Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 3/1
Thu ngân sách Nhà nước cả năm 2022 đạt hơn 1.803 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán; Xe điện chiếm 80% doanh số bán ôtô mới tại Na Uy trong năm 2022...là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 3/1.
Xe điện chiếm 80% doanh số bán ôtô mới tại Na Uy trong năm 2022
Xe điện chiếm gần 80% số lượng xe đăng ký mới tại Na Uy trong năm 2022, mức cao kỷ lục mới.
Dẫn đầu danh sách các nhà sản xuất xe điện bán chạy nhất là Tesla, khi chiếm 12,2% thị phần.
Trong một tuyên bố, Liên đoàn Đường bộ Na Uy (OFV) cho biết doanh số bán xe điện tại Na Uy năm ngoái đạt 138.265 chiếc, chiếm 79,3% tổng doanh số bán xe chở khách.
Với thành tích trên, Na Uy, nhà sản xuất dầu khí lớn, đã trở thành quốc gia tiên phong về xe không phát thải và dễ dàng vượt qua kỷ lục trước đó là 64,5% tổng doanh số bán xe trong năm 2021.
Trong khi đó, xe điện chỉ chiếm 8,6% số lượng đăng ký mới tại Liên minh châu Âu (EU) trong 9 tháng kể từ đầu năm 2022.
Chỉ riêng trong tháng 12, xe điện chiếm 82,8% doanh số bán xe khi các hộ gia đình Na Uy đổ xô mua xe trước khi chính sách thay đổi thuế có hiệu lực vào năm 2023.
Na Uy đặt mục tiêu tất cả các loại ôtô mới đều "không phát thải" vào năm 2025.
Bà Christina Bu, Tổng thư ký của Hiệp hội Xe điện Na Uy, cho biết 8 trong số 10 người chọn chạy xe hoàn toàn bằng điện thay vì động cơ đốt trong là một bước tiến đáng kể để Na Uy đạt được mục tiêu khí hậu là bán 100% xe điện chạy pin vào năm 2025.
Bà Bu nhấn mạnh thông điệp của Na Uy với phần còn lại của thế giới rất rõ ràng: Hiện nay không có lý do gì để bào chữa cho sự ô nhiễm của động cơ đốt trong khi cuộc khủng hoảng khí hậu đang cần giải quyết khẩn cấp.
Để thúc đẩy doanh số bán hàng, xe điện đã được hưởng lợi từ chương trình miễn thuế, cũng như được tính phí thấp hơn cho phí cầu đường và bãi đậu xe công cộng.
Tuy nhiên, sự phổ biến ngày càng tăng của xe điện lại gây thiệt hại cho nguồn thu ngân sách. Do đó, Chính phủ Na Uy đã bắt đầu thu hồi một số chương trình khuyến khích.
Kể từ ngày 1/1, việc miễn thuế VAT 25% khi mua xe điện mới chỉ áp dụng cho giá trị mua 500.000 kroner (khoảng 50.500 USD) đầu tiên.
Khoảng 25% ôtô chạy tham gia giao thông tại Na Uy đang chạy bằng điện.
Kinh tế Anh có nguy cơ suy thoái nặng nề nhất trong Nhóm G7
Theo báo Financial Times, các nhà kinh tế học nhận định trong năm 2023, nước Anh sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất so với các quốc gia khác trong Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Tham gia cuộc khảo sát thường niên của Financial Times, phần lớn trong số hơn 100 chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Anh đều cho rằng cú sốc lạm phát do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine gây ra sẽ tồn tại ở Anh lâu hơn các quốc gia khác. Điều này sẽ buộc Ngân hàng trung ương Anh phải duy trì lãi suất cao và chính quyền của Thủ tướng Rishi Sunak phải "theo đuổi một chính sách tài khóa chặt chẽ hơn".
Khoảng 80% chuyên gia dự đoán Anh sẽ tụt hậu so với các nước khác trong G7, do Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh đang giảm và sẽ tiếp tục giảm trong phần lớn hoặc thậm chí cả năm 2023. Dự báo điều này sẽ khiến thu nhập của các hộ gia đình sụt giảm, vì chi phí đi vay cao hơn làm tăng thêm gánh nặng hiện nay do giá lương thực và năng lượng tăng vọt.
Nhà kinh tế học John Philpott, chuyên phân tích thị trường lao động độc lập, nhận định: "Suy thoái kinh tế năm 2023 sẽ tồi tệ hơn nhiều so với hậu quả kinh tế do đại dịch COVID-19". Trong khi đó, nhiều chuyên gia khác sử dụng các từ "khó khăn", "ảm đạm" và "khủng khiếp" để mô tả triển vọng đối với người tiêu dùng, đặc biệt đối với những người thu nhập thấp hoặc đang có khoản vay thế chấp sắp hết hạn.
Nhà kinh tế học cấp cao Kallum Pickering tại ngân hàng Berenberg cho rằng các tác động tổng hợp gồm tiền lương thực tế giảm, các điều kiện thị trường bị siết chặt và việc điều chỉnh thị trường nhà ở là viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra trong năm nay.
Các chuyên gia cho rằng tình trạng suy thoái kinh tế của Anh sẽ sâu hơn và kéo dài hơn. Trong khi đó, theo các dự báo do công ty khảo sát kinh tế vĩ mô toàn cầu Consensus Economics tổng hợp, GDP của Anh sẽ giảm 1% trong năm 2023, cao hơn nhiều so với mức giảm chỉ 0,1% của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Trái lại, GDP của Mỹ sẽ tăng 0,25%.
Không chỉ riêng Anh đối mặt với những thách thức nói trên. Vào cuối tuần qua, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo 1/3 các nền kinh tế trên toàn cầu và khoảng 50% các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023.
Tuy nhiên, hầu hết chuyên gia đều cho rằng nền kinh tế Anh sẽ có thể lấy lại đà tăng trưởng vào cuối năm nay khi lạm phát giảm dần. Đáng chú ý, chuyên gia Paul Dales tại công ty tư vấn Capital Economics đánh giá "năm 2024 sẽ tốt hơn nhiều so với năm 2023".
Thu ngân sách Nhà nước cả năm 2022 đạt hơn 1.803 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán
Theo Bộ Tài chính, Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 ước đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,8% dự toán, tăng 15% so với năm 2021.
Trong đó, thu nội địa vượt 21,8% dự toán, tăng 9,9%; thu từ dầu thô vượt 176% dự toán (giá dầu bình quân khoảng 105 USD/thùng, tăng 45 USD/thùng so dự toán), tăng 74,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 43,9% dự toán, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Bộ Tài chính, thu NSNN năm 2022 vượt dự toán chủ yếu do hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng khả quan (GDP tăng 8,02%); tổng mức bán lẻ tăng 19,8%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,8%, xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 8,4%, xuất siêu 11,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, giá dầu và một số hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao đã góp phần tăng thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Một số khoản thu có mức vượt khá so với dự toán như: thuế thu nhập cá nhân vượt 38,5%, chủ yếu nhờ thị trường chứng khoán, bất động sản tăng trưởng mạnh trong năm 2021, quyết toán thuế năm 2021 từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán... được nộp trong quý I năm 2022; các khoản thu về nhà, đất vượt 54,5% do thị trường bất động sản duy trì đà phát triển từ cuối năm 2021, các địa phương đã đẩy mạnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, đôn đốc thu tiền sử dụng đất và xử lý thu hồi nợ đọng của các dự án đã thực hiện giao đất, góp phần tăng thu tiền sử dụng đất năm 2022 so dự toán; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước tăng 17% chủ yếu do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nhiệp năm 2022 đã có sự hồi phục, đồng thời phát sinh khoản thu tiền cổ tức năm 2020 được chia trong năm 2022 của 2 ngân hàng Vietcombank và Vietinbank khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng, qua đó góp phần tăng thu ngân sách cho lĩnh vực này.
Trong khi đó, tổng chi NSNN 12 tháng ước đạt 1.562,3 nghìn tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 82,8% dự toán Quốc hội quyết định đầu năm, đạt 75,1% kế hoạch Thủ tướng giao (bao gồm cả vốn chương trình mục tiêu năm trước chuyển sang và vốn chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội); chi trả nợ lãi đạt 94% dự toán; chi thường xuyên đạt 92,4% dự toán.
Các nhiệm vụ chi NSNN 12 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.
Bộ Tài chính cũng chỉ rõ kết quả của các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Tổng số thuế miễn, giảm trong năm 2022 ước khoảng 50,2 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% số dự kiến khi xây dựng Chương trình (64 nghìn tỷ đồng).
Cụ thể: Giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%; Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô, đạt khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng; Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng; Giảm thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng; Giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí (từ ngày 1/1/2022 đến ngày 30/6/2022) nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khoảng 900 tỷ đồng; Giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng do COVID-19 năm 2022 (dự kiến khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng).
Ngoài ra, trước diễn biến giá xăng, dầu tăng đột biến trong những tháng đầu năm 2022, để kiểm soát lạm phát, giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế, ổn định đời sống người dân, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn với quy mô dự kiến khoảng 32 nghìn tỷ đồng. Ước thực hiện các chính sách này năm 2022 khoảng 30,7 nghìn tỷ đồng.
Hàng trăm mã tăng trần, VN-Index bật tăng gần 37 điểm
Phiên giao dịch đầu tiên của năm 2023, chứng khoán trong nước tăng mạnh, với số lượng mã tăng áp đảo, trên diện rộng, trong đó có cả trăm mã tăng trần, thanh khoản khởi sắc.
Thị trường trong nước bước vào năm mới với phiên tăng mạnh nhờ dòng tiền nội đã quay trở lại. Dòng tiền có sự lan tỏa khắp các nhóm ngành/cổ phiếu, có tới 135 cổ phiếu đóng cửa ở mức giá trần. Bên cạnh đó, đà tăng của thị trường còn được hỗ trợ từ mạch mua ròng của khối ngoại. Thanh khoản thị trường trên toàn thị trường đạt 10.537 tỷ đồng, tương đương tuần cuối năm 2022, tuy vậy, thanh khoản khớp lệnh trên sàn HSX lại tăng 23,24%, đạt 8.364 tỷ đồng.
Thị trường đã có sự khởi đầu thuận lợi ở phiên đầu năm mới, dòng tiền nội quay trở lại ở phiên sáng chính là động lực giúp thị trường có phiên tăng mạnh nhất trong vòng 1 tháng qua, trong khi dòng tiền ngoại tiếp tục đổ vào thị trường sau một năm mua ròng 1,25 tỷ USD.
Trong phiên giao dịch đầu năm mới 3/1, VN-Index tăng tốt từ ngay giờ mở cửa, thanh khoản gia tăng rõ rệt. Các nhóm cổ phiếu thép, bất động sản, xây dựng, công ty chứng khoán, nông nghiệp là những nhóm vượt trội trong phiên chiều. Trong đó, ở nhóm cổ phiếu bất động, sản xây dựng, hàng loạt cổ phiếu lớn nhỏ đã đóng cửa ở mức giá trần.
Toàn bộ cổ phiếu trong nhóm vốn hóa lớn VN30 tăng giá, trong đó 4 mã tăng trần: PDR, HPG, SSI, VRE. Quá nửa cổ phiếu trong nhóm tăng từ 4% trở lên.
Chốt phiên giao dịch đầu năm mới 3/1, chỉ số VN-Index tăng 36,81 điểm (+3,66%), lên 1.043,9 điểm với 352 mã tăng (68 mã tăng trần) và 74 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 551,3 triệu đơn vị, giá trị 9.249,4 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đóng cửa ở mức cao nhất ngày nhờ nhiều cổ phiếu lớn, nhỏ đua nhau tăng mạnh. Chốt phiên giao dịch hôm nay 3/1, chỉ số HNX-Index tăng 7,26 điểm (+3,53%), lên 212,56 điểm với 146 mã tăng (36 mã tăng trần) và 42 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 66,6 triệu đơn vị, giá trị 840,5 tỷ đồng.
Trên UpCoM, nhiều cổ phiếu mở rộng đà tăng cũng đã giúp UpCoM-Index nhích dần lên và đóng cửa ở ngay gần sát mức cao nhất ngày. Chốt phiên giao dịch ngày 3/1, UpCoM-Index tăng 0,76 điểm (+1,06%), lên 72,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,8 triệu đơn vị, giá trị 376 tỷ đồng.
Anh Thư