Chủ nhật, 24/11/2024 04:20 (GMT+7)
Thứ năm, 22/07/2021 05:30 (GMT+7)

Việt Nam trong cuộc chiến chống rác thải nhựa đại dương

Theo dõi KTMT trên

Ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa đã và đang trở thành vấn đề môi trường cấp bách toàn cầu, bởi những ảnh hưởng tiêu cực và tiềm ẩn nhiều nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người.

Theo đó, nhận thức được tầm quan trọng của việc cần phải giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương, các nước trên thế giới đang nỗ lực xây dựng một thỏa thuận toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý để các quốc gia cùng chung sức chấm dứt ô nhiễm nhựa.

Việt Nam là một trong những thành viên tích cực thúc đẩy thỏa thuận đó, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Việt Nam trong cuộc chiến chống rác thải nhựa đại dương - Ảnh 1
Bờ biển ngập ngụa trong rác thải nylon tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Lekima Hùng)

Hiện nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện Đề án “Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương”. Theo đó, mục tiêu đề ra là Việt Nam tiên phong trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; chủ động, tích cực tham gia và đề xuất hình thành các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; góp phần xây dựng và thực thi thành công mô hình nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nhựa hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên ở Việt Nam, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan xây dựng Đề án; tiếp tục chủ động tham gia hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEA).

Ngay sau khi được Bộ TN&MT giao nhiệm vụ tại Chương trình công tác năm 2021, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu kinh nghiệm, bài học của các quốc gia trên thế giới có nền kinh tế biển phát triển mạnh và các quốc gia có điều kiện tự nhiên, môi trường, địa lý tương tự với Việt Nam trong khu vực. Từ đó đánh giá, phân tích các bài học, xem xét tính phù hợp để áp dụng vào Việt Nam. Bên cạnh đó, tổ chức một số hội nghị, hội thảo về tham vấn các ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia và các nhà khoa học.

Tổng cục đã chủ động tham gia các hoạt động, cuộc họp trong khuôn khổ Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc. Được sự cho phép của lãnh đạo Bộ, Tổng cục đang cùng các đơn vị đồng cấp của 3 nước Đức, Ecuador và Ghana trao đổi kế hoạch đồng tổ chức Hội nghị Bộ trưởng về Rác thải đại dương và ô nhiễm nhựa nhằm góp phần xây dựng một thỏa thuận toàn cầu, dự kiến diễn ra vào tháng 9/2021.

"Vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có vấn đề rác thải nhựa đại dương. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế quốc tế, bối cảnh khu vực; nhằm phát huy vai trò, vị thế tài nguyên biển của Việt Nam thì việc chủ động trong đàm phán, xây dựng thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương đặt ra những yêu cầu, cân nhắc về mặt lợi ích, quyền lợi và nghĩa vụ cũng như thời gian tham gia, bảo đảm phù hợp với pháp luật trong nước về bảo vệ môi trường của Việt Nam", Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nhấn mạnh.

Đến nay, về cơ bản, hồ sơ Đề án trình Thủ tướng Chính phủ đã hoàn thành bản dự thảo đầu tiên. Trên quan điểm quán triệt chủ trương, đường lối và định hướng về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; nhất quán đường lối đối ngoại; bảo đảm quyền và lợi ích của Việt Nam; tuân thủ các cam kết quốc tế; thực hiện các chiến lược quản lý chuỗi giá trị nhựa và quản lý rác thải nhựa đại dương.

Theo đó, mục tiêu tổng thể của Đề án nhằm chuẩn bị và tham gia đàm phán, tiến tới phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương; bước đầu triển khai thực hiện sau khi Thỏa thuận về rác thải nhựa đại dương được phê duyệt.

Rác thải nhựa là nguyên nhân gây thảm họa ô nhiễm đại dương

Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT), biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, điển hình nhất là ô nhiễm do rác thải, trong đó chủ yếu là rác thải nhựa. Các sản phẩm từ nhựa, nylon ra đời mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Việc sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa không bền vững đã trở thành một mối đe dọa to lớn đối với hệ sinh thái và môi trường trên đất liền, khu vực ven biển cũng như đại dương.

Thông tin từ Tổ chức Lương thực & Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam cho biết, với lượng rác thải nhựa 1,8 triệu tấn/năm, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương mỗi năm.

Kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,3 tỉ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, trong đó khoảng 5 nghìn tỉ túi nylon sử dụng một lần; khoảng 60% lượng sản phẩm đó được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường.

Các nghiên cứu quốc tế cũng chỉ ra, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu với khoảng 0,3-0,8 triệu tấn/năm. Nguyên nhân chính dẫn đến lượng rác thải khổng lồ của Việt Nam phát thải vào đại dương là do phương thức sản xuất hàng hóa, cách thức quản lý, năng lực xử lý rác nhựa và ý thức của người dân cũng như doanh nghiệp.

Nhựa chiếm đến 64% tỉ lệ vật liệu dùng trong ngành bao bì của Việt Nam và dự kiến con số này sẽ tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, ngành tái chế chất thải nhựa tại Việt Nam vẫn chưa được phát triển và công nghệ tái chế tại các thành phố lớn còn lạc hậu, hiệu quả thấp và chi phí cao. Ước tính, chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa tại Việt Nam được thu gom, phân loại, chủ yếu bởi những người nhặt rác và được tái chế bởi những doanh nghiệp nhỏ.

Theo Tổ chức National Geographic, khoảng 700 loài sinh vật biển đã chịu những ảnh hưởng từ ô nhiễm rác nhựa như  rùa biển, cá voi, cá heo, hải cẩu, sư tử biển và chim biển. Mỗi năm, có 100.000 sinh vật biển chết do ô nhiễm rác thải nhựa. 56% các loài cá heo và cá voi đã ăn phải nhựa. Ước tính đến năm 2050, khoảng 99% chim biển đều tiêu thụ nhựa. Việc tiêu thụ nhựa đã làm giảm tuổi thọ và khả năng sinh sản của các loài sinh vật.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam trong cuộc chiến chống rác thải nhựa đại dương. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới