Việt Nam nằm trong số các nước được dự báo tăng trưởng cao nhất năm 2022
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,0% trong năm 2022, nằm trong số những nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới.
Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã chứng kiến một số dự báo lạc quan từ các tổ chức quốc tế, như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt 5,3%, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%.
Lạc quan hơn, giới chuyên gia kinh tế dự báo, tăng trưởng kinh tế quý III sẽ là điểm nhấn, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế cả năm nay vượt mục tiêu đặt ra là 6 - 6,5%, thậm chí còn cao hơn mức 7%.
Mới đây nhất, theo dự báo của IMF, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,0% trong năm 2022, nằm trong số những nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới.
Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và địa chính trị nhiều rủi ro, sự thu hẹp các chính sách tài khóa, tiền tệ của nhiều nền kinh tế lớn khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Trong khi đó, tại Việt Nam, nền kinh tế đang phục hồi khá nhanh nhờ Chính phủ đã kịp thời thay đổi chiến lược phòng chống dịch phù hợp, đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo dự báo của IMF, Singapore có thể sẽ lùi xuống xếp thứ 6 Đông Nam Á về quy mô kinh tế từ năm 2024. Khi đó, Việt Nam vẫn xếp thứ 4, sau Malaysia.
Đến năm 2025, Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 3 Đông Nam Á về quy mô kinh tế với GDP 571,12 tỷ USD. Xếp sau Indonesia (1630 tỷ USD) và Thái Lan (632,45 tỷ USD) và vượt qua Malaysia (556 tỷ USD), Philippines (523,53 tỷ USD), Singapore (496,81 tỷ USD).
Đến năm 2027, GDP của Thái Lan và Việt Nam sẽ ngang ngửa nhau ở mức khoảng hơn 690 USD (Thái Lan 692,6 tỷ USD và Việt Nam 690,11 tỷ USD).
Trong khi đó, GDP của Malaysia được dự báo sẽ đạt 633,63 tỷ USD năm 2027, xếp thứ 4 sau Việt Nam và Philippines đứng thứ 5 với 614,63 tỷ USD. Singapore đứng vị trí thứ 6 với 543,84 tỷ USD vào thời điểm đó.
Năm 2020 là lần đầu tiên Việt Nam vượt Singapore để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á về GDP. Trước đó, năm 2019, Bloomberg dẫn một báo cáo của ngân hàng DBS Bank cho hay: "Kinh tế Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng khoảng 6-6,5% trong thập kỷ tới, nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài mạnh và tăng trưởng năng suất trong những năm sắp tới. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng này, nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn quy mô nền kinh tế Singapore sau 10 năm nữa".
Ở thời điểm đó, dự báo kinh tế Việt Nam có thể bắt kịp Singapore vào năm 2029 của DBS dựa trên một số giả định: (1) Việt Nam có thể tăng trưởng bình quân 5,5% trong những năm tới và trung bình khoảng 6-6,5% trong trung hạn khoảng 10 năm. (2) Tỷ lệ tăng trưởng dân số ngắn hạn trong độ tuổi lao động của Việt Nam là 1% rồi giảm dần xuống 0,5%. (3) Các nền kinh tế khu vực cũng giữ mức tăng trưởng bình quân vốn có, với Singapore là 2,5%.
Nhưng bất ngờ cho các chuyên gia này, là Việt Nam đã vượt qua Singapore về mặt quy mô kinh tế ngay một năm sau đó.
Tuy nhiên, thứ hạng của Việt Nam đã giảm vào năm 2021, sau 1 năm nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng Covid-19 lần thứ 4.
Năm nay, Việt Nam đang được kỳ vọng có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng 6-7% như trước Covid-19, sớm lại vị trí thứ 4 và vươn cao hơn nữa về quy mô nền kinh tế trong khu vực ASEAN.
Đầu năm 2022, tờ Business Times (Singapore) đã có bài viết "Tiếng gầm của một con hổ châu Á mới - Roar of a new Asian tiger", nói về Việt Nam. Trong đó nhận định Việt Nam có cơ hội trở thành "con hổ châu Á mới" và đưa ra 6 dẫn chứng. Thứ nhất là sự bùng nổ của tầng lớp giàu có. Thứ hai là việc tài trợ cho khởi nghiệp. Thứ ba là sự bùng nổ của năng lượng tái tạo. Thứ tư là sự "khát" lao động. Thứ năm là sự phát triển của thị trường bất động sản và cuối cùng là nhu cầu cơ sở hạ tầng lớn.
Hà Linh