Xăng, dầu dự báo đồng loạt giảm giá trong phiên điều chỉnh chiều nay?
Trong phiên điều chỉnh chiều nay 4/1, giá xăng có thể giảm từ 70-170 đồng/lít, giá dầu diesel có khả năng giảm từ 320-360 đồng/lít nếu cơ quan quản lý không chi Quỹ bình ổn.
Giá xăng dầu trong nước hiện đang chịu tác động của giá xăng dầu thế giới và thị trường Singapore.
Trên thị trường thế giới, giá dầu tuần qua ghi nhận tuần giảm đầu tiên sau 2 tuần tăng liên tiếp. Nguyên nhân được cho là do kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất suy yếu và giảm bớt lo ngại rằng căng thẳng ở Biển Đỏ sẽ làm gián đoạn nguồn cung.
Ngoài ra, đồng USD mạnh lên vào thứ ba, trong khi giá cổ phiếu trượt dốc, càng gây áp lực giảm giá dầu. Đồng USD mạnh hơn khiến dầu trở nên đắt hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Còn tại thị trường Singapore, trong kỳ vừa qua, giá xăng thành phẩm bình quân ở thị trường này có xu hướng giảm so với kỳ trước. Song mức điều chỉnh tương đối thấp.
Theo lãnh đạo 1 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu dự đoán, trong kỳ điều hành ngày 4/1, giá xăng có thể giảm từ 70-170 đồng/lít, giá dầu diesel có khả năng giảm từ 320-360 đồng/lít nếu cơ quan quản lý không chi Quỹ bình ổn.
Hiện giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 28/12/2023 của liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương.
Cụ thể, cơ quan điều hành quyết định giảm 13 đồng/lít đối với E5RON92, xuống mức 21.186 đồng/lít; tăng 3 đồng/lít xăng RON95-III, lên mức 22.148 đồng/lít.
Dầu diesel 0.05S tăng 264 đồng/lít, lên mức 19.788 đồng/lít; Dầu hoả giảm 37 đồng/lít, xuống mức 20.457 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S, tăng 420 đồng/kg, lên mức tăng 420 đồng/kg.
Trong một diễn biến mới đây, Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-BCT về việc triển khai Công điện số 1437/CĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ Công Thương giao Vụ Thị trường trong nước theo dõi chặt chẽ việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường và yêu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp bảo đảm chủ động, tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp.
Xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá, trục lợi buôn lậu xăng dầu qua biên giới, vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu; phối hợp với cơ quan thuế kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của đơn vị kinh doanh theo quy định của pháp luật.
H.A