Chủ nhật, 24/11/2024 10:54 (GMT+7)
Thứ bảy, 04/01/2020 07:00 (GMT+7)

Báo động thảm họa diệt vong khi đại dương vượt ngưỡng carbon

Theo dõi KTMT trên

Nhiều người lo ngại cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 đang đến gần khi lượng khí thải CO2 trong đại dương vượt ngưỡng cho phép, các sinh vật biển sẽ cạn kiệt nguồn oxy.

Báo động thảm họa diệt vong khi đại dương vượt ngưỡng carbon - Ảnh 1
Khí CO2 xâm nhập vào đại dương khiến môi trường sống của các sinh vật biển bị tăng tính axit, giảm lượng oxy. (Nguồn WHO)

Lịch sử phát triển của trái đất đã chứng kiến 5 cuộc đại tuyệt chủng, trong đó có cuộc tiêu diệt đến 96% số loài trên hành tinh. Ðiều đáng lưu ý là các cuộc đại tuyệt chủng diễn ra cùng thời điểm với những lần đại dương vượt ngưỡng carbon. Ðiều này dấy lên lo ngại cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 đang đến gần khi lượng khí thải CO2 trong đại dương vượt ngưỡng cho phép, các sinh vật biển sẽ cạn kiệt nguồn oxy.

Đại dương đang mất oxy

Khí thải CO2 đang biến đại dương thành một môi trường khắc nghiệt, đe doạ sinh mạng của hàng triệu loài động thực vật biển. Theo số liệu của National Geographic, kể từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp giữa thế kỷ 18, con người đã thải ra khí quyển 400 tỉ tấn carbon. Phần lớn carbon sản sinh ra từ việc đốt nhiên liệu hoá thạch, chặt phá rừng, bê tông hoá và các hoạt động công nghiệp khác. Phần lớn lượng carbon ở dạng khí CO2 lơ lửng trong khí quyển, chúng giữ nhiệt nên khiến trái đất ấm lên. Tuy nhiên, hàng năm, đại dương c ng hấp thụ khoảng 25% lượng khí CO2 thải ra thêm. Vài trăm năm trở lại đây, khoảng 30% lượng khí CO2 mà con người thải ra ngoài khí quyển bị chuyển xuống đại dương. Nghe có vẻ là một tin tốt cho khí quyển bởi nếu đại dương không hấp thụ số khí thải CO2 đó, có lẽ trái đất giờ đã nóng hơn rất nhiều. Nhưng các sinh vật biển lại đang phải “chịu trận”.

Sự xâm nhập của khí CO2 vào đại dương khiến môi trường sống của sinh vật biển bị hâm nóng, mất dần oxy và tăng tính axit một cách đáng báo động. Khí CO2 hoà tan trong nước tạo thành axit cacbonic (H2CO3) làm giảm nồng độ pH của đại dương. Theo tính toán của Chương trình carbon PMEL, tính axit của nước biển đã tăng 28% so với trước. Nghiên cứu của các nhà sinh vật học từ Viện Alfred- Wegener, Trung tâm Nghiên cứu Bắc Cực và Hải Dương Helmholtz (AWI) chỉ ra rằng, san hô, động vật da gai và động vật thân mềm phản ứng nhạy cảm hơn cả với sự suy giảm nồng độ pH.

Các nhà khoa học chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa cái chết lan rộng của loài san hô với nồng độ pH giảm dần qua từng giai đoạn. Không chỉ giảm nồng độ pH, mà lượng oxy trong nước biển cũng giảm đáng kể. Theo the Guardian, mức độ oxy ở tất cả các đại dương đang giảm 2% so với năm 1950, tương đương 77 tỉ tấn. Nồng độ oxy thấp dẫn đến suy giảm sự phát triển, sinh vật biển khó sinh sôi nảy nở và làm gia tăng các loại dịch bệnh. Ðiều này lý giải cho các hiện tượng sinh vật chết hàng loạt ở các bờ biển và sự lan rộng của các vùng biển chết.

Báo động thảm họa diệt vong khi đại dương vượt ngưỡng carbon - Ảnh 2
Sinh vật biển chết hàng loạt tại bờ biển Holderness, Yorkshire, Anh hồi giữa năm 2018. (Nguồn: Habitat)

Nguy cơ đại tuyệt chủng lần 6

Lịch sử phát triển của trái đất đã ghi nhận 5 cuộc đại tuyệt chủng, xoá sổ hoàn toàn một lượng lớn sinh vật sống khỏi hành tinh. Nhắc đến đại tuyệt chủng, người ta thường nhớ đến thảm hoạ thiên thạch quét sạch loài khủng long cách đây 66 triệu năm. Nhưng đây chưa phải là cuộc đại tuyệt chủng có quy mô lớn nhất. Ðại tuyệt chủng Permi hay còn gọi là Great Dying, cách đây 252 triệu năm, tiêu diệt tới 96% số loài trên trái đất mới là vụ thảm sát đẫm máu nhất lịch sử.

Nguyên nhân dẫn đến các thảm hoạ tuyệt chủng vẫn chưa thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2017 của Viện Công nghệ Massachusetts MIT (Mỹ) dưới sự bảo trợ của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA, chỉ ra rằng 4 trong 5 cuộc đại tuyệt chủng đã xảy ra trong 542 triệu năm qua đều có liên quan đến tình trạng xáo trộn chu kỳ carbon tự nhiên hay hiện tượng đại dương vượt ngưỡng carbon. Ðiều này khiến các nhà khoa học lo ngại về một cuộc đại tuyệt chủng thứ 6 có thể diễn ra trong tương lai khi đại dương vượt ngưỡng CO2.

Giáo sư Daniel Rothman, Giám đốc Trung tâm Lorenz thuộc khoa Khoa học Trái đất, Khí quyển và Hành tinh của MIT, tác giả của nghiên cứu này cho rằng, các cuộc đại tuyệt chủng diễn ra là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó sự rối loạn trong chu kỳ carbon tự nhiên của bầu khí quyển và dưới đại dương là một trong những nguyên nhân khởi phát thảm hoạ. Giáo sư Rothman dự báo, đại tuyệt chủng lần thứ 6 có thể diễn ra vào cuối thế kỷ này, vào khoảng những năm 2100.

Báo cáo đánh giá của Uỷ ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), thuộc Liên Hợp Quốc công bố hồi tháng 9/2019 cho thấy, các đại dương đã hấp thụ đủ lượng khí CO2 dư thừa trong nhiều thập kỷ qua, hậu quả làm cho nước biển tăng tính axit, giảm lượng oxy, đe doạ cuộc sống của các sinh vật biển, trong khi băng tan khiến mực nước biển ngày càng dâng cao. Nước biển dâng đang đe doạ sinh mạng của 680 triệu người dân sinh sống vùng ven biển với nguy cơ thuỷ triều dâng cao, lũ lụt và nước dâng do siêu bão. Báo cáo dài 900 trang do 100 tác giả thực hiện của IPCC chỉ ra rằng, so với thế kỷ trước, mực nước biển đã dâng nhanh hơn 2,5 lần kể từ năm 2005 và dự báo sẽ tăng hơn gấp 4 lần nữa vào cuối thế kỷ này nếu lượng khí CO2 không có chiều hướng giảm. Các nhà khoa học dự báo, đến năm 2050, nhiều thành phố ven biển và các đảo quốc nhỏ sẽ hứng chịu nhiều thảm hoạ từ đại dương dù CO2 được cắt giảm mạnh.

Kim Minh

Kim Minh

Bạn đang đọc bài viết Báo động thảm họa diệt vong khi đại dương vượt ngưỡng carbon. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới