Chủ nhật, 24/11/2024 08:51 (GMT+7)
Thứ hai, 07/11/2022 17:55 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/11

Theo dõi KTMT trên

Chính phủ vừa trả nợ hơn 240.000 tỷ đồng; 90% nhân viên Twitter Ấn Độ bị đuổi việc... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 7/11.

Chính phủ vừa trả nợ hơn 240.000 tỷ đồng

Bộ Tài chính cho biết, lũy kế hết tháng 10/2022, Chính phủ đã trả nợ vay trong nước và vay nước ngoài khoảng hơn 240.000 tỷ đồng, bằng 71,8% kế hoạch.

Trong đó, trả nợ trong nước 184.026 tỷ đồng; trả nợ nước ngoài 57.014 tỷ đồng; trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 220.182 tỷ đồng; trả nợ cho vay lại khoảng 20.858 tỷ đồng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước 10 tháng của năm 2022 khoảng 15%.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, cho đến nay, việc trả nợ của Chính phủ tiếp tục được thực hiện đầy đủ theo cam kết, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc trả nợ của ngân sách trung ương đảm bảo trong dự toán được Quốc hội phê duyệt; thực hiện thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn, đảm bảo nghĩa vụ đã cam kết với các chủ nợ.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/11 - Ảnh 1
Chính phủ vừa trả nợ hơn 240.000 tỷ đồng.

Bên cạnh số tiền trả nợ, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 26/10, số tiền rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 906,1 triệu USD (tương đương khoảng 20.902 tỷ đồng). Trong đó, cấp phát khoảng 571,3 triệu USD (13.178 tỷ đồng), cho vay lại khoảng 334,8 triệu USD (7.724 tỷ đồng).

Số rút vốn vay nước ngoài 10 tháng năm 2022 thấp hơn cùng kỳ năm 2021 là 196 triệu USD, tương đương 4.556 tỷ đồng.

“Các khoản vay mới đều phải được xem xét kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế, phương án tài chính, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn theo các nghị quyết của Quốc hội. Do đó, các hiệp định, thỏa thuận vay được đàm phán, ký kết năm 2022 và các năm tiếp theo dự báo sẽ thu hẹp hơn so với giai đoạn Việt Nam được tiếp cận nguồn vốn ODA, nhằm giảm thiểu rủi ro tỷ giá, lãi suất và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia”, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết.

90% nhân viên Twitter Ấn Độ bị đuổi việc

Theo nguồn tin của Bloomberg, Twitter tuyển hơn 200 người tại Ấn Độ. Việc cắt giảm cuối tuần qua nằm trong kế hoạch của ông chủ mới Elon Musk. Hiện tại, chỉ còn hơn 10 nhân sự làm việc cho Twitter tại nước này.

Ấn Độ là cỗ máy tăng trưởng quan trọng đối với các hãng Internet toàn cầu như Twitter, Meta, Google. Tuy nhiên, các công ty cũng đối mặt với quy định quản lý dữ liệu ngày một khắt khe.

Một trong các nguồn tin tiết lộ khoảng 70% nhân sự bị cắt giảm đến từ bộ phận kỹ thuật và sản phẩm. Các nhóm khác như tiếp thị, chính sách công, truyền thông doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Trên toàn cầu, Twitter đuổi việc khoảng một nửa lực lượng lao động, tương đương 3.700 người.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/11 - Ảnh 2
90% nhân viên Twitter Ấn Độ bị đuổi việc.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có hơn 84 triệu người theo dõi trên Twitter. Không rõ Twitter sẽ xử lý và điều tiết nội dung tại đây ra sao với số lượng nhân sự ít ỏi như vậy. Chỉ riêng Ấn Độ cũng có hơn 100 ngôn ngữ khác nhau. Các văn phòng Twitter Ấn Độ đặt tại thủ đô New Delhi, trung tâm tài chính Mumbai và trung tâm công nghệ Bengaluru.

Số lượng nhân sự Twitter trên thế giới hiện còn khoảng 3.700. Musk đang yêu cầu những người còn lại nhanh chóng làm việc và ra mắt các tính năng mới. Một số người thậm chí phải ngủ lại văn phòng để “chạy deadline”. Tình hình tại mạng xã hội hỗn loạn tới mức theo Bloomberg, công ty đã phải gọi vài người quay lại do “đuổi nhầm”.

Chiều 7/11, giá dầu châu Á giảm hơn 1 USD/thùng

Chiều 7/11, giá dầu tại thị trường châu Á giảm hơn 1 USD/thùng sau khi các quan chức Trung Quốc nhắc lại cam kết theo đuổi chính sách kiểm soát chặt dịch COVID-19.

Động thái trên đã “dội gáo nước lạnh” vào hy vọng nhu cầu nhu cầu dầu của nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.

Vào lúc 14 giờ 31 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 1,24 USD (1,26%) xuống 97,33 USD/thùng, sau khi có lúc giảm xuống 96,50 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,44 USD (1,55%) xuống 91,17 USD/thùng sau khi có lúc rơi xuống 90,40 USD/thùng.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/11 - Ảnh 3

Nhà phân tích Tina Teng của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets (Vương quốc Anh) nhận định giá dầu giảm mạnh do các quan chức Trung Quốc tuyên bố sẽ tuân thủ chính sách Không COVID giữa bối cảnh số ca mắc gia tăng tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, đà tăng của đồng USD cũng ảnh hưởng đến giá dầu.

Bốn nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ngày 4/11 cho biết cơ quan này vẫn sẽ cân nhắc một đợt tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách tiếp theo bất chấp số liệu tích cực về thị trường việc làm.

Tuần trước, cả giá dầu Brent lẫn WTI tăng lần lượt 2,9% và 5,4% trước những đồn đoán về khả năng Trung Quốc nới lỏng chính sách kiểm soát dịch COVID-19.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo ngày 5/11, các quan chức y tế Trung Quốc cho biết họ sẽ kiên trì với chính sách Không COVID hiện nay. Trong tháng Mười, xuất khẩu của Trung Quốc ghi nhận lần đầu tiên giảm kể từ tháng 5/2020, do các biện pháp kiểm soát dịch trong nước và nguy cơ suy thoái toàn cầu.

Thống kê cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong 10 tháng kể từ đầu năm đến nay giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước xuống 9,93 triệu thùng/ngày.

Eurozone nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận nhằm hỗ trợ các nền kinh tế

Các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) nhóm họp ngày 7/11 dự kiến thảo luận cách thức phối hợp tốt hơn để hỗ trợ các nền kinh tế trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao, qua đó giảm thiểu những tác động đối với ngân sách năm 2023 và chuẩn bị ứng phó tốt hơn với nguy cơ suy thoái.

Đức đã vấp phải sự phản đối của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khi nước này hồi tháng 9/2022 công bố gói hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình lên tới 200 tỷ euro (199,9 tỷ USD). Các nước này cho rằng không phải nước nào cũng có đủ nguồn lực tài chính để đưa ra khoản hỗ trợ tượng tự và điều này đe dọa môi trường cạnh tranh công bằng trong EU. Nhiều nước khác sau đó đã công bố gói hỗ trợ với quy mô nhỏ hơn.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/11 - Ảnh 4
Eurozone nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận nhằm hỗ trợ các nền kinh tế.

Các gói hỗ trợ nói trên được cho là không chỉ làm tăng nợ công hiện đang ở mức cao của Eurozone mà còn gây khó khăn cho Ngân hàng Trung ương châu Âu trong cuộc chiến chống lạm phát đã lên tới 10,7% trong tháng 10.

Các bộ trưởng tài chính Eurozone trong tháng 9 và tháng 10 đã nhất trí rằng các biện pháp hỗ trợ này của các chính phủ nên có mục tiêu cụ thể và chỉ mang tính tạm thời. Tuy nhiên, theo giới chức khu vực, các biện pháp này trên thực tế đang được mở rộng.

Một quan chức cấp cao của Eurozone cho biết hiện các nước trong khu vực này đang cân nhắc nhiều phương án, trong đó có phương án chính phủ cung cấp một lượng năng lượng cố định cho người tiêu dùng với mức trợ cấp giá và mức tiêu thụ vượt quá định lượng này sẽ phải thanh toán theo giá thị trường cao hơn. Quan chức này đánh giá đây chưa phải giải pháp tối ưu, song bền vững về mặt chính trị và kinh tế.

Theo quan chức trên, nếu đạt được nhất trí, các nước sẽ đưa ra Ủy ban châu Âu để xác định những nguyên tắc cụ thể mà chính phủ các nước EU có thể thực hiện trong các chính sách quốc gia, qua đó duy trì cạnh tranh công bằng giữa các nền kinh tế và cũng giúp các bộ trưởng xây dựng kế hoạch ngân sách năm 2023.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 7/11. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới