Chủ nhật, 24/11/2024 04:19 (GMT+7)
Thứ năm, 22/12/2022 17:15 (GMT+7)

Việt Nam trở thành “hình mẫu” đi đầu trong thực hiện giảm phát thải khí nhà kính

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và hiện đang trở thành “hình mẫu” đi đầu về hợp tác đa phương trong thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.

Biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm kể từ sau năm 2050. 1 triệu người có thể rơi vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.

Khi nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam tiến dần đến vị thế là nước có thu nhập cao, Việt Nam cũng cần phải giảm cường độ carbon. Việt Nam đã tăng lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người lên gấp 4 lần trong thế kỷ này lượng khí thải và đang duy trì tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Ô nhiễm liên quan đến khí thải này ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm năng suất; tình trạng cạn kiệt tài nguyên và các tác động của biến đổi khí hậu đã làm tổn hại đến thương mại và đầu tư.

Theo đánh giá của Phó Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam Patrick Haverman, thời gian qua, Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn trong “cuộc chiến” chống biến đổi khí hậu và hiện đang trở thành “hình mẫu” đi đầu về hợp tác đa phương trong thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Vấn đề quan trọng với Việt Nam hiện nay là cần thiết lập một hệ thống quốc gia đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (MRV) minh bạch và bền vững. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng để Việt Nam đảm bảo nguồn tài chính khí hậu dài hạn và có thể dự báo được để thực hiện NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định về ứng phó với khí hậu), đặc biệt là từ các nguồn vốn quốc tế.

Việt Nam trở thành “hình mẫu” đi đầu trong thực hiện giảm phát thải khí nhà kính - Ảnh 1
Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Chia sẻ thêm tại Hội thảo khởi động dự án “Nâng cao năng lực quản lý dữ liệu và thông tin báo cáo phù hợp với yêu cầu khung minh bạch tăng cường của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (CBIT)” diễn ra ngày 21/12, ông Patrick Haverman cho rằng giải pháp trên là đặc biệt quan trọng vì Việt Nam cần ít nhất 15-30 tỷ USD hàng năm để thực hiện “Net Zero 2050” (đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050).

Ngoài ra, MRV cũng là giải pháp để Việt Nam đáp ứng yêu cầu của Thỏa thuận Paris về việc nộp Báo cáo minh bạch hai năm một lần đầu tiên vào cuối năm 2024. Với yêu cầu đó, dự án CBIT do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua UNDP, sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực quốc gia trong việc theo dõi, báo cáo về phát thải khí nhà kính và thực hiện các hành động ứng phó biến đổi khí hậu.

Để triển khai dự án trên, các bộ, ngành liên quan và cơ sở phát thải khí nhà kính lớn sẽ cùng tham gia vào việc thiết kế hệ thống báo cáo và kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia và cấp ngành, phù hợp với yêu cầu quốc tế.

Trên phương diện là Giám đốc quốc gia dự án CBIT, theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), là một bên tham gia các cam kết toàn cầu về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã bước đầu thể chế hóa các quy định về kiểm kê khí nhà kính và khung minh bạch trong Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone.

Cùng với đó, đại diện Cục Biến đổi khí hậu cho biết, ngay trong năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng chương trình đào tạo, tập huấn về thu thập và phân tích dữ liệu cho kiểm kê khí nhà kính quốc gia cho các đối tượng ưu tiên, bao gồm: Cán bộ quản lý cấp sở, phòng của các địa phương; kỹ thuật viên thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; cán bộ làm công tác kiểm kê khí nhà kính ở một số doanh nghiệp. Từ đó, dự án sẽ hình thành nhóm nòng cốt về thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đáp ứng yêu cầu của Luật Bảo vệ Môi trường và Thỏa thuận Paris.

Theo kế hoạch dự kiến, chương trình đào tạo, tập huấn sẽ triển khai trong các lĩnh vực: chất thải rắn, nước thải, chăn nuôi, sản xuất xi măng. Ngoài ra, dự án sẽ hỗ trợ thí điểm một nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xi măng xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Dự án cũng sẽ giám sát, đánh giá và chia sẻ các bài học kinh nghiệm, thực hành tốt ở cấp quốc gia và quốc tế.

Có thể thấy, trong năm 2022, nhiều chính sách pháp luật đã được thông qua nhằm thực hiện mục tiêu đó như Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với nội dung Quy định trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong thực hiện thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022, quy định chi tiết việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon và phát triển thị trường carbon.

Đồng thời, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục các lĩnh vực, cơ sở có mức phát thải hàng năm từ 3.000 tấn CO2 trở lên phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Đặc biệt, ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 896/QD-TTg về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đưa ra 87 biện pháp giảm phát thải kèm chi phí, tạo thuận lợi cho việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện và theo dõi giám sát phát thải khí nhà kính.

Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam trở thành “hình mẫu” đi đầu trong thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới