Tự hào thập kỷ hùng khí Rồng tiên
Đã một thập kỷ trôi qua kể từ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô của cả nước có biết bao đổi thay, với một diện mạo ngày càng đổi mới, một sắc vóc ngày càng xanh tươi, tỏa sáng tinh thần “Rồng bay lên”.
Ngày 1/10/2020, Hà Nội chính thức chào 1010 năm tuổi. 10 năm có thể là một khoảng thời gian không dài so với lịch sử nghìn năm phát triển của Thủ đô nhưng là một giai đoạn đặc biệt quan trọng tạo thế và lực mới để Thăng Long – Hà Nội cùng cả nước tiến bước mạnh mẽ, tự tin hội nhập quốc tế; xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, văn hóa, khoa học và công nghệ, giáo dục, kinh tế của cả nước.
Thành phố Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại
Trong quy hoạch chung của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô sẽ trở thành một Thành phố Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, trên nền tảng phát triển bền vững. Để vươn đến cái đích ấy, Hà Nội phải đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt là về môi trường.
Xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp, làng nghề
TP.Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp. Theo Sở TN&MT Hà Nội, đến nay 19 cụm công nghiệp trên địa bàn Thủ đô đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và đi vào hoạt động ổn định; 5 cụm đã đầu tư xong hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng chưa vận hành chính thức; 2 cụm đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng không hoạt động. Trong khi đó, còn tới 44 cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải từ các cơ sở sản xuất vẫn xả thẳng ra môi trường.
Ở các làng nghề, tình hình cũng không khả quan hơn. Toàn thành phố hiện có hơn 1.300 làng nghề và làng có nghề, phân bố không đều. Đầu năm 2020 (Sở TN&MT Hà Nội) đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường.
Theo đánh giá, đa số các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Chủ yếu nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải ra môi trường ao, hồ với mức độ ô nhiễm rất cao.
Sở Công Thương Hà Nội đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn thành phố với khoản kinh phí 1.350 tỉ đồng. Trong đó, đến hết năm 2020, sẽ bố trí khoảng 750 tỉ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020 - 2030, cần 600 tỉ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.
Để khắc phục những bất cập này, trong vòng một năm trở lại đây, khi xây dựng, giải phóng mặt bằng 43 cụm công nghiệp làng nghề, thành phố đã chú trọng tới xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, chú trọng bảo vệ môi trường và xử lý nước thải tập trung. Tại các cụm công nghiệp làng nghề, thành phố yêu cầu chỉ được phép xây dựng các nhà xưởng sản xuất, ưu tiên cho phát triển các nghề truyền thống, khuyến khích phát triển công nghiệp sạch và công nghệ cao. Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, xây dựng các trạm xử lý nước thải, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra.
Khắc phục ô nhiễm nước thải sinh hoạt và hồi sinh những dòng sông “chết”
Nhiều năm qua, những dòng sông chảy quanh TP.Hà Nội như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Sét, sông Lừ… luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. Hiện cả Thủ đô mới chỉ có 7 nhà máy xử lý nước thải, đáp ứng được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% đang được xả thẳng ra môi trường.
Theo ước tính, mỗi ngày có khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ vào sông Tô Lịch. Các chuyên gia môi trường đô thị cho rằng, khó khăn lớn nhất cản trở việc xử lý triệt để nguồn ô nhiễm ở con sông này là lượng bùn, chất thải khổng lồ dưới lòng sông, sẽ khó xử lý nếu nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp cứ tiếp tục chảy vào mỗi ngày.
Mong muốn khắc phục tình trạng này, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ TP.Hà Nội thông qua nguồn vốn ODA thực hiện “Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá” (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì), với quy mô xây dựng trên phạm vi khoảng 4.874 ha, tổng vốn đầu tư hơn 61 triệu yên (tương đương 16.293 tỉ đồng), trong đó bao gồm nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000 m3/ngày-đêm và hệ thống cống thu gom, cống bao, cống đấu nối dọc bờ sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần khu vực quận Hà Đông với tổng chiều dài cống các loại khoảng 52,621 km, đường kính từ 315 - 2.200 mm.
Dự án này được chính quyền TP.Hà Nội xác định là công trình trọng điểm, ảnh hưởng lớn đến đời sống, xã hội khi thu gom xử lý nước thải sinh hoạt của người dân các quận Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng và một phần huyện Thanh Trì, quận Hà Đông để góp phần làm sạch các dòng sông trên địa bàn thành phố.
Khi Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận nước thải của 7 quận, huyện trên địa bàn và toàn bộ nước thải ở sông Tô Lịch sẽ được xử lý. Khi đó, những con sông này sẽ có khả năng hồi sinh dòng chảy như xưa, đây cũng là mong mỏi, chờ đợi của rất nhiều người dân Thủ đô trong những năm qua do tình trạng ô nhiễm các dòng sông đã rất nặng nề. Dự án dự kiến được hoàn thành trong năm 2021.
Sau 10 năm, diện mạo Hà Nội thực sự đã đổi thay xanh hơn, sạch hơn nhờ những nỗ lực của chính quyền và người dân. Đây là những thành quả đáng kể trong nỗ lực làm sạch và trả lại cảnh quan trong xanh cho sông hồ Hà Nội - niềm mong mỏi của người dân Thủ đô trong nhiều năm qua.
Phủ xanh đô thị, cải thiện chất lượng không khí
Cùng với vấn đề ô nhiễm sông hồ, chính quyền các sở ban ngành đã tích cực triển khai thực hiện các biện pháp để cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố.
Đáng chú ý, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố đã trồng được hơn 67.700 cây đô thị, bóng mát, cây lấy gỗ (chưa bao gồm 1.637 cây đơn lẻ khóm và 1.841 m2 cây mảng, thảm cỏ).
Trên địa bàn Thủ đô, ngày càng nhiều các tuyến đường được đầu tư cải tạo, chỉnh trang, trồng bổ sung hoàn thiện hệ thống cây xanh với mô hình trồng cây đa tầng, tán như: Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, Kim Mã, Giảng Võ, Điện Biên Phủ, Văn Cao, Liễu Giai, Láng Hạ, Xã Đàn, đường Láng... bước đầu đã cho những kết quả nhất định về không gian xanh, tạo mỹ quan, cảnh quan đồng bộ.
UBND TP giao Giao Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, chăm sóc, duy tu cây xanh, thường xuyên kiểm tra, cắt tỉa cây xanh trong mùa mưa bão, đặc biệt tại các khu vực trường học, bệnh viện,... nhằm hạn chế mức thấp nhất về bão, cây đổ.
Góp phần không nhỏ trong việc phát triển bộ mặt đô thị xanh - sạch của Hà Nội là các kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông. Theo Giám đốc Sở Giao thông, vận tải (GTVT) Hà Nội Vũ Văn Viện, trong những năm qua, nhất là sau khi đồ án quy hoạch GTVT Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đã có chuyển biến tích cực. Ðiều này thể hiện rõ qua sự gia tăng tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông tính trên diện tích đất xây dựng đô thị. Năm 2015, tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông đạt 8,65% diện tích đất xây dựng đô thị, đến cuối năm 2019 đạt 9,75% và dự kiến đến hết năm 2020 đạt khoảng 10,05%.
Hàng loạt dự án có quy mô lớn đã được hoàn thành: Ðường Lê Trọng Tấn (Hà Ðông) - một đoạn tuyến của đường vành đai 3,5; đường Phúc La - Văn Phú (Hà Ðông); đường vành đai 2 (đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy); nút giao trung tâm quận Long Biên; tuyến đường Hà Nội - Hưng Yên (kết nối khu đô thị Ecopark với đường vành đai 3); tuyến đường từ đường Lê Ðức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm; bãi đỗ xe cao tầng: Trần Nhật Duật, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Công Hoan…
Nhờ đó, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại, tình trạng ùn tắc giao thông đã được cải thiện đáng kể. Nhiều giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông được triển khai vào thực tế.
Hà Nội hướng tới mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố đến hết năm 2020. Theo đánh giá của Sở TN&MT, việc giảm bếp than tổ ong giúp giảm tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí từ nấu ăn cho hàng trăm nghìn gia đình ở Hà Nội.
Đánh giá về hiệu quả của quá trình này, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Chuyên gia nghiên cứu về không khí ở Việt Nam, nhận định, bếp than tổ ong đã được giảm khá nhiều ở Hà Nội. Theo số liệu thống kê từ Sở TN&MT Hà Nội, tính đến tháng 6/2020, Hà Nội giảm 72,8% số lượng bếp than tổ ong so với năm 2017, và hiện vẫn còn hơn 15.000 bếp than tổ ong. Phần lớn những gia đình khá giả đã chuyển đổi từ bếp than tổ ong sang bếp gas, bếp điện, bếp từ. Số còn lại sử dụng bếp than tổ ong chủ yếu là các gia đình còn khó khăn về kinh tế nhưng cũng không loại trừ những gia đình kinh tế khá vẫn chưa chuyển đổi, vì dùng than tổ ong rẻ, đã dùng quen và cũng không cảm nhận rõ tác động.
Tuy nhiên, GS Hoàng Xuân Cơ băn khoăn: Chuyển sang sử dụng điện có thể giảm ô nhiễm trên địa bàn nhưng nếu điện lại được lấy từ nhiệt điện chạy than thì vẫn có thể phát sinh nhiều chất ô nhiễm và tác hại cũng không nhỏ nếu không quản lý tốt.
Việc cắt giảm bếp than ở Hà Nội ngoài sự cố gắng của các cơ quan quản lý còn có sự tự giác của người dân khi cuộc sống được nâng cao. Vì vậy, nâng cao GDP đầu người là giải pháp tiên quyết - Chuyên gia nghiên cứu về không khí ở Việt Nam nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị Ban Cán sự đảng UBND TP thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống ô nhiễm không khí, phấn đấu đến cuối năm 2020 phải tạo chuyển biến căn bản về chất lượng không khí.
Sở TN&MT tham mưu UBND TP chỉ đạo, đến ngày 31/12/2020, thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Tỏa sáng văn hóa nền tảng
Thấu suốt quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, động lực phát triển, Hà Nội luôn quan tâm chăm lo bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đã thấm sâu vào đời sống xã hội.
Một số di sản đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới (Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc; Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di tích Quốc gia đặc biệt, 82 bia Tiến sĩ triều Lê - Mạc là Di sản Tư liệu thế giới...). Sự nghiệp giáo dục, y tế, thể thao của thành phố luôn nằm trong Top đầu của đất nước. Hà Nội được Chính phủ giao là địa phương đăng cai tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 năm 2021.
10 năm qua, quá trình hội nhập của đất nước ngày càng sâu rộng gắn liền với tình hình văn hóa - xã hội được đảm bảo và củng cố: An ninh chính trị được giữ vững; trật tự xã hội được bảo đảm; bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu, công trình trọng điểm, hàng nghìn sự kiện chính trị lớn của đất nước và các hoạt động quốc tế mỗi năm; giải quyết thành công các tình huống phức tạp phát sinh; làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Hà Nội đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 thủ đô, thành phố của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2018, Hà Nội là một trong hai thành phố của Việt Nam lọt Top hot nhất thế giới về lượng phòng du khách đặt trước, xếp thứ 12 trong Top 25 điểm đến tốt nhất thế giới do chuyên trang du lịch uy tín hàng đầu thế giới TripAdvisor công bố.
Năm 2019, Hãng hàng không ANA của Nhật Bản xếp Hà Nội đứng thứ 25/26 các thành phố châu Á tốt nhất để làm việc và du lịch; Hà Nội được nhận giải Travelers’ Choice Awards năm 2019, xếp thứ 4/25 điểm đến hàng đầu châu Á; hãng thông tấn CNN bình chọn Hà Nội là điểm đến của Việt Nam lọt top Danh sách vàng những điểm du lịch tốt nhất châu Á năm 2019,… Có thể thấy sức hút không nhỏ của thành phố “Vì hòa bình”.
Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, về mặt kinh tế, Hà Nội tuy chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,1% về dân số nhưng đóng góp tới gần 16,5% GDP và hơn 19% về thu ngân sách của cả nước. Điều này chứng tỏ vị thế của Hà Nội cũng như định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Nhưng để tiến đến một Hà Nội mang tầm vóc quốc tế trong khu vực, thì còn cả một chặng đường dài mà chúng ta phải tiếp tục nỗ lực.
Trong kỷ nguyên 4.0, việc tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức… sẽ góp phần tạo đà để Hà Nội tiếp tục có những đột phá mới, xứng đáng “là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời” như những giá trị mà vua Lý Công Uẩn từng khẳng định.
Song Anh