Chủ nhật, 24/11/2024 07:55 (GMT+7)
Thứ hai, 13/06/2022 17:05 (GMT+7)

Vì sao nên bỏ hạn mức tín dụng?

Theo dõi KTMT trên

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, kiểm soát tín dụng là cần thiết để tránh rủi ro của việc tín dụng tăng trưởng quá cao. Bởi lẽ, đặc thù của nền kinh tế nước ta là vốn đầu tư dựa rất lớn vào nguồn vốn của hệ thống ngân hàng.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua, trong phiên chất vấn, khi trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) về tính hợp lý của cơ chế cấp hạn mức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói rằng, đây là “biện pháp hiệu quả” để kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, thực tế thì Ngân hàng Nhà nước không cần phải duy trì biện pháp mang tính hành chính và luôn bị nghi ngờ về tính minh bạch này.

Vì sao nên bỏ hạn mức tín dụng? - Ảnh 1
Kiểm soát tín dụng là cần thiết để tránh rủi ro của việc tín dụng tăng trưởng quá cao. (Ảnh minh họa)

Đầu tiên, đúng như Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói, kiểm soát tín dụng là cần thiết để tránh rủi ro của việc tín dụng tăng trưởng quá cao. Bởi lẽ, đặc thù của nền kinh tế nước ta là vốn đầu tư dựa rất lớn vào nguồn vốn của hệ thống ngân hàng.

Do vậy, mỗi khi có các cú sốc như dịch bệnh hay biến động mạnh của kinh tế thế giới khiến doanh nghiệp, người dân làm ăn khó khăn thì sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Nếu hệ thống ngân hàng mất khả năng chi trả sẽ hệ lụy đến cả nền kinh tế.

Vì sao nên bỏ hạn mức tín dụng? - Ảnh 2
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đặt câu hỏi chất vấn.

Tuy vậy, vấn đề là Ngân hàng Nhà nước không cần kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng việc áp đặt hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng như cách làm hiện nay. Bởi lẽ, trong tay Ngân hàng Nhà nước đang có những công cụ khác hiện đại, đúng chuẩn mực quốc tế. 

Vì sao nên bỏ hạn mức tín dụng? - Ảnh 3
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của ĐBQH.

Một trong số đó là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trên tổng tài sản có. Tỷ lệ này đã được quy định trong nhiều văn bản của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có Thông tư 41/2016. Bên cạnh đó, Hiệp ước Basel 2 (do Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng đưa ra, trong đó xác định các tiêu chuẩn về vốn để hạn chế rủi ro kinh doanh) mà các ngân hàng nước ta phải đăng ký áp dụng cũng quy định về vốn an toàn tối thiểu.

Như vậy, để ngăn các ngân hàng có ít vốn nhưng lại cho vay quá nhiều gây rủi ro, Ngân hàng Nhà nước chỉ cần yêu cầu các ngân hàng tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và tăng cường thanh tra, giám sát việc tuân thủ là đủ.

Tương tự, trường hợp muốn hạn chế các ngân hàng “đổ vốn” vào các lĩnh vực rủi ro như trái phiếu doanh nghiệp hay bất động sản, Ngân hàng Nhà nước có thể kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn tại Thông tư 22/2019 (được sửa đổi bởi Thông tư 08/2020). Ví dụ, Thông tư 22 quy định một loạt điều kiện cho vay đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp như: chỉ được cấp tín dụng với thời hạn đến 1 năm; có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; tổng dư nợ cho vay không được quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp…

Ngoài ra, Thông tư 22 cũng quy định các hệ số rủi ro cho từng hạng mục tài sản. Tài sản rủi ro càng cao thì hệ số rủi ro càng lớn, buộc ngân hàng nếu vẫn muốn cho vay thì phải có thêm nhiều vốn chủ sở hữu. Ví dụ hệ số rủi ro áp dụng cho bất động sản lên tới 200%, còn với cổ phần là 100%.

Trên nghị trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bày tỏ lo ngại nếu không kiểm soát tín dụng có thể tạo ra cuộc đua lãi suất nhằm huy động bằng được nguồn tiền để cho vay, từ đó đẩy mặt bằng lãi suất lên cao, gây khó cho nền kinh tế. Tuy nhiên, như các chuyên gia đã nhiều lần chỉ ra, mặt bằng lãi suất trong cả hệ thống và nền kinh tế có tăng lên hay không phụ thuộc cuối cùng vào chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, để quản lý tăng trưởng tín dụng thì Ngân hàng Nhà nước chỉ cần quản lý cung tiền thay vì áp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng.

Nói tóm lại, Ngân hàng Nhà nước có đủ các công cụ để kiểm soát tăng trưởng tín dụng mà không cần phải dùng biện pháp hành chính như việc cấp hạn mức. Tất cả những việc cần làm chỉ là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và có chế tài đủ mạnh để buộc các ngân hàng phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về an toàn vốn, an toàn cho vay. Chưa kể, việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hiện nay còn bất cập, chưa có tiêu chí, phương thức thống nhất. Điều này dễ dẫn đến "xin - cho" và khiến các ngân hàng bị động trong kinh doanh.

Các tổ chức nước ngoài (Quỹ Tiền tệ quốc tế, Moody’s) từng chỉ ra bất cập của hạn mức tăng trưởng tín dụng. Kết luận phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu nghiên cứu tiến tới xóa bỏ việc điều hành theo hạn mức tín dụng một cách hành chính như hiện nay. Như vậy, chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ phải xem xét lại việc sử dụng công cụ này.

“Từ góc độ của các tổ chức tín dụng, thì tổ chức tín dụng nào cũng mong muốn tăng trưởng tín dụng nhiều nhưng Ngân hàng Nhà nước phải đứng ở trên góc độ điều hành kinh tế vĩ mô, nếu đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức tín dụng thì chính sách tiền tệ sẽ không đạt được mục tiêu là kiểm soát lạm phát, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Để giảm áp lực kiểm soát tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng kỳ vọng thị trường vốn sẽ phát triển để “chia lửa” với ngành Ngân hàng. Khi thị trường vốn phát triển, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay trung, dài hạn từ những phân khúc thị trường này và chỉ vay vốn ngắn hạn phục vụ cho vốn lưu động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh từ hệ thống ngân hàng. Khi đó rõ ràng áp lực đối với việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước sẽ bớt đi.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Vì sao nên bỏ hạn mức tín dụng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới