Chủ nhật, 24/11/2024 08:40 (GMT+7)
Thứ hai, 10/04/2023 14:19 (GMT+7)

Vì sao Bộ GTVT từ chối giảm giá dịch vụ cất, hạ cánh chuyến bay nội địa?

Theo dõi KTMT trên

Theo Bộ GTVT, hiện vẫn chưa đủ cơ sở để xem xét giảm giá dịch vụ cất, hạ cánh đối với các chuyến bay nội địa năm 2023 bởi nguồn thu từ dịch vụ này cho chi phí bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng hàng không còn hạn chế.

Đề xuất chưa đủ cơ sở

Tại cuộc họp về kiến nghị giảm giá dịch vụ cất, hạ cánh đối với chuyến bay nội địa năm 2023, lãnh đạo Bộ GTVT thống nhất, chưa đủ cơ sở xem xét giảm giá dịch vụ cất/hạ cánh đối với các chuyến bay nội địa năm 2023.

Dẫn số liệu của Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải cho biết, sản lượng vận chuyển nội địa năm 2023 dự kiến đạt 45,5 triệu khách, tăng 5% so với năm 2022 và tăng 22% so với năm 2019. Như vậy, thị trường vận tải nội địa đã và đang phục hồi như giai đoạn trước dịch Covid-19.

Vì sao Bộ GTVT từ chối giảm giá dịch vụ cất, hạ cánh chuyến bay nội địa? - Ảnh 1
Bộ GTVT từ chối giảm giá dịch vụ cất, hạ cánh chuyến bay nội địa. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, nguồn thu từ dịch vụ cất, hạ cánh để chi trả chi phí bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo quy định. Tuy nhiên, nguồn thu hiện nay còn đang hạn chế, cần cân đối để bố trí cho sửa chữa, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại các cảng hàng không đảm bảo khai thác an toàn.

Do đó, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn giao Tổng Công ty Cảng hàng không và Cục Hàng không rà soát, đánh giá lại hiện trạng khu bay tại các cảng hàng không để xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo trì cho phù hợp.

Nhiều hãng hàng không "than khó"

Trước đó, một số hãng hàng không trong nước đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét tiếp tục áp dụng chính sách giảm 50% phí cất, hạ cánh và điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa trong năm 2023.

Theo các hãng hàng không, dù thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng so với năm 2019 nhưng thị trường quốc tế năm 2022 mới chỉ phục hồi được khoảng 30% so trước dịch.

Hơn nữa, năm 2022 và dự kiến năm 2023, các hãng hàng không vẫn chịu áp lực giá dầu leo thang cộng với các nguy cơ tiềm ẩn về khủng hoảng kinh tế, lạm phát trên thế giới.

Do đó, năm 2023 dự báo vẫn là năm khó khăn với ngành Hàng không Việt Nam khi thị trường quốc tế dự kiến mới chỉ hồi phục ở mức 80% so với năm 2019. Trong bối cảnh đó, các hãng hàng không dự kiến khó có thể kinh doanh có lãi về vận tải hàng không.

Bởi vậy, các hãng hàng không đánh giá vẫn rất cần sự ủng hộ và hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành; trong đó có Bộ Giao thông vận tải thông qua việc tiếp tục duy trì các giải pháp chính sách hỗ trợ về chi phí, đảm bảo khả năng cạnh tranh khi có sự tham gia ngày càng đông của các hãng hàng không quốc tế. Điều này nhằm hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và trong thời gian trước mắt.

Một trong những giải pháp được đề xuất là tiếp tục hỗ trợ giảm 50% phí cất, hạ cánh và điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa trong năm 2022 và 2023 như đã được áp dụng trong giai đoạn 2020-2021.

Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định quy hoạch cảng hàng không quốc tế thứ hai tại Hà Nội trong giai đoạn 2026 - 2030.

Ban Cán sự đảng Bộ GTVT vừa ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch cảng hàng không quốc tế thứ hai đáp ứng yêu cầu phát triển Vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong giai đoạn 2026-2030.

Cùng với đó sẽ cải tạo, nâng cấp mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo quy hoạch, góp phần xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước.

Ngoài ra, Bộ GTVT tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư cầu Đuống để tăng cường năng lực vận tải đường sông; phối hợp với Hà Nội đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 2,5, các tuyến đường sắt đô thị, các cầu vượt sông Hồng (cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở), cầu vượt sông Đuống, các tuyến trục hướng tâm.

Về nguồn vốn thực hiện các mục tiêu trên, Bộ GTVT xác định ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô; thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế; huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư các trung tâm logistics, cảng cạn gắn với các đầu mối vận tải lớn, đường sắt đô thị.

Ngoài ra, tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng do Trung ương quản lý để phát huy tính chủ động, huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời hỗ trợ địa phương trong xúc tiến, kêu gọi nguồn vốn hợp pháp để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Bộ GTVT từ chối giảm giá dịch vụ cất, hạ cánh chuyến bay nội địa?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới