Chủ nhật, 24/11/2024 08:58 (GMT+7)
Thứ tư, 18/11/2020 14:29 (GMT+7)

Việt Nam cam kết hợp tác đẩy lùi sự mất mát đa dạng sinh học

Theo dõi KTMT trên

Chính phủ Việt Nam cam kết chung tay cùng với chính phủ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới hợp tác để đẩy lùi sự mất mát đa dạng sinh học vào năm 2030 để phát triển bền vững.

Ngày 18/11, tại Hà Nội, Hội nghị trực tuyến Ban Điều hành Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) lần thứ 22 đã được tổ chức nhằm kiểm điểm tình hình hoạt động, tiến độ và kết quả triển khai của các dự án về bảo tồn sự đa dạng sinh học và trao đổi, thảo luận về phương hướng hoạt động của ACB trong thời gian tới.

Tham dự Hội nghị có đại diện các quốc gia thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, ACB, đại diện các đối tác phát triển trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học như Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác phát triển Đức…

Theo Báo cáo đánh giá toàn cầu về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái năm 2019 của Liên hợp quốc, nhân loại đang chứng kiến tốc độ suy thoái đa dạng sinh học chưa từng có trong lịch sử loài người.

Những tổn thất về đa dạng sinh học cùng biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa đến tiến trình thực hiện phát triển bền vững của toàn cầu.

Việc ngăn chặn tốc độ suy thoái, tăng cường phục hồi đa dạng sinh học là nhiệm vụ nặng nề đang được đặt ra và thảo luận trong khuôn khổ thực hiện Công ước Đa dạng sinh học cũng như các quốc gia trên thế giới.

Việt Nam cam kết hợp tác đẩy lùi sự mất mát đa dạng sinh học - Ảnh 1
Loài Cheo lưng bạc Việt Nam (tên khoa học Tragulus versicolor) tại khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận. Đây là loài động vật hơn 30 năm qua chưa có hình ảnh hay thông tin phát hiện tại khu vực cụ thể ở Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Vì vậy, thập niên 2020-2030 được Liên hợp quốc xác định là thập niên phục hồi hệ sinh thái.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Trưởng nhóm Nhóm công tác ASEAN của Việt Nam về bảo tồn đa dạng sinh học, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết, năm 2020 là năm chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.”

Việt Nam với vai trò là Chủ tịch ASEAN mong muốn lan tỏa tinh thần chủ đề này trong các nước ASEAN nhằm thúc đẩy cam kết về bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái tại Đông Nam Á.

Hơn lúc nào hết, tầm quan trọng của việc trao đổi, hợp tác trong nội khối ASEAN cũng như với các quốc gia và đối tác phát triển quốc tế được ghi nhận nhằm đạt các mục tiêu của Chiến lược hợp tác ASEAN về môi trường, Kế hoạch hành động Nhóm công tác ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và các sáng kiến khu vực liên quan.

Cuộc họp lần thứ 15 của Hội nghị các bên (COP15) tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học chính là cơ hội hướng tới sự bắt đầu của Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021-2030), nhằm tăng cường đồng loạt việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và phá hủy để chống khủng hoảng bởi sự nóng lên của khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, cung cấp nước và đa dạng sinh học.

Hiện nay, Ban thư ký Công ước Đa dạng sinh học (CBD) đang làm việc với các đối tác toàn cầu nhằm xây dựng Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau 2020, đặt ra mục tiêu đến 2050 “con người sống hài hòa với thiên nhiên”.

Cũng như các quốc gia ASEAN, Việt Nam được công nhận là nước có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới.

Đa dạng sinh học đã góp phần to lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế cho người dân; duy trì nguồn gene vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu; tạo nên các cảnh quan thiên nhiên; là cội nguồn của nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của người dân Việt Nam.

Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các Điều ước quốc tế về đa dạng sinh học như Công ước Đa dạng sinh học, Công ước Ramsar, Công ước CITES, Công ước Biến đổi khí hậu và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển...

Trong đó, Việt Nam là nước thứ 7 ở ASEAN tham gia CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp), là nước đầu tiên ở ASEAN xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý buôn bán động thực vật hoang dã.

Việt Nam cũng đã tham gia tích cực trong quá trình xây dựng khung toàn cầu về đa dạng sinh học.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị tổng kết Chiến lược hành động quốc gia về đa dạng sinh học và chuẩn bị cho chiến lược giai đoạn 2030, cụ thể hóa các yêu cầu của chiến lược toàn cầu trong bối cảnh của Việt Nam, thúc đẩy đạt được các mục tiêu bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học của đất nước trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua đã đề xuất một số nội dung liên quan đến bảo vệ cảnh quan và đa dạng sinh học, nhằm tăng cường thể chế cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Chính phủ Việt Nam cam kết chung tay cùng với chính phủ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, hợp tác để đẩy lùi sự mất mát đa dạng sinh học vào năm 2030 để phát triển bền vững.

Minh Nguyệt

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam cam kết hợp tác đẩy lùi sự mất mát đa dạng sinh học. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới