Tỷ giá USD hôm nay 14/3: Chờ đợi thông tin cuộc họp của Fed để bứt phá
Trên thị trường quốc tế, phiên giao dịch chốt tuần vừa qua, chỉ số USD Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt đứng ở mức 99,13, tăng 0,48%.
Trên thị trường thế giới
Đồng USD trong tuần vừa qua chốt phiên ngày thứ Sáu (11/3) tăng 0,63%, và đạt mức tăng 0,48% trong tuần qua.
Tuần vừa qua là một tuần đầy biến động đối với đồng USD. Đồng bạc xanh khởi động tuần với mức tăng cao, chỉ số DXY đạt 99,42 vào hôm 7/3, rồi lại lập tức hạ nhiệt hai ngày sau đó khi giá dầu thô giảm mạnh từ khoảng 130 USD/thùng xuống còn 110 USD/thùng.
Tuy nhiên, chỉ số này đã phục hồi mạnh trở lại từ mức thấp 97,71 và kết thúc tuần với mức tăng mạnh 0,63%, lấy lại mốc 99 của phiên đầu tuần. Lạm phát tăng nóng là yếu tố giúp đồng bạc xanh phục hồi trở lại. Theo dữ liệu mới công bố, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ - thước đo lạm phát đã tăng 7,91% trong tháng 2 từ mức 7,53% trong tháng 1.
Vấn đề lạm phát tăng đã khiến các nhà đầu tư kỳ vọng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong tuần này. Nhưng liệu Fed có gây bất ngờ cho thị trường với mức tăng mạnh 50 điểm hay không? Xem xét những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra, các nhà đầu tư đặt cược ít cơ hội hơn đối với việc Fed sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản. Cuộc họp của Fed sẽ diễn ra vào thứ Tư 16/3 tới.
Mức hỗ trợ tại 97,80 được đề cập vào tuần trước đã giúp đồng bạc xanh đi đúng theo lộ trình đã được dự đoán trước với chỉ số DXY đạt mức trên 99. Chỉ số này có lúc rơi xuống ngưỡng 97,71 rồi ngay lập tức tăng mạnh trở lại. Điều này giúp duy trì triển vọng tiếp tục tăng giá đối với đồng bạc xanh ở ngưỡng 100. Như đã đề cập vào tuần trước, không thể loại trừ việc chỉ số này sẽ có giai đoạn điều chỉnh giảm từ 100 xuống 98,50-98.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, nó vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức tích cực. Việc phá vỡ mốc 100 sau đó sẽ mở đường cho tương lai 101-102 trong trung hạn. 97 và 96,50 là các mức hỗ trợ quan trọng. Trong trường hợp chỉ số này chọc thủng mốc 96 thì thị trường sẽ chuyển sang xu hướng giảm.
Trong khi đó, đồng euro cũng vừa trải qua một tuần đầy biến động. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine tiếp tục tác động tiêu cực lên đồng tiền chung này. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng đã gây bất ngờ cho thị trường khi công bố sẽ kết thúc các biện pháp kích thích kinh tế theo Chương trình Mua tài sản vào quý 3 năm nay. Tuy nhiên, quyết định của ECB vẫn chưa đủ để hỗ trợ đồng euro bởi giảm vẫn là xu hướng chủ đạo trong tuần vừa rồi.
Trên thị trường trong nước
Vào cuối phiên giao dịch 11/3, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức: 23.164 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào bán ra giữ nguyên ở mức: 22.550 đồng - 23.050 đồng.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:
Vietcombank: 22.730 đồng - 23.010 đồng
VietinBank: 22.665 đồng - 23.105 đồng
Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng trở lại ở mức: 24.700 đồng – 26.228 đồng.
Tỷ giá Euro tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:
Vietcombank: 24.733 đồng - 25.858 đồng
VietinBank: 24.205 đồng - 25.495 đồng
Bùi Hằng (t/h)