Chủ nhật, 24/11/2024 07:34 (GMT+7)
Thứ sáu, 04/11/2022 18:00 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 4/11

Theo dõi KTMT trên

Giá vàng tiếp tục đi xuống, USD vẫn cao; Xuất khẩu cao su quý III/2022 đạt hơn 930 triệu USD... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 4/11.

Lý do Masan chi 280 triệu USD để sở hữu 85% cổ phần tại Phúc LongLý do Masan chi 280 triệu USD để sở hữu 85% cổ phần tại Phúc Long

Tại họp báo công bố Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 sáng 3/11, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN), ông Danny Le, đã lần đầu tiên chia sẻ về lý do thâu tóm chuỗi Phúc Long.

Theo ông Danny Le, Masan đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, muốn phục vụ trực tiếp người tiêu dùng thì cần tiếp cận đến lĩnh vực bán lẻ thương mại. Vị Tổng giám đốc chia sẻ rằng Masan là một tập đoàn “hơi truyền thống”, những gì có thể tự làm thì sẽ tự làm. Tuy nhiên, để xây dựng từ đầu có thể mất 5-7 năm mà chưa chắc đã thành công.

Do đó, chiến lược tốt nhất là M&A, đầu tư với quy mô lớn để cạnh tranh với các chuỗi nước ngoài. Trong Masan Đó cũng là lý do tạo nên thương vụ bom tấn với VinCommerce (đơn vị sở hữu chuỗi VinMart/VinMart+ và VinEco) vào năm 2019.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 4/11 - Ảnh 1

“Tại Masan, chúng tôi thường nhìn vào những thương hiệu mạnh trên thị trường. Đó là lý do vì sao Masan đầu tư vào Phúc Long, một thương hiệu nội địa khá mạnh. Chúng tôi nghĩ rằng với Phúc Long, ta có thể mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới. Trong lĩnh vực trà - cà phê, Phúc Long là một thương hiệu mạnh giống như Starbucks để có thể đưa ra thế giới”.

Được coi là điểm khởi đầu trong chiến lược xây dựng chuỗi cửa hàng đa dịch vụ, Masan Group đã bỏ 15 triệu USD để tham gia sở hữu 20% cổ phần Phúc Long từ tháng 5/2021. Sau hai lần tăng tỷ lệ sở hữu lần lượt 51% và 85%, chuỗi đồ uống Phúc Long chính thức về tay Masan với định giá hơn 450 triệu USD.

Lãnh đạo Masan kỳ vọng Phúc Long có thể đóng góp vào tăng trưởng doanh thu bằng cách cross-sell (bán chéo), upsell (bán thêm sản phẩm) thông qua các giải pháp tiện lợi và tích hợp nền tảng chăm sóc khách hàng thân thiết.

9 tháng đầu năm nay, chuỗi Phúc Long đã đóng góp 1.143 tỷ đồng doanh thu vào tổng doanh thu toàn tập đoàn. Trong đó, lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) của Phúc Long đạt 199 tỷ đồng.

Các cửa hàng flagship đóng góp gần 67% doanh thu, đạt 761 tỷ đồng và 233 tỷ đồng EBITDA. Trong quý III, Phúc Long đã mở thêm 15 cửa hàng flagship. Dự kiến trong quý IV, Masan sẽ tiếp tục mở mới 30 cửa hàng flagship để tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Xây dựng hệ thống vận hành và quy trình nhằm thiết lập nền tảng cho việc siêu mở rộng quy mô trong năm 2023.

Hệ thống kiosk (tích hợp Phúc Long vào WinMart+) đang mang về 382 tỷ đồng cho Phúc Long trong 9 tháng đầu năm, tức chiếm hơn 33%. Masan cho biết cho biết đang tối ưu lại và tạm dừng hoạt động các kiosk hoạt động không hiệu quả. Dự kiến, Phúc Long sẽ có thêm 27 tỷ đồng lợi nhuận nếu thực hiện biện pháp kể trên.

Ngoài ra, Masan cho hay, các kiosk Phúc Long bên trong 27 cửa hàng WIN (cửa hàng tích hợp WinMart - nhu yếu phẩm, Techcombank - dịch vụ tài chính, Phúc Long - trà và cà phê, Dr. WIN - chăm sóc sức khỏe và Reddi - dịch vụ viễn thông) đầu tiên có doanh thu/ngày tăng 116% so với các kiosk tại các cửa hàng WinMart+.

Do đó, trong thời gian tới lãnh đạo Masan Group sẽ tập trung tiếp tục cải thiện hiệu quả vận hành của kiosk bên trong cửa hàng WIN, qua đó, mở rộng quy mô mô hình này.

Giá vàng tiếp tục đi xuống, USD vẫn cao

Sáng 4/11, các doanh nghiệp lớn tại Hà Nội niêm yết giá vàng miếng SJC tại 66,2-67,2 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 200.000 đồng so với thời điểm mở cửa phiên. Chênh lệch hai chiều mua và bán là 1 triệu đồng.

Trên thị trường quốc tế, lúc 7h sáng nay (4/11), giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.631,9 USD/ounce, giảm thêm 4 USD so với thời điểm kết phiên hôm qua.

Quy đổi theo tỷ giá USD tại Vietcombank chưa thuế phí, giá vàng SJC đang đắt hơn vàng quốc tế khoảng 18,1 triệu đồng/lượng.

Giá vàng quốc tế có thời điểm giảm mạnh xuống 1.628 USD/ounce sau đó mới phục hồi như hiện tại.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 4/11 - Ảnh 2

Giá vàng quốc tế sụt giảm sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất tham chiếu thêm 0,75%, nhằm hạ nhiệt lạm phát tại Mỹ. Lãi suất cho vay ngắn hạn của Mỹ hiện nằm trong khoảng 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008.

Giá vàng luôn nhạy cảm với lãi suất. Lãi suất tăng khiến những tài sản không trả lãi như vàng gặp bất lợi. Theo khảo sát gần đây của Reuters, giá vàng trung bình trong năm tới sẽ vào khoảng 1.712 USD/ounce, cao hơn so với mức hiện tại.

Trái ngược với vàng, USD - Index và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã bật tăng sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận xác suất "hạ cánh mềm" nghĩa là hạ nhiệt nền kinh tế mà không tạo ra suy thoái đang hẹp lại.

Tỷ giá trung tâm sáng nay niêm yết ở mức 23.693 đồng/USD, tăng 6 đồng so với hôm trước đó. Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn niêm yết giá bán USD cho các ngân hàng thương mại ở mức 24.870 đồng/USD. Với biên độ 5%, các ngân hàng được phép giao dịch ở mức thấp nhất 22.507 đồng/USD và cao nhất 24.877 đồng/USD.

Tỷ giá trung tâm điều chỉnh tăng nên hàng loạt ngân hàng thương mại cũng phải nâng giá giao dịch đồng USD và vẫn ở mức trần cho phép. Giá USD trong các ngân hàng lớn dao động trong mức 24.548-24.877 đồng/USD (mua - bán).

Trên thị trường tự do, giá USD được giao dịch ở mức 25.270-25.350 đồng/USD (mua - bán), tăng 30 đồng ở chiều mua và giữ nguyên chiều bán so với phiên hôm qua.

10 đầu mối chưa gửi thông tin về chi phí nhập xăng dầu

Bộ Tài chính cho biết đã có Văn bản số 10856/BTC ngày 21/10/2022 gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam; premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng và chi phí kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên, đến nay, Bộ chưa nhận được báo cáo của nhiều đơn vị. Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chưa gửi báo cáo chi phí gồm: Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát, Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam S.W.P, Công ty cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm, Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam, Công ty TNHH Trung Linh Phát, Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh, Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro.

Để kịp thời tổng hợp, rà soát và đánh giá, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị trên khẩn trương báo cáo các nội dung theo yêu cầu tại công văn số 10856/BTC về Bộ Tài chính, chậm nhất trong ngày hôm nay.

Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo và chứng từ kèm theo. Cũng trong ngày 2/11, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công Thương về việc phối hợp cung cấp thông tin.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 4/11 - Ảnh 3
10 đầu mối chưa gửi thông tin về chi phí nhập xăng dầu.

Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương về tiếp tục rà soát và điều chỉnh các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị phối hợp cung cấp thêm các thông tin số liệu cụ thể và đánh giá làm rõ mức độ biến động tăng bất thường của các khoản chi phí.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương phối hợp có công văn gửi Bộ Tài chính trước ngày 5/11 để có đủ cơ sở tổng hợp, đánh giá mức độ biến động, có phương án điều chỉnh theo quy định.

Tại buổi báo cáo, giải trình trước Quốc hội về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho biết, so với nhu cầu xăng dầu của nước ta khoảng 19,2 triệu tấn/năm, nguồn từ sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu không đạt kế hoạch đề ra. Trong quý III, nhập khẩu xăng dầu giảm 35-40% nên vẫn thiếu hụt nguồn cung.

Để giúp ổn định giá các mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua việc giảm thuế bảo vệ môi trường với tổng mức giảm khoảng 28.000 tỷ đồng, giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống 10%.

Chi phí xăng dầu, premium cũng đã được tăng 2 lần trong năm nay. Định mức chi phí vận chuyển và quản lý của 1 lít xăng RON92 đã vào khoảng gần 2.000 đồng.

Bộ Tài chính đã có văn bản ngày 21/10/2022 xin ý kiến các công ty đầu mối, Bộ Công Thương để tiếp tục nâng chi phí định mức, tuy nhiên chưa nhận được nhiều ý kiến phản hồi.

Bộ cũng sẽ đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 95 theo hướng giao toàn bộ công tác quản lý mặt hàng xăng dầu về Bộ Công Thương, kể cả việc quyết định về giá và chi phí định mức để bảo đảm tăng cường điều hành chủ động nguồn cung, chủ động trong điều chỉnh chi phí định mức, tháo gỡ các khó khăn để đảm bảo nguồn cung xăng dầu tốt nhất cho đời sống và sản xuất kinh doanh.

Xuất khẩu cao su quý III/2022 đạt hơn 930 triệu USD

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, trong quý III/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 609,17 nghìn tấn, trị giá 930,86 triệu USD, tăng 6% về lượng, nhưng giảm 1,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam trong quý III/2022 tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021 nhờ nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu phục hồi, tuy nhiên trị giá vẫn giảm do giá cao su giảm mạnh.

Về thị trường xuất khẩu, trong quý III/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang phần lớn các thị trường đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam, với 453,06 nghìn tấn, trị giá 669,14 triệu USD, tăng 10,4% về lượng và tăng 0,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 70,2% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 4/11 - Ảnh 4
uất khẩu cao su quý III/2022 đạt hơn 930 triệu USD.

Đứng thứ hai là xuất khẩu sang Ấn Độ với 42,04 nghìn tấn, trị giá 69,64 triệu USD, tăng 25,1% về lượng và tăng 18,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 6,2% trong tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước trong quý 3/2022.

Về giá xuất khẩu, trong quý III/2022, giá xuất khẩu bình quân hầu hết các chủng loại cao su đều trong xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đáng chú ý như: Hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp giảm 5,5%; Latex giảm 6%; SVR 3L giảm 7,1%; SVR10 giảm 5,9%; RSS3 giảm 7,1%; SVRCV60 giảm 8,2%; RSS1 giảm 10,6%...

Tại thị trường trong nước, quý III/2022, giá cao su nguyên liệu trong nước có xu hướng giảm với mức giảm khoảng 40-50 đồng/độ mủ so với cuối quý III/2022.

Riêng trong tháng 10/2022, giá mủ cao su nguyên liệu biến động nhẹ. Tại Bình Phước, Công ty cao su Phú Riềng thu mua mủ nguyên liệu ở mức 270-285 đồng/độ mủ, tăng 10-15 đồng/độ mủ so với cuối tháng 9/2022. Tại Bình Dương, Công ty cao su Phước Hòa thu mua mủ nguyên liệu ở mức 273-275 đồng/ độ mủ, ổn định so với cuối tháng trước. Tại Gia Lai, Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 230-240 đồng/độ mủ, giảm 10 đồng/ độ mủ so với cuối tháng 9/2022.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định, trong quý IV/2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn gặp khó khăn do đồng USD đã bước vào chu kỳ tăng giá như một tài sản trú ẩn trước lạm phát. Vì các loại hàng hóa cơ bản được tính bằng USD, nên khi USD tăng mạnh sẽ sẽ hạ giá trị các loại hàng hóa này. Cao su cũng không ngoại lệ khi giá mủ có diễn biến giảm trong giai đoạn đồng USD tăng mạnh.

Mặt khác, rủi ro của ngành cao su là mưa lớn kéo dài vào vụ cao điểm nên ảnh hưởng đến sản lượng mủ thu hoạch. Hiện tượng La Nina tiếp diễn năm thứ 3 liên tiếp trong 2022 làm gia tăng tần suất và lượng mưa, qua đó tác động tiêu cực đến hoạt động thu hoạch và sản lượng mủ cao su của các doanh nghiệp.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 4/11. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới