USAID hỗ trợ Việt Nam giải quyết nhiều vấn đề về môi trường
Thông qua 5 dự án do USAID tài trợ với tổng ngân sách 7,2 triệu USD, các đối tác đã cùng phối hợp với nhiều bên liên quan trong việc nâng cao nhận thức và chung tay hành động nhằm giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường.
Ngày 21/6, Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), và đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cùng các đối tác địa phương tổ chức sự kiện tổng kết những kết quả đạt được từ nỗ lực chung của các bên trong hơn 7 năm qua nhằm giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tổng kết, ông Bradley Bessire, Phó Giám đốc USAID Việt Nam cho biết, những kết quả đạt được đến từ nỗ lực chung của tất cả mọi người. Cùng nhau hướng về tương lai khi USAID bàn giao những mô hình và sản phẩm thành công từ các dự án do USAID tài trợ sang cho chính quyền địa phương để tiếp tục duy trì.
"Cùng nhau, chúng ta đã thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thử nghiệm để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường với các mô hình và sáng kiến có tiềm năng lớn để nhân rộng trên cả nước", ông Bradley Bessire chia sẻ.
Nhiều kết quả thiết thực
Thông qua 5 dự án do USAID tài trợ với tổng ngân sách 7,2 triệu USD, các đối tác đã cùng phối hợp với nhiều bên liên quan trong việc nâng cao nhận thức và chung tay hành động nhằm giải quyết những thách thức về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm rác thải nhựa, trong đó bao gồm các hoạt động:
Xây dựng khung dữ liệu mới về các vấn đề liên quan đến sức khỏe môi trường và ô nhiễm môi trường; hình thành mạng lưới các bên liên quan ở cấp trung ương và địa phương để cùng thực hiện hành động tập thể; tạo thuận lợi cho việc thực hiện các đối thoại đa dạng, minh bạch và cung cấp các thông tin đầu vào mang tính khoa học nhằm hỗ trợ công tác xây dựng chính sách ở cấp trung ương và địa phương; huy động nguồn lực từ địa phương dành cho các sáng kiến do địa phương dẫn dắt để giải quyết các vấn đề ô nhiễm; và thí điểm các mô hình giảm thiểu ô nhiễm và quản lý tài nguyên bền vững.
Những kết quả cụ thể đạt được gồm: Cung cấp thông tin hỗ trợ việc xây dựng Luật Quản lý tài nguyên nước sửa đổi; hỗ trợ các bên liên quan xây dựng và vận động thành công việc áp dụng 8 chính sách cấp địa phương, bao gồm quy định phải có các nghiên cứu về chất lượng không khí để giám sát chất lượng không khí hiệu quả hơn và đưa ra các giải pháp tốt hơn, đồng thời kiểm soát việc đốt rác thải ngoài trời và khí thải từ xe máy;
Huy động tổng cộng 2,1 triệu USD thông qua 5 dự án cho các nỗ lực của địa phương; hỗ trợ 15 sáng kiến do địa phương dẫn dắt nhằm góp phần thực hiện hóa Đề án "Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường";
Thành lập Mạng lưới bảo tồn nguồn nước Việt Nam (VIWACON) và xây dựng mạng lưới gồm hơn 80 tổ chức thành viên để cùng chung tay hành động vì nước sạch; hỗ trợ 21 mô hình quản lý chất thải rắn tại địa phương về thu gom, phân loại và tái chế tổng khối lượng rác thải tương đương trọng lượng của 200 xe khách;
Xây dựng 48 hệ thống cấp nước tại trường học, hộ gia đình và cộng đồng, mang lại lợi ích cho hơn 5.400 học sinh, giáo viên và hộ gia đình; thúc đẩy sự tham gia của người dân trong việc giám sát môi trường và giảm thiểu ô nhiễm không khí đô thị, chẳng hạn như thông qua việc lắp đặt máy cảm biến đo chất lượng không khí tại hơn 100 trường học và văn phòng tại Hà Nội.
Hợp tác, chia sẻ, cùng phát triển
Sự kiện tổng kết trên là một phần trong chương trình Hội thảo quốc tế "Sáng kiến địa phương: Hợp tác và Phát triển vì Môi trường Việt Nam". Hội thảo kéo dài 2 ngày do Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng và các tổ chức đối tác thực hiện dự án của USAID, bao gồm Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub), Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) và Viện Dân số, Sức Khỏe và Phát triển (PHAD), phối hợp tổ chức.
Hội thảo nhằm tổng kết, chia sẻ các kết quả và bài học của quá trình thúc đẩy sự tham gia của các bên, các ngành, đặc biệt là cộng đồng dân cư và doanh nghiệp cùng chung tay giải quyết các vấn đề môi trường như bảo vệ nguồn nước, quản lý rác thải, cung cấp nước sạch, và bảo vệ môi trường không khí tại địa phương. Từ đó đưa ra các khuyến nghị cho phát triển và triển khai các dự án trong tương lai nói chung và của TP. Đà Nẵng nói riêng, đồng thời tăng cường hợp tác giữa các đối tác để hỗ trợ triển khai hiệu quả Đề án "Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường".
Theo ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, giai đoạn 2020 - 2025, địa phương đã tiếp nhận, chủ trì tham mưu tổ chức triển khai 3 dự án hỗ trợ kỹ thuật về công tác bảo vệ môi trường thuộc Chương trình Sáng kiến Địa phương (Local Works) của USAID khởi xướng và được các tổ chức kỹ thuật thực hiện.
Trong đó, hơn 25 sáng kiến về bảo vệ môi trường được nghiên cứu, 14 đối tác địa phương trực tiếp xây dựng, 19 tổ chức được huy động, 4 tổ chức khoa học kỹ thuật, hơn 100 cán bộ, nhân viên làm công tác môi trường được nâng cao năng lực về quản lý và thực hiện, 55.000 lượt người tham gia trực tiếp vào các hoạt động và 5 dữ liệu về quản lý môi trường được thiết kế.
Theo Đại sứ quán Mỹ, năm 2023, Mỹ và Việt Nam kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện. Sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước nhằm cải thiện chất lượng môi trường là một ví dụ nữa về cách mà Việt Nam và Mỹ hợp tác chiến lược cùng nhau để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước.
PV