Chủ nhật, 24/11/2024 10:05 (GMT+7)
Thứ hai, 30/11/2020 14:51 (GMT+7)

Việt Nam hoàn toàn có thể tái chế được pin mặt trời

Theo dõi KTMT trên

Theo TS Nguyễn Văn Khải, hiện nay, người ta vẫn đang thu mua những mảnh tế bào quang điện - bộ phận quan trọng nhất trong pin mặt trời với giá 3 USD/kg mảnh vụn.

“15-20 năm nữa, hãy gọi tôi xử lý pin mặt trời”

Nhiều ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề xử lý các tấm pin mặt trời sau khi hết thời hạn sử dụng. Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, vấn đề này cũng đã làm nóng nghị trường Quốc hội khi Đại biểu Ksor H'Bơ Khắp (Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về trách nhiệm cũng như phương án xử lý pin mặt trời.

Mới đây, trong buổi đến thăm và làm việc tại một số cơ sở kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng đoàn cũng đã yêu cầu chính quyền địa phương và đơn vị sản xuất điện năng lượng mặt trời phải quan tâm đến vấn đề xử lý môi trường đối với pin năng lượng mặt trời, tuyệt đối không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.

Cũng vì thế mà có lẽ điện thoại của TS Nguyễn Văn Khải, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm năng lượng và dung dịch hoạt hóa, điện hóa Hà Nội (Viện Khoa học Việt Nam) nhiều ngày qua liên tục đổ chuông. Nhiều người gọi điện đến để hỏi ông liệu có phương án nào xử lý pin mặt trời hay không.

Việt Nam hoàn toàn có thể tái chế được pin mặt trời - Ảnh 1
TS Nguyễn Văn Khải, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm năng lượng và dung dịch hoạt hóa, điện hóa Hà Nội (Viện Khoa học Việt Nam). 

Khi phóng viên đến nhà, ông Khải đã bày sẵn ngoài sân tấm pin mặt trời do ông và GS Vũ Linh, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội chế tạo ra để dạy học trò từ năm 1997. Đến nay từ Hà Giang đến Cà Mau, toàn bộ tấm pin mặt trời do 2 chuyên gia này chế tạo vẫn đang hoạt động tốt, chỉ phần giá đỡ bằng kim loại bị hoen gỉ.

Theo ông Khải, cấu tạo quan trọng nhất của pin mặt trời là tế bào quang điện SiO2(p)/Si(n). Việc tái chế lớp SiO2/Si thành Si (silie) từ tấm pin mặt trời cũ đơn giản hơn việc tạo Si từ thạch anh. Trên thị trường trong vòng 10 năm nay, tế bào quang điện đang được thu mua tại Việt Nam với giá 3 USD/kg mảnh vụn, Trung Quốc thu mua với giá 35 Nhân dân tệ/kg để đem về tái chế, phục vụ nhiều mục đích khác nhau. 

Từ năm 1981, Việt Nam đã có nhà máy Z81 sản xuất các Si để chế tạo các bóng bán dẫn. Ngày 24/12/1981, tại Học viện quân sự Vacsava (Ba Lan), TS Khải đã nuôi được đơn tinh thể CdTe, CdHgTe (phức tạp hơn Si) để làm đầu thu tia gama, laser… Sau khi về Việt Nam, TS Khải đã dùng máy cắt đơn tinh thể của H18 thuộc Bộ Nội vụ ở phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) để làm các pin quang điện, đầu thu, hồng ngoại sa, cửa sổ của khí quyển có bước sóng 10 micromet để điều khiển tên lửa, tàu vũ trụ, viễn thám theo bằng sáng chế mà ông đã có được ở Ba Lan.  

Bằng đơn tinh thể CdTe, từ năm 1982, Học viện Quân sự Vacsava (Ba Lan) đã tạo ra tế bào quang điện – bộ phận quan trọng nhất của pin mặt trời. Tại Việt Nam, vào năm 1986, ở phân viện 2, Viện Kỹ thuật Quân sự (số 43 B Hoàng Văn Thụ), Đại tá Phạm Văn Hoài cũng đã tạo ra tế bào quang điện từ CdTe.

Việt Nam hoàn toàn có thể tái chế được pin mặt trời - Ảnh 2
Tấm pin mặt trời do TS Khải và GS Vũ Linh, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội chế tạo ra để dạy học trò từ năm 1997 đến nay vẫn đang hoạt động bình thường. 

Do tế bào quang điện hoàn toàn có thể tái chế, xử lý theo tiêu chuẩn của các quốc gia, dùng trong sinh hoạt của các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất nên ông Khải không quan niệm rằng pin mặt trời sẽ “hết hạn sử dụng”, “hết date”. Hơn nữa, nhờ tái chế được mà vòng đời của pin mặt trời không chỉ là 15-25 năm mà chúng có thể sử dụng trong vòng 30-50 năm. Các tế bào quang điện có thể được tận dụng vào những mục đích khác nhau, đơn cử như các tế bào quang điện dùng cho máy tính cầm tay của Nhật.

Đừng để tài nguyên “chảy máu”

Mặc dù công nghệ xử lý tế bào quang điện có từ những năm 80, tuy nhiên hiện nay công nghệ đã có sự thay đổi. Do đó, TS Khải cho rằng cần thiết phải cử các kỹ sư bán dẫn, quang dẫn đi học về công nghệ nuôi đơn tinh thể, tái chế lại các tấm pin mặt trời – tế bào quang điện SiO2/Si.

“Người Việt Nam hoàn toàn có thể tái chế được, quan trọng là phải tạo điều kiện cho các chuyên gia được nghiên cứu nuôi đa tinh thể, đơn tinh thể và đặc biệt là được ứng dụng tại Việt Nam. Nếu nghiên cứu thành công mà không được ứng dụng thì là vô nghĩa và đừng để xảy ra tình trạng những người đi học xong quay về lại chỉ đi buôn pin mặt trời, biến thành nhà quản lý và tổ chức buôn pin mặt trời", TS Khải nói. 

Đồng thời, sau khi đào tạo xong, quay về nước cần phải có những chính sách sử dụng những nguyên liệu đã được tái chế (đầu ra của sản phẩm tái chế), hiện nay nước ngoài rất muốn mua mảnh vụn tế bào quang điện, thậm chí muốn mua Si đã tái chế.

Việt Nam hoàn toàn có thể tái chế được pin mặt trời - Ảnh 3
Ông Khải tận dụng vỏ hộp nhựa làm thành bóng đèn, chạy bằng pin mặt trời.  

Theo TS Khải, tại Việt Nam hiện có rất nhiều chuyên gia biết về việc tái chế pin mặt trời bằng việc biến các tế bào quang điện có trong pin mặt trời cũ thành các thỏi silie có đường kính gần 10cm, kể cả đa tinh thể và đơn tinh thể. Trong đó, người giảng dạy tốt nhất hiện nay là Viện sĩ, GS.TS Nguyễn Văn Hiệu, cựu Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Viện sĩ thông tấn của nhiều viện hàn lâm, Chủ tịch Hội đồng Trung tâm Vật lý lý thuyết Thái Bình Dương hay GS Đàm Trung Đồn và nhiều nhà khoa học lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm, từng đi giảng dạy ở các nước về bán dẫn và quang dẫn.  

Tuy nhiên, việc tái chế đang nhắc đến không bao gồm nhôm, nhựa, thủy tinh, kim loại... được ghép vào các tấm pin mặt trời, các vật liệu này đã có phương án thu gom, tái chế tại Việt Nam. Ông Khải cho rằng, việc xử lý pin mặt trời cũng đơn giản như việc hàng ngày có đội ngũ thu mua acquy, tivi, tủ lạnh, bàn là cũ… đem về tái chế lại.

Đồng thời, ông Khải cũng cảnh báo việc Việt Nam để “chảy máu” tài nguyên nếu như giao nhà sản xuất xử lý pin mặt trời sau 20-25 năm đưa vào sử dụng, trong khi Việt Nam cũng có thể tự xử lý, đồng thời tạo nguồn thu thứ cấp từ việc tái chế lại SiO2/Si trong các tấm pin mặt trời cũ.

“Nguy nhất là họ sẽ lấy lại những tấm pin mặt trời với giá rẻ, ta phải trả công để họ đem về tái chế lại giống như việc hiện nay mua ti vi, loa đài, điện thoại đem về tái chế”, ông Khải cho biết.

TS Khải dự báo, thời gian tới, khi có nhiều pin mặt trời không sử dụng nữa, tại Việt Nam tất nhiên sẽ xuất hiện nhiều nhà máy tái chế do yêu cầu của thị trường. Việc Đại biểu Ksor H'Bơ Khắp và đồng chí Phạm Minh Chính nêu ra vấn đề xử lý pin mặt trời chính là tiền đề để các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước quan tâm, nghiên cứu công nghệ xử lý pin mặt trời trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, để có thể quản lý vấn đề tái chế pin mặt trời, Nhà nước nên kiểm soát ngày từ bây giờ, tránh tình trạng toàn bộ cơ sở tái chế là của nước ngoài, Việt Nam chỉ là nước thu mua rồi bán lại, bị phụ thuộc về công nghệ xử lý.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện nay 9 quy tắc của luật định cho thấy các chủ đầu tư đều phải chịu trách nhiệm về xử lý các tấm pin quang điện. Trong phiên họp ngày 5/11/2020, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng đã quyết định giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về tấm pin quang điện cũng như phương án xử lý các tấm pin sau khi dự án hết thời hạn.

Vương Liễu

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam hoàn toàn có thể tái chế được pin mặt trời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới