Chủ nhật, 24/11/2024 11:09 (GMT+7)
Thứ hai, 15/08/2022 17:55 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 15/8

Theo dõi KTMT trên

Giá xăng nhập lại tăng lên mốc 29.000 đồng/lít; Tổng công ty Điện lực - TKV: 6 tháng doanh thu đạt 6.216 tỷ đồng... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 15/8.

Giá xăng nhập lại tăng lên mốc 29.000 đồng/lít

Hôm nay (15/8), dữ liệu từ Bộ Công thương cho biết, giá xăng A95 nhập từ Singapore đã tăng mạnh lên 113 USD/thùng. Mức giá này tương đương với ngày 14-7, khi đó giá xăng trong nước duy trì ở mức khoảng 29.675 đồng/lít.

Mức giá xăng nhập tăng cao trở lại có thể làm đứt mạch hạ giá xăng trong nước vào ngày 21-8 tới.

Hiện giá dầu thô toàn cầu vẫn trong xu hướng dưới 100 USD/thùng. Cụ thể, dầu WTI và dầu Brent lần lượt là 90 và 96 USD/thùng do nỗi lo suy thoái khiến cho nhu cầu sử dụng dầu trở nên kém lạc quan hơn.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 15/8 - Ảnh 1
Giá xăng nhập lại tăng lên mốc 29.000 đồng/lít.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng giá dầu có thể sẽ tăng trở lại vì Trung Quốc bắt đầu tăng nhu cầu dầu sau khi nới lỏng các hạn chế chống dịch COVID-19. Ngành hàng không bắt đầu tăng trưởng sẽ làm tăng thêm nhu cầu dầu.

Ngoài ra, thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn nằm trong tình trạng nguồn cung thắt chặt trước các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với nguồn cung dầu thô và sản phẩm tinh chế của Nga trong mùa đông sắp đến.

Một báo cáo mới phát hành của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo thị trường dầu thặng dư làm dấy lên đồn đoán rằng khối này có thể đang chuẩn bị cho việc cắt giảm sản lượng.

OPEC cũng đã không đạt sản lượng sản xuất như cam kết vào tháng 7 và khả năng tình hình cũng tương tự trong tháng 8 này. Điều này có nguy cơ đẩy giá dầu tăng mạnh trở lại.

Tổng công ty Điện lực - TKV: 6 tháng doanh thu đạt 6.216 tỷ đồng

Trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid 19, tình hình thế giới và biến động của thị trường, diễn biến thất thường của thời tiết, song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy Tổng công ty, Ban lãnh đạo điều hành Tổng công ty đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị cơ bản hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đề ra.

Theo đó, Tổng công ty đã không để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng, tai nạn lao động nặng, nhẹ và tai nạ giao thông; Không có sự cố cháy, nổ, môi trường; Sản lượng điện sản xuất đạt 4.759 tr.kWh, đạt 49,6% KH điều hành; Sản xuất than tiêu thụ đạt 67,1 nghìn tấn bằng 55,9% KH điều hành; Doanh thu đạt 6.216 tỷ đồng, bằng 51,4% kế hoạch Tông công ty giao, bằng 51,8% kế hoạch TKV giao; Lợi nhuận đạt khoảng 574 tỷ đồng, bằng 56,7% KH TKV giao, bằng 53,95% KH Tổng công ty ban hành.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 15/8 - Ảnh 2
Tổng công ty Điện lực - TKV: 6 tháng doanh thu đạt 6.216 tỷ đồng.

Các mặt công tác khác: công tác quản lý kỹ thuật, các định mức, công tác sửa chữa lớn TSCĐ, công tác nghiên cứu phát triển KHCN nâng cao hiệu quả sản xuất,công tác tài chính-kế toán, thị trường điện, tái cơ cấu và công tác Pháp chế thanh tra... đảm bảo thực hiện theo kế hoạch.

Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022: Sản lượng điện sản xuất dự kiến đạt trên 4,8 tỷ kWh, lũy kế cả năm trên 9,6 tỷ kWh; sản xuất than tiêu thụ 54,4 nghìn tấn lũy kế cả năm đạt 120 nghìn tấn; doanh thu dự kiến đạt trên 4.800 tỷ, doanh thủ cả năm ước đạt trên 12.000 tỷ đồng.

Căn cứ Nghị quyết của Đảng ủy TKV, của Tổng công ty, Nghị quyết của HĐQT Tổng công ty, trên cơ sở các kế hoạch đã xây dựng, đồng chí Ngô Trí Thịnh - Bí thư Đảng ủy Tổng Giám đốc Tổng công ty kết luận và yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như:

Bám sát mục tiêu và kế hoạch thi đua đã đăng ký với Tập đoàn, hoàn thành tốt; tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện tiêm vắc xin mũi 4 cho người lao động; rà soát toàn bộ dây chuyền, hệ thống thiết bị nhà máy, vận hành an toàn, ổn định các nhà máy, phấn đấu hoàn thành kế hoạch được giao; tiếp tục thu xếp vốn cho Công ty con để khắc phục tình trạng thiếu nguồn.

Thu xếp nguồn vốn vay trung dài hạn để triển khai dự án Na Dương 2 và các dự án nhóm C theo Kế hoạch đầu tư năm 2022; đẩy nhanh công tác đầu tư, sửa chữa, trung đại tu các nhà máy theo kế hoạch.

Đơn vị cần chuẩn bị vật tư đáp ứng kịp thời phục vụ công tác sửa chữa, trung đại tu các nhà máy; tập trung các nguồn lực cho Dự án Na Dương 2 đảm bảo đúng quy định của Pháp luật; tiếp tục triển khai xây dựng cải tạo cảnh quan môi trường các nhà máy "Sáng- Xanh- Sạch- Đẹp", theo hướng Nhà máy trong công viên, duy trì đảm bảo công tác An toàn; Môi trường; PCCN; phòng chống mưa bão.

Cần quản lý chặt chẽ công tác thuê ngoài, mua sắm vật tư, công tác quản trị chi phí; công tác tái cơ cấu: Yêu cầu tổ công tác khẩn trương dự thảo báo cáo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025; kiểm soát chặt chẽ chất lượng than, Giám đốc các đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng than cấp cho nhà máy, đảm bảo chất lượng theo đúng hợp đồng; triển khai thực hiện các đề tài khoa học đã đăng ký và được phê duyệt, xây dựng kế hoạch đổi mới công nghệ 6 tháng cuối năm trong đó tập trung nghiên cứu nâng cao hiệu suất các tổ máy, dây chuyền, thiết bị nhà máy.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Hùng ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của toàn thể CBCNV Tổng công ty đã có nhiều nỗ lực, cố gắng và đóng góp vào kết quả chung của Tổng công ty trong năm 2022. Đồng thời, mong muốn Tổng giám đốc và Giám đốc các công ty con đơn vị trực thuộc tiếp tục phát huy những thành tích để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm.

Do vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cần bám sát các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và triển khai nhiệm vụ theo đúng quy trình, tăng cường đoàn kết nội bộ, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, phát hiện từ sớm, từ xa đề phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện vi phạm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đặt ra, góp phần xây dựng Tổng công ty Điện lực - TKV ngày càng vững mạnh.

Giá vàng trong nước giảm 200 nghìn đồng/lượng

Trong buổi sáng, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,4 - 67,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 200 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.

Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,45 - 67,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 80 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 15/8 - Ảnh 3
Giá vàng trong nước giảm 200 nghìn đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, đóng cửa phiên giao dịch tuần trước, vàng đã có được tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 1,5%. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 trên sàn Comex giao dịch lần cuối ở mức 1.818,1 USD/ounce.

Mặc dù vàng tăng vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce, các chuyên gia vẫn tỏ ra lo ngại khi cho rằng vàng có khả năng giảm trở lại mức 1.700 USD/ounce do giá vàng không thể đạt được mức 1.820 USD/ounce.

Nhiều nhà phân tích kỳ vọng vàng sẽ có một đợt phục hồi đáng kể sau khi báo cáo công bố tuần trước cho thấy lạm phát giảm tốc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 7 thấp hơn kỳ vọng, với lạm phát ở mức 8,5%, sau khi tăng 9,1% của tháng 6. Nhưng, vàng không thể tận dụng được cơ hội này.

Một số chuyên gia nhận định, tuy giá năng lượng có thể tiếp tục giảm trong ngắn hạn, nhưng áp lực lạm phát có thể quay trở lại khi mùa đông đang tới dần. Theo Melek, điều này khó có thể ngăn cản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục lộ trình tăng lãi suất tích cực của mình.

Ngoài ra, đã có một đợt phục hồi về tâm lý chấp nhận rủi ro trên thị trường chứng khoán, vốn đã lấy đi dòng tiền khỏi vàng. Những người đã kiếm một khoản lớn từ đợt tăng giá mới nhất của kim loại quý có thể đang tìm cách chuyển những khoản thu được vào các loại tài sản khác với đà tăng đáng kể, như cổ phiếu, vì vậy cần thận trọng khi bước vào tuần tới sau khi vàng không thể vượt qua mức 1.850 USD/ounce.

Trung Quốc tìm cách giải cứu nền kinh tế

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 đã tăng 3,8% so với năm trước. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức tăng 4,3% mà các nhà kinh tế học dự báo.

Tốc độ tăng trưởng của doanh số bán lẻ cũng chậm hơn 2,7% so với dự kiến. Trong khi đó, chỉ số đầu tư tài sản cố định chỉ tăng 5,7% trong 7 tháng đầu năm, thấp hơn con số 6,2% mà các nhà kinh tế đã dự đoán. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 5,5% xuống 5,4%.

Lưu lượng xe tải - một đại diện cho sản lượng kinh tế - trong tháng 7 thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán nhà trong tháng trước cũng giảm so với một năm trước đó.

Các biện pháp hạn chế đi lại từ chính sách Zero-Covid đang cản trở việc phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng đã thay đổi mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022. Vào ngày 28/7, tại cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc, giới chức trách không đưa ra con số tăng trưởng GDP cụ thể mà chỉ đưa ra kết luận nước này sẽ nỗ lực tối đa để nền kinh tế đạt "kết quả tốt nhất có thể".

Trong một động thái bất ngờ vào đầu ngày 15/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã giảm lãi suất chính sách lần đầu tiên kể từ tháng 1/2022.

PBoC đã hạ lãi suất cho vay chính sách kỳ hạn 1 năm khoảng 10 điểm cơ bản xuống 2.75%.

Đồng thời, PBoC đã phát hành 400 tỷ nhân dân tệ trái phiếu trung hạn (MLF) và chỉ gia hạn một phần với khoản cho vay 600 tỷ nhân dân tệ sẽ đáo hạn trong tuần này.

Nếu không có các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ, kỳ tích tăng trưởng của năm 2020 sẽ khó có thể lặp lại. Trung Quốc hiện phải đối mặt với quá nhiều thử thách như Covid-19, sự đi xuống của ngành bất động sản, áp lực lạm phát gia tăng, nhu cầu bên ngoài suy giảm và môi trường việc làm khắc nghiệt.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 15/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới