Chủ nhật, 24/11/2024 08:09 (GMT+7)
Thứ hai, 20/07/2020 06:00 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu dần phá hủy hệ sinh thái toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), trong khoảng thời gian từ năm 2030 đến 2032, nhiệt độ Trái đất được dự đoán sẽ tăng từ 1,5 - 2 độ C. Nếu viễn cảnh này trở thành sự thật, hậu quả tàn khốc sẽ bao trùm hệ sinh thái trên khắp hành tinh và sự sống của hàng tỉ người.

Biến đổi khí hậu và lượng CO2 ngày càng tăng đang “thử thách” hệ sinh thái của chúng ta. Khoảng 50% các loài động thực vật sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2050 nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm từ 1,1 đến 6,4 độ C nữa.

Theo nghiên cứu, phần lớn khí thải carbon từ việc đốt một tấn than hoặc dầu hiện nay sẽ được các đại dương và thảm thực vật trên thế giới hấp thụ trong vài thế kỷ. Tuy nhiên, 25% lượng khí thải còn lại vẫn sẽ gây ảnh hưởng đến khí hậu trong vòng 1.000 năm và 10% vẫn còn có tác động đến khí hậu trong khoảng 100.000 năm sau đó.

Biến đổi khí hậu dần phá hủy hệ sinh thái toàn cầu - Ảnh 1
Lượng carbon phát thải có thể biến Trái đất thành nhà kính khổng lồ trong vài chục năm nữa. (Ảnh minh họa)

Băng tan nhanh, nước biển dâng cao

Bắc Cực đang ấm dần lên với tốc độ nhanh gấp đôi những nơi khác trên hành tinh. Việc tiếp tục mất băng và tuyết bao phủ sẽ gây ra những thay đổi lớn trong nhiệt độ không khí do không còn băng làm mát mặt đất.

Năm 2019, với tốc độ băng tan nhanh khoảng 11 tỉ tấn/ngày, các nhà khoa học lo ngại chẳng mấy chốc đảo quốc bắc cực Greenland sẽ tan chảy hết. Mực nước biển có thể tăng lên 6,5m, điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều vùng đất sẽ bị xoá sổ.

Biến đổi khí hậu dần phá hủy hệ sinh thái toàn cầu - Ảnh 2
Theo các nhà khoa học thuộc UCAR Center for Science Education, nếu dải băng Greenland tan chảy hoặc trôi ra ngoài đại dương, mực nước biển sẽ tăng lên khoảng 6,5m.

Một nghiên cứu của Viện khí tượng Max Planck chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa khí thải CO2 và băng tan. Theo đó, cứ mỗi tấn CO2 được thải ra thì một khối băng 3m2 sẽ tan chảy. Nếu ngừng giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính, các khối băng ở địa cực sẽ định hình ngay lập tức.

“Nếu chúng ta có thể cắt giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính ngay trong năm tới thì tốc độ băng tan sẽ chậm hơn 2 lần so với tốc độ hiện tại”, Dirk Notz, tác giả của nghiên cứu trên nhận định.

Hệ sinh thái biển suy thoái nghiêm trọng

Theo nghiên cứu dựa trên dữ liệu của Viện Vật lý khí quyển, nhiệt độ của đại dương vào năm 2019 cao hơn gần 0,1 độ C so với nhiệt độ trung bình giai đoạn từ năm 1981 - 2010. Tác động của việc toàn cầu ấm lên có thể được cảm nhận qua thời tiết cực đoan, mực nước biển dâng và hệ sinh thái biển bị hủy hoại.

Biến đổi khí hậu dần phá hủy hệ sinh thái toàn cầu - Ảnh 3
Đại dương nóng hơn và hiện tượng băng tan khiến mực nước biển dâng cao. (Ảnh: NASA)

Theo tính toán của giới khoa học, các đại dương hấp thu tới 90% nhiệt lượng nóng lên của Trái đất, do đó, nhiệt độ trong lòng các đại dương đều tăng gấp bội phần so với mức tăng nhiệt trong bầu khí quyển Trái đất.

San hô bị tẩy trắng do nước biển ấm chỉ là một trong những hậu quả mà biến đổi khí hậu đem đến cho hệ sinh thái. Những thay đổi triệt để hơn có thể kể đến như hiện tượng sa mạc hoá.

Biến đổi khí hậu dần phá hủy hệ sinh thái toàn cầu - Ảnh 4
San hô chết trên diện rộng tại rặng san hô Great Barrier. (Ảnh: NSW)

Không thể quan sát bằng mắt thường song "sự chết chóc" dưới lòng các đại dương là thực trạng đang diễn ra với cấp độ ngày càng nghiêm trọng.

Thảm thực vật trên khắp hành tinh dần biến mất

Năm 2018, bằng việc sử dụng mô hình khí hậu, Hội đồng Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã dự đoán rằng khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên 2 độ C có thể tác động đến cuộc sống của hàng trăm triệu người. Cùng với đó, hệ sinh thái trên toàn trái đất cũng sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng.

Biến đổi khí hậu dần phá hủy hệ sinh thái toàn cầu - Ảnh 5
Cerrado đang là khu dự trữ sinh quyển bị phá hủy với tốc độ khủng khiếp nhất Brazil (Ảnh: Getty)

Nhiệt độ trái đất hiện nay đang làm cho các loài sinh vật biến mất hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.

Nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng là do môi trường sống của các loài động thực vật ngày càng bị thu hẹp, hiện tượng sa mạc hóa, phá rừng và nước trên các đại dương ngày càng ấm lên khiến cho nhiều loài sinh vật không thể thích ứng kịp thời với những biến đổi trên.

Biến đổi khí hậu dần phá hủy hệ sinh thái toàn cầu - Ảnh 6
Hạn hán, thiếu nước khiến thảm thực vật nhiều nơi bị huỷ hoại. (Ảnh minh họa)

Hồi đầu năm 2019, các nhà khoa học đã dựa vào tổng cộng 73 khảo sát trước đây về sự suy giảm số lượng côn trùng trên toàn thế giới và đưa ra kết luận: Cứ mỗi năm, số lượng côn trùng lại giảm đi 2,5%. Đây thực sự là một con số đáng báo động, đe dọa nghiêm trọng tới hệ cân bằng sinh thái trên phạm vi toàn Trái đất.

Các loài côn trùng thụ phấn như ong, bướm... vốn có vai trò lớn đối với hệ sinh thái. Khi chúng biến mất, thực vật sẽ khó tồn tại hơn, chưa kể nhiều loài chim, bò sát, cá... thậm chí là cả con người cũng chịu ảnh hưởng.

Biến đổi khí hậu dần phá hủy hệ sinh thái toàn cầu - Ảnh 7
Hai ngôi nhà nằm cô độc sau trận cháy rừng Black FOrest ở Colorado năm 2013, thảm hoạ này đã phá huỷ hàng trăng ngôi nhà của người dân.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, những thay đổi trong điều kiện khí hậu và lượng khí carbon dioxide tăng nhanh chóng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái. Dưới tác động của nhiệt độ, không khí và băng tan, cả hệ sinh thái trên cạn và dưới nước đều đang phải hứng chịu những hậu quả nặng nề.

Biến đổi khí hậu dần phá hủy hệ sinh thái toàn cầu - Ảnh 8
Khi những cánh rừng bị phá, sẽ không còn nguồn để hấp thụ khí CO2 khiến chúng tích tụ trong bầu khí quyển. (Ảnh minh họa)

Biến đổi khí hậu là mối đe dọa hiện hữu không xa đối với nền văn minh nhân loại. Đã có dự báo rằng, tương lai của nhân loại sẽ bị sụp đổ vào năm 2050 nếu như các hành động nhằm giảm thiểu tác hại nghiêm trọng của biến đổi khí hậu không phát huy hiệu quả trong những thập kỷ tới.

Kể từ năm 1880, nhiệt độ trung bình của Trái đất đã tăng 0,8 độ C và 2/3 mức tăng đó đã xảy ra kể từ năm 1975.

Bên cạnh đó, nhiệt độ của các đại dương trên Trái đất đang tăng. Theo kịch bản hiệu ứng nhà kính như hiện tại, vào năm 2100, sự nóng lên ở các đại dương sẽ đạt gần 20% sự nóng lên như ở cuối Kỷ Permi và đến năm 2300, nó sẽ đạt từ 35 đến 50%.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu dần phá hủy hệ sinh thái toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới