Việt Nam nghiêm túc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Công ước Stockholm
Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện các cam kết đối với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trong đó, phải kể đến Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.
Kiểm soát chặt các chất ô nhiễm khó phân hủy
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề môi trường và phát triển bền vững luôn là chủ đề được được tất cả các quốc gia trên thế giới quan tâm, trong đó có Việt Nam.
Hiện Việt Nam đã tham gia vào nhiều công ước, cam kết, thỏa thuận quốc tế và là thành viên của nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế liên quan đến môi trường và phát triển bền vững, trong đó phải kể đến Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (Persistent Organic Pollutans - POP)... Chính vì vậy, cũng như các quốc gia khác, Việt Nam phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện các cam kết đối với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (các chất POP) được các quốc gia ký kết và phê chuẩn thực hiện nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, đa dạng sinh học và môi trường sống trước những nguy cơ, rủi ro do các chất POP gây ra. Công ước Stockholm quy định việc ngừng sản xuất, cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và tiến tới tiêu hủy hoàn toàn một số chất POP do con người tạo ra, đồng thời, thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu liên tục sự phát sinh không chủ định các chất POP từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh hoặc xử lý chất thải.
Việt Nam đã tham gia và phê chuẩn Công ước Stockholm vào ngày 22/7/2002. Ngày 10/8/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm tại Việt Nam (tại Quyết định số 184/2006/QĐ-TTg và cập nhật tại Quyết định số 1598/QĐ-TTg). Các Kế hoạch này được ban hành nhằm quản lý an toàn, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ các chất POP tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của Công ước Stockholm, thể hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên đã nội luật hóa các quy định của Công ước Stockholm về các chất POP, trong đó khái niệm chất ô nhiễm khó phân hủy và chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) được quy định rõ ràng như sau: “Chất ô nhiễm khó phân hủy là chất ô nhiễm có độc tính cao, khó phân hủy, có khả năng tích lũy sinh học và lan truyền trong môi trường, tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người” và “Chất POP là chất ô nhiễm khó phân hủy (bao gồm các đặc tính trên) được quy định trong Công ước Stockholm về các chất POP”.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị (khoản 5 Điều 97) và quy chuẩn kỹ thuật môi trường này phải bảo đảm mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (khoản 3 Điều 98).
Tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách
Mới đây, Tổng cục Môi trường phối hợp với Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội thảo “Hướng dẫn các quy định về nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị chứa chất ô nhiễm khó phân hủy”.
Với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất POP, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, địa phương, các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp và các chuyên gia triển khai hiệu quả các Quyết định này tại Việt Nam.
Nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam đối với Công ước Stockholm và trong bối cảnh xu hướng quốc tế về quản lý và kiểm soát chặt chẽ các chất POP và các chất ô nhiễm khó phân hủy khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nội luật hóa các quy định của Công ước Stockholm trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về yêu cầu bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy (bao gồm các chất POP) và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy (tại Điều 69), cũng như quy định xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị (tại Điều 97, 98). Các nội dung này được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (Điều 38, 39, 40, 41, 42), Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT (Điều 47, 48) và Nghị định số 45/2022/NĐ-CP (Điều 28). Theo ông Hoàng Văn Thức, với các quy định này, Việt Nam sẽ tăng cường vai trò và trách nhiệm trong việc quản lý các chất POP đối với Công ước Stockholm.
Trước đó, từ ngày 1 - 3/6, tại Stockholm, Thụy Điển đã diễn ra Hội nghị Stockholm+50 và Hội nghị lần thứ 10 các bên tham gia Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (COP10 SC). Trong các ngày từ 6 - 17/6 tại Giơnevơ, Thụy Sỹ cũng đã diễn ra các Phiên họp toàn thể và Phiên họp kỹ thuật của từng Công ước. Chủ đề của Hội nghị Stockholm+50 là “Một hành tinh khỏe mạnh vì sự thịnh vượng cho tất cả mọi người - trách nhiệm của chúng ta, cơ hội của chúng ta” và chủ đề của Hội nghị các bên tham gia Công ước Stockholm, Basel và Rotterdam năm nay là “Các Thỏa thuận toàn cầu cho một Hành tinh xanh và sạch: Quản lý an toàn hóa chất và chất thải”.
Có thể thấy, hoạt động kiểm soát các chất POP và các hóa chất chất độc hại khác để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người là một vấn đề “nóng” trên thế giới, đã và đang nhận được sự quan tâm ngày càng cao của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các nước đang phát triển và các nước phát triển, nhà tài trợ.
Để thực hiện cam kết của Việt Nam đối với Công ước Stockholm trong bối cảnh xu hướng quốc tế về quản lý và kiểm soát chặt chẽ các chất POP và các chất ô nhiễm khó phân hủy khác, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản quy phạm pháp luật nội luật hóa các quy định của Công ước Stockholm. Theo các quy định này, Việt Nam sẽ tăng cường vai trò và trách nhiệm trong việc quản lý các chất POP đối với Công ước Stockholm.
Theo ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan cho biết thêm: Hiện nay, Cục đã phối hợp với Vụ Quản lý chất lượng môi trường – Tổng cục Môi trường nghiên cứu triển khai thực hiện và thấy nội dung nêu trên của Nghị định có một số quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc thực hiện thủ tục hải quan tại các đơn vị hải quan địa phương có liên quan đến việc nhập khẩu chất ô nhiễm khó phân hủy (POP) và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực điện - điện tử, sản xuất cao su, nhựa, thiết bị y tế, dược phẩm, mỹ phẩm,…
Ngày 10/1/2022 Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có quy định việc quản lý chất POP và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy trên cơ sở thực hiện các cam kết của Công ước Stockholm.
Lan Anh