Chủ nhật, 24/11/2024 08:50 (GMT+7)
Thứ tư, 28/12/2022 17:55 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/12

Theo dõi KTMT trên

Châu Âu đau đầu với bài toán năng lượng; Chứng khoán 2022: Áp lực lớn nhưng hấp dẫn trong khu vực...là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 28/12.

Châu Âu đau đầu với bài toán năng lượng

Các nhà phân tích cho biết châu Âu có thể sẽ vượt qua mùa đông này mà không cần cắt giảm lượng khí đốt đối với khách hàng. Song, ngay cả việc điều chỉnh để thích nghi với những ngôi nhà lạnh hơn và trả nhiều tiền hơn, nguồn cung có thể vẫn chưa đủ trong những năm tới.

Việc Nga giảm dần nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống đã khiến giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng mạnh.

Sự thiếu quan tâm về mức tiêu thụ năng lượng của cả một thế hệ người châu Âu đột ngột kết thúc trong năm 2022 và mọi người dân đều quan tâm đến nơi đặt bộ điều nhiệt của họ.

Giá tham chiếu bán buôn tại châu Âu từng dao động quanh mức 20 euro/MWh. Năm nay, con số này đã tăng vọt lên tới 300 euro trước khi giảm xuống còn khoảng 100 euro. Graham Freedman, nhà phân tích khí đốt châu Âu tại công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, nhận định đó là khoảng thời gian hỗn loạn nhất mà tôi từng chứng kiến trong suốt những năm qua.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/12 - Ảnh 1
Châu Âu đau đầu với bài toán năng lượng.

Giá năng lượng cao ngất trời đã khiến nhiều nhà máy, đặc biệt là trong lĩnh vực hóa chất của Đức vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt giá rẻ của Nga, phải tạm dừng hoạt động.

Simone Tagliapietra, một thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels, nhận định cho đến tháng Hai, ý tưởng về một châu Âu không có năng lượng của Nga được coi là không thể. Song điều không thể đã trở thành có thể.

Một mùa Thu ấm áp cho phép nhiều người tiêu dùng tắt máy sưởi cũng giúp đưa châu Âu vào một vị trí tốt hơn cho mùa Đông. Nhưng người châu Âu cũng đã thực hiện những cắt giảm đáng kể, với việc EU sử dụng khí đốt ít hơn 20% trong khoảng thời gian từ tháng 8-11/2022 so với mức tiêu thụ khí đốt trung bình trong cùng tháng trong năm 2017-2021.

Trong vòng vài tháng, Nga đã mất khách hàng mua khí đốt hàng đầu là châu Âu, với lượng mua từ 191 tỷ m3 năm 2019 lên 90 tỷ m3 trong năm nay. Wood Mackenzie dự báo lượng giao hàng sẽ giảm xuống còn 38 tỷ m3 vào năm tới.

EU có thể nhập khẩu số lượng lớn LNG, nhưng chỉ bằng cách đấu thầu giá cao hơn các quốc gia Nam Á như Pakistan và Ấn Độ. Điều này đã đẩy các quốc gia Nam Á gia tăng sự phụ thuộc vào than đá và tác động tiêu cực đến những nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế biến đổi khí hậu.

Khả năng nhập khẩu LNG của châu Âu bị hạn chế do thiếu cơ sở hạ tầng. Trong khi việc xây dựng thêm các kho cảng LNG đang được tiến hành, châu Âu sẽ không có nguồn cung khí đốt từ Nga để lấp đầy các hồ chứa. Điều này có thể tạo ra một cuộc chiến đấu thầu thậm chí còn khốc liệt hơn giữa các quốc gia châu Âu và châu Á để có cung cấp.

Laura Page, nhà phân tích khí đốt tại công ty dữ liệu hàng hóa Kpler, cho biết: “Yếu tố quan trọng nhất sẽ là thời tiết mùa đông này sẽ như thế nào. Nếu chúng ta có một mùa đông lạnh giá ở châu Á, và chúng ta có một mùa đông lạnh giá ở châu Âu, tình hình sẽ ngày càng khó khăn".

Chứng khoán 2022: Áp lực lớn nhưng hấp dẫn trong khu vực

Đó là nhận định được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đưa ra trong báo cáo tổng kết năm 2022 vừa phát đi hôm nay.

Theo UBCKNN, năm 2022, mặc dù thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam diễn biến phức tạp và chịu áp lực lớn từ biến động của thị trường quốc tế nhưng TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực, khi dòng vốn nước ngoài đã quay trở lại mạnh mẽ vào những tháng cuối năm.

Tại hội nghị tổng kết chiều 27/12, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá, năm 2022 với rất nhiều khó khăn nhưng TTCK vẫn được vận hành ổn định. Ông ghi nhận, ngành chứng khoán đã tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm trên TTCK, “góp phần giúp niềm tin trên thị trường được củng cố, tạo tiền đề cho phát triển minh bạch, bền vững hơn”.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, TTCK sẽ đi vào thực chất để phát triển bền vững. Vì vậy, năm 2023, cần triển khai các giải pháp để thị trường phát triển thực chất, bền vững hơn, tăng thanh khoản, tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/12 - Ảnh 2

Ông Chi cũng đề nghị UBCKNN tập trung rà soát Luật Chứng khoán để sửa đổi phù hợp với thực tế thị trường; đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2023; tiếp tục thực hiện kỷ cương, kỷ luật thị trường ở mức cao hơn.

Đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo kịp thời và quy định pháp luật; tập trung triển khai dự án công nghệ thông tin KRX (của Hàn Quốc); củng cố năng lực nhân lực của UBCKNN, các sở giao dịch, VSD; tăng cường truyền thông về thị trường cũng như các chính sách để các thành viên thị trường luôn tiếp cận đầy đủ, kịp thời thông tin chính thống từ UBCKNN, các sở giao dịch.

Phó Chủ tịch Phạm Hồng Sơn cho biết mặc dù có nhiều khó khăn thách thức, nhưng UBCKNN đã tích cực hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý. Giai đoạn thị trường điều chỉnh vừa qua, các giải pháp bình ổn thị trường được tổ chức thực hiện quyết liệt, như yêu cầu các sở giao dịch công bố số liệu giao dịch tự doanh của các CTCK, thực hiện điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng trong ngày đáo hạn phái sinh; tiến hành rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán, các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc.

Gần 27,72 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mặc dù tổng vốn FDI đầu tư vào Việt nam giảm so với năm trước, trong đó, vốn FDI đăng ký mới giảm (vốn đăng ký mới đạt gần 12,45 tỷ USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ), tuy nhiên số dự án đầu tư mới và vốn đầu tư điều chỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, có 2.036 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 17,1% so với cùng kỳ; Có 1.107 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 12,4% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 10,12 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/12 - Ảnh 3

Ngoài ra, đã có 3.566 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 6,1% so với cùng kỳ; tổng giá trị vốn góp đạt hơn 5,15 tỷ USD, giảm 25,2% so với cùng kỳ.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn FDI đạt hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký; Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn FDI hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn FDI đăng ký; Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,26 tỷ USD và gần 1,29 tỷ USD...

Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án FDI nhất, chiếm lần lượt 30%, 25,1% và 16,3% tổng số dự án.

Đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn FDI vào Việt Nam, giảm 39,7% so với cùng kỳ 2021; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ; Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD, chiếm gần 17,3% tổng vốn đầu tư, tăng 22,7% so với cùng kỳ...

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2022. TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,94 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tỉnh Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,14 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn, tăng 47,3% so với cùng kỳ. Tỉnh Quảng Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,37 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn và tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30%, 25,1% và 16,3% tổng số dự án, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới (43,9%), số lượt góp vốn, mua cổ phần (67,6%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (17,3% sau TP. Hà Nội là 18,6%).

Tính lũy kế đến ngày 20/12/2022, cả nước có 36.278 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên gần 438,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 274 tỷ USD, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Tính đến 20/12, các dự án FDI đã giải ngân được khoảng gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Theo ông Rob Gordon - Giám đốc điều hành Tập đoàn SunRice (Australia), một trong những lý do khiến các nhà đầu tư gia tăng giải ngân vốn FDI thời gian qua là nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam an toàn và ổn định trong biến động chung của toàn cầu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu đầu tư có sự dịch chuyển giữa các ngành nghề. Hiện nay, xu hướng đầu tư đang dịch chuyển sang các lĩnh vực sản xuất hàm lượng công nghệ cao, tăng trưởng xanh, năng lượng xanh nên Việt Nam cần chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghệ để bắt kịp với sự thay đổi đó.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm) Alain Cany, Việt Nam không nên nhìn vào con số thu hút đầu tư mới, mà nên nhìn vào con số giải ngân đang ở mức cao và có lẽ năm nay sẽ đạt mức kỷ lục.

"Việt Nam chắc chắn sẽ có vị thế tốt hơn trong 2 hoặc 3 năm tới, chứng tỏ vị thế của mình là một trong số các điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động nhất", Chủ tịch Eurocharm nhấn mạnh.

Tỷ phú kiếm nhiều tiền nhất năm 2022

Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani đã có một năm tuyệt vời. Ông trở thành người giàu nhất châu Á và là tỷ phú giàu thứ 3 trong bảng xếp bảng tỷ phú toàn cầu của Bloomberg.

Ông cũng là người châu Á đầu tiên lọt vào top 3 trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg. Hầu hết tỷ phú đều thua lỗ trong năm nay. Nhưng vị doanh nhân Ấn Độ đã bỏ túi 40 tỷ USD kể từ đầu năm 2022 tới giờ.

Trong nhóm 10 tỷ phú giàu nhất thế giới, ông Adani là người duy nhất tăng tài sản trong năm 2022.

Cách đây 6 tháng, ông soán ngôi tỷ phú giàu nhất châu Á của ông Mukesh Ambani. Đến tháng 7, vị tỷ phú Ấn Độ vượt mặt nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates để trở thành người giàu thứ 4 thế giới.

Giờ đây, cậu sinh viên bỏ học đại học năm nào đã trở thành người giàu thứ 3 thế giới. Theo Bloomberg, cách đây ít năm, cái tên Gautam Adani thậm chí ít được nhắc tới bên ngoài Ấn Độ.

Năm nay, cuộc khủng hoảng năng lượng đẩy giá nhiên liệu tăng vọt trong toàn cầu. Đó là một phần nguyên nhân giúp tài sản của ông Adani phình to.

Nhưng giá cổ phiếu của tập đoàn mang tên ông cũng đi lên nhờ hàng loạt thương vụ trong năm nay. Ông đã mua lại các chi nhánh tại Ấn Độ của tập đoàn vật liệu xây dựng Thụy Sĩ Holcim, một cảng ở Israel và tiếp quản đài truyền hình NDTV.

Vào tháng 3, tài sản của ông Adani vọt tăng sau thông tin Adani Group cân nhắc các cơ hội hợp tác ở Saudi Arabia, bao gồm khả năng mua vào gã khổng lồ năng lượng Aramco.

Cùng tháng, IHC của Abu Dhabi tuyên bố đầu tư 2 tỷ USD vào các tập đoàn của ông Adani. 2 tháng sau đó, Adani Group mua lại hoạt động của Holcim tại Ấn Độ.

Đến tháng 7, Adani Ports thắng thầu mua lại cảng ở Israel, và tiếp tục đấu thầu đối với NDTV một tháng sau đó. Những sự kiện này đã kéo cổ phiếu của Adani Group và các công ty con đi lên.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 28/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới