Chủ nhật, 24/11/2024 08:18 (GMT+7)
    Thứ năm, 09/06/2022 06:00 (GMT+7)

    Vì sao tín dụng bất động sản là rủi ro lớn đối với ngân hàng?

    Theo dõi KTMT trên

    “Có một rủi ro vô cùng quan trọng đó là rủi ro về thanh khoản vì bản chất tín dụng bất động sản thường có giá trị lớn và kỳ hạn dài. Trong khi đó, tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại là ngắn hạn", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói.

    Tín dụng chỉ là một kênh tham gia đầu tư vào BĐS

    Tại phiên chất vấn chiều ngày 8/6, nhiều đại biểu Quốc hội đặt các vấn đề lo ngại về rủi ro tín dụng bất động sản.

    Theo bà Đỗ Thị Việt Hà, đoàn đại biểu Bắc Giang, thị trường bất động sản đã, đang và có thể tiếp tục có những biến động. Tình trạng nhà đầu tư đầu cơ, đẩy giá đất lên cao bất thường trong những cuộc đấu giá gây sốt ảo bất động sản, bong bóng giá nhà đất, làm lũng đoạn thị trường.

    Vì sao tín dụng bất động sản là rủi ro lớn đối với ngân hàng? - Ảnh 1
    Ảnh minh họa

    Trong khi đó, dòng tiền đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản rất lớn, bao gồm nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản - lĩnh vực rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

    Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường bất động sản bao gồm nhiều chủ thể, thu hút được rất nhiều nguồn đầu tư khác và tín dụng chỉ là một kênh tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

    Tính đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng khoảng 2,288 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021 và chiếm tỷ trọng 20,44% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu là 1,62% (tương đương khoảng 37.000 tỷ đồng).

    Trong nhiều năm trở lại đây, chủ trương của NHNN là mở rộng tín tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả và tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

    Rủi ro về thanh khoản

    Bất động sản là hoạt động quan tâm nhất của ngân hàng bởi rủi ro mất vốn, rủi ro tín dụng. Các tổ chức tín dụng cho vay khi khách hàng đủ điều kiện và phải đảm bảo khả năng trả nợ.

    “Thế nhưng có một rủi ro vô cùng quan trọng đó là rủi ro về thanh khoản vì bản chất tín dụng bất động sản thường có giá trị lớn và kỳ hạn dài. Trong khi đó, tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại là ngắn hạn.

    Các tổ chức tín dụng cho vay không kiểm soát được có thể sẽ có những thời điểm khách hàng đến rút tiền nhưng tổ chức tín dụng chưa đòi được khoản nợ dài hạn. Chính vì vậy mà xuyên suốt những năm qua, NHNN có những quy định kiểm soát những rủi ro này”, Thống đốc NHNN phản hồi.

    Vì sao tín dụng bất động sản là rủi ro lớn đối với ngân hàng? - Ảnh 2
    Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: quochoi.vn).

    Cũng theo Thống đốc NHNN, việc cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và quyết định trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động của chính tổ chức tín dụng và của cả hệ thống.

    Liên quan đến hiện tượng tăng giá, thổi giá đất ảnh hưởng đến các khoản vay có tài sản đảm bảo, Thống đốc NHNN cho biết NHNN đã có những quy định và chỉ đạo tổ chức tín dụng khi đã cho vay các khoản vay có tài sản đảm bảo phải thường xuyên đánh giá lại các tài sản để nhận diện rủi ro của khoản vay đó.

    Đặc biệt đối với các tài sản đảm bảo nằm ở những địa bàn giá bất động sản bong bóng, rất cao, các tổ chức tín dụng cũng phải rất cẩn trọng kiểm soát rủi ro khi cho vay.

    Siết tín dụng bất động sản khiến người nghèo khó mua nhà giá rẻ

    Theo đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng với nền kinh tế. Tuy nhiên, việc siết chặt tín dụng với bất động sản có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như thị trường đình trệ, người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị khó mua nhà giá rẻ hơn như mong muốn.

    Trong khi đó, mục đích của nhà nước là chống đầu cơ, chống bong bóng bất động sản. Thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật. Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Thống đốc NHNN chỉ rõ các giải pháp về chính sách tiền tệ để bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

    Theo số liệu được công bố bởi Thống đốc NHNN, trong 2,2 triệu tỷ đồng dư nợ bất động sản vào cuối năm 2020 có tới 65% dành cho nhu cầu mua nhà để ở và sửa chữa nhà, phục vụ mục đích tiêu dùng.

    Đối với nhu cầu mua nhà dành cho người có thu nhập thấp, Thống đốc NHNN cho biết đaax có những chính sách đang được thực thi như Nghị định 100 cho vay qua ngân hàng chính sách xã hội.

    Hay như trong gói 2% hỗ trợ lãi suất cũng có cho vay nhà ở xã hội, cho vay công nhân và cải tạo chung cư cũ,… Nội dung này sẽ do các địa phương và Bộ Xây dựng rà soát, tổng hợp.

    Ngoài ra, ngân hàng chính sách xã hội cũng có một số chương trình cho vay, hỗ trợ nhà ở, đất ở đối với đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách cũng như đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

    Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chia sẻ thêm, đối với thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản, các nhà điều hành đều nói không siết nhưng thực tế trong những tháng đầu năm thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất èo uột, nhất là những nhà đầu tư có tiềm lực muốn huy động vốn để đảo nợ hoặc đầu tư mới rất khó khăn. Tương tự, thị trường bất động sản cũng vậy.

    “Cho nên, chúng ta phải thanh tra, kiểm tra, giám sát từ sớm, từ xa, tránh trường hợp như các cụ nói ngày xưa ‘mất bò mới lo làm chuồng’ là rất dở. Nếu để xảy ra tình trạng mất bò rồi còn không dám làm lại chuồng để nuôi bò tiếp lại còn dở hơn.

    Tất cả các thị trường đều phải thông suốt, một mặt chúng ta giám sát, quản lý, mặt khác phải tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển. Chúng ta chấn chỉnh, xử lý những méo mó, hư hỏng của thị trường chứ không phải đóng cửa, hạn chế thị trường phát triển. Chính sách đối với kinh tế, tài chính không thể giật cục được, phải có dự phòng rất nhiều nội dung khác nhau”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

    Thông tin tại Hội thảo “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” diễn ra sáng 7/6 tại TP.HCM, Phó Thống đốc NHNN - ông Đào Minh Tú khẳng định, cơ quan này chưa có văn bản hay phát ngôn nào chỉ đạo việc siết tín dụng, chặn tín dụng hay chặn đường phát triển của doanh nghiệp BĐS.
    Chính sách của NHNN đối với tín dụng BĐS ở đây là kiểm soát, đảm bảo rủi ro, không để các tổ chức tín dụng trở thành các tổ chức tín dụng yếu kém, mất an toàn. Ngành ngân hàng phải đảm bảo an toàn hệ thống NHTM, các tổ chức tín dụng bởi một khi đổ vỡ thì hệ lụy vô cùng lớn. Chỉ cần các tổ chức tín dụng bị đánh giá năng lực yếu kém thì chỉ số cũng như hệ số an toàn tài chính quốc gia sẽ bị quốc tế đánh giá thấp, lập tức ảnh hưởng tới câu chuyện uy tín quốc tế hay dòng vốn đầu tư vào Việt Nam

    Hà My 

    Bạn đang đọc bài viết Vì sao tín dụng bất động sản là rủi ro lớn đối với ngân hàng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới