Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao làm về quản lý BVMT thông qua quá trình đào tạo
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về quản lý bảo vệ môi trường là vấn đề cơ bản và mang tính lâu dài.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về cả tăng trưởng kinh tế và cả đời sống vật chất tinh thần của người dân. Tuy nhiên, quá trình phát triển nền kinh tế đặt ra nhiều bài toán và áp lực đối với sự phát triển bền vững của môi trường.
Thực trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra ở mức độ đáng báo động. Các cơ quan, tổ chức đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai chính sách và pháp luật nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường tới mọi mặt của đời sống nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều quy mô, cấp độ khác nhau.
Một trong những chính sách các cơ quan và tổ chức tập trung để giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao làm công tác quản lý bảo vệ môi trường.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là cụm từ chỉ chung cho các đối tượng lao động làm thông thạo bất kỳ một nghề nào đó. Việc họ thông thạo đó khiến họ trở thành một lao động giỏi và có kỹ năng chuyên môn tốt trong nghề của mình. Vai trò của nguồn nhân lực cao làm công tác quản lý bảo vệ môi trường ngày càng được thể hiện rõ nét trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thông qua một số những quan điểm.
Cụ thể, một là, nguồn nhân lực cao làm công tác quản lý bảo vệ môi trường là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.
Hai lài, nguồn nhân lực cao làm công tác quản lý bảo vệ môi trường là điều kiện quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế từ đó góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030 tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, vấn đề bảo vệ môi trường đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm.
Trong đó, nhiều mục tiêu cần phải đạt được từ nay cho đến năm 2025 được đề ra như: bảo đảm 90% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, 95% chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%; diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên đạt 2,7 triệu ha;…
Để đạt được các mục tiêu trên cần lồng ghép các mục tiêu khác nhau và đặc biệt cần tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường thông qua một số giải pháp cụ thể.
Đối với giải pháp xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao làm công tác về quản lý bảo vệ môi trường, đầu tiên, cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về ngành tài nguyên môi trường thông qua các cơ sở đào tạo sau đại học; đồng thời, thiết lập mạng lưới cơ sở đào tạo ngành, chuyên ngành về tài nguyên môi trường nhằm bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực làm về quản lý bảo vệ môi trường từ Trung ương tới địa phương, từ đó tạo ra mạng lưới người hướng dẫn khoa học, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong ngành.
Thứ hai, cần xây dựng cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Tài nguyên môi trường nhằm duy trì và thu hút người lao động có trình độ cao vào làm việc trong ngành.
Thứ ba, tăng cường huy động nguồn lực tài chính từ ngân sách Nhà nước và các nguồn xã hội hóa để thực hiện công tác giáo dục, đào tạo, buổi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài nguyên môi trường thông qua nâng cao chất lượng cơ sở vật chất đào tạo khoa học.
Bốn là, hợp tác quốc tế chuyên sâu nhằm tạo điều kiện tiếp cận các tài liệu, nghiên cứu tiên tiến của nước ngoài từ đó đáp ứng được nhu cầu thực tế
Năm là, đào tạo phải gắn liền với thực tế, do vậy cần các chương trình, bài giảng tại các cơ sở đào tạo cần thu hút các đơn vị quản lý về bảo vệ môi trường cùng xây dựng đảm bảo tính thực tiễn của kiến thức trong quá trình học tập và bồi dưỡng.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về quản lý bảo vệ môi trường là vấn đề cơ bản và mang tính lâu dài, do đó, cần phân tích, đánh giá đúng thực trạng phát triển nguồn nhân lực trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội từ đó nhận thức đúng đắn và đưa ra được hệ thống giải pháp phù hợp cho sự phát triển.
Nguyễn Hồ Nam -Th.s Nguyễn Huy Trung
([email protected]@neu.edu.vn)