Bụi mịn nguy hiểm hơn chúng ta nghĩ
Các nhà nghiên cứu tại Viện Paul Scherrer (PSI) quan sát được các quá trình quang hóa bên trong những hạt nhỏ nhất tồn tại trong không khí và đã phát hiện ra các gốc oxy bổ sung có thể gây hại cho sức khỏe của con người.
Theo đó, các gốc oxy bổ sung này có thể gây hại cho sức khỏe của con người được hình thành trong những hạt sol khí đó ở những điều kiện thông thường. Công bố này được xuất bản trên Nature Communications “Photolytic Radical Persistence due to Anoxia in Viscous Aerosol Particles”.
Cụ thể các hạt bụi trong không khí có thể có mối nguy hiểm với sức khỏe con người. Những hạt này, với đường kính tối đa là 10 micrometer, có thể xâm nhập rất sâu vào các mô phổi và “nằm lì” ở đó. Chúng chứa các hợp chất oxy hoạt động(ROS) - vẫn được gọi là các gốc oxygen, vốn có thể gây hại cho các tế bào phổi. Càng nhiều hạt này trôi nổi trong không khí thì càng có nguy cơ rủi ro cho sức khỏe. Các hạt này xuất hiện trong không khí từ hai nguồn, một là từ các nguồn tự nhiên như cháy rừng, núi lửa, hai là các hoạt động của con người như sản xuất, giao thông…
Càng nhiều hoạt động như vậy càng làm tăng thêm lượng bụi cho đến khi nó chạm đến mức tới hạn. Xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau, các hạt này có tiềm năng mang các gốc oxygen vào phổi hoặc có thể tạo ra chúng ở đó.
Theo kết quả nghiên cứu trước đây thì một số ROS được hình thành trong cơ thể con người khi các hạt phân rã trong chất lỏng bề mặt của vùng hô hấp. Hạt bụi thông thường chứa các hợp chất hóa học, ví dụ các kim loại như đồng và sắt cũng như chứa nhiều hợp chất hữu cơ. Sự trao đổi các nguyên tử oxygen với các phân tử khác, và các hợp chất phản ứng cao được tạo ra như hydrogen peroxide (H2O2), hydroxyl (HO), và hydroperoxyl (HO2), vốn là nguyên nhân của sự ứng kích oxygen hóa.
Thông thường, trong ngày có độ ẩm cao, một tỉ lệ lớn các ROS này có thể khuếch tán khỏi các hạt để xâm nhập vào khí quyển. Trong trường hợp đó khả năng rủi ro với sức khỏe không cao, nếu chúng ta hít phải các hạt bụi. Trong ngày khô ráo hơn, thì các gốc oxy đó đầy rẫy bên trong các hạt và “sử dụng” triệt để lượng oxy hiện hữu chỉ trong vài giây. Và nó còn phụ thuộc vào độ nhớt, các hạt bụi có thể trở nên rắn chắc như đá hoặc lỏng như nước – nhưng còn phụ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm, nó có thể ở dạng bán lỏng như siro, kẹo cao su hoặc như viên ngậm thảo dược Thụy Sĩ. “Chúng tôi tìm thấy, trạng thái này của hạt đảm bảo các gốc oxy vẫn còn bị kẹt trong hạt bụi”, Alpert nêu rõ.
Phát hiện này đưa ra cảnh báo là các mức nồng độ cao nhất của ROS và các gốc oxy được hình thành thông qua sự tương tác của sắt và các hợp chất hữu cơ trong những điều kiện thời tiết thường nhật: Với một mức độ ẩm trung bình 60% và nhiệt độ khoảng 20 độ C, cũng như các điều kiện cụ thể trong nhà. Trong khi đó, con người thường nghĩ ROS chỉ hình thành trong không khí khi các hạt bụi chứa một cách tương đối các hợp chất hiếm như các quinon, Alpert chia sẻ thêm.
Tác hại khôn lường tới sức khỏe
Theo Tiến sĩ Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Sức khỏe Môi trường Cộng đồng, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế, cảnh báo tình trạng ô nhiễm, đặc biệt các chỉ số về bụi lơ lửng, PM10, PM2.5 có tỉ lệ vượt chuẩn, tăng 25-50% chắc chắn gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, người dân cần đề phòng.
Một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Y tế thế giới WHO và Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC đã cho thấy, mối tương quan tỉ lệ thuận giữa mức độ ô nhiễm bụi không khí với tỉ lệ người mắc ung thư. Cụ thể là mật độ PM10 trong không khí tăng lên 10 µg/m3 thì tỉ lệ ung thư tăng 22%, và mật độ PM2.5 tăng thêm 10 µg/m3 thì tỉ lệ ung thư phổi tăng đến 36%.
PM2.5 và PM10 đi vào đường hô hấp khi con người hít thở, nhưng mức độ xâm nhập khác nhau tùy theo kích thước hạt bụi. Trong khi PM10 đi vào cơ thể qua đường dẫn khí và tích tụ trên phổi, thì PM2.5 đặc biệt nguy hiểm hơn vì chúng bé đến mức có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu.
PM2.5 và PM10 tích tụ lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ phát bệnh ở hệ hô hấp, hệ tim mạch, hệ tuần hoàn và cả hệ sinh sản của con người. Khi những hạt bụi mịn xâm nhập vào cơ thể, làm giảm chức năng của phổi, viêm phế quản mãn tính, gây nên bệnh hen suyễn và ung thư phổi. Đồng thời, khiến tình trạng bệnh trở nặng hơn và có thể tử vong.
Đáng chú ý, bụi mịn còn là nguyên nhân gây nhiễm độc máu nhau thai, khiến thai nhi chậm phát triển. Trẻ sinh ra bị ít cân, nhiều khả năng bị suy nhược thần kinh và tự kỷ.
Theo công bố tại hội thảo “Ô nhiễm không khí - Mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng” năm 2017 cho biết, lượng bụi PM2.5 trung bình năm 2016 ở TP.HCM là 28,23 µg/m3 cao gấp 3 lần so với tiêu chuẩn của WHO, trong khi tại Hà Nội chỉ số này lên tới 50,5 µg/m3 cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình của WHO.
Như vậy, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội chỉ đứng sau thủ đô New Delhi của Ấn Độ (124 µg/m3), nơi ô nhiễm không khí nặng nhất nhì thế giới.
TS Vũ Xuân Đán, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài, đặc biệt là những khu vực gần đường giao thông. Không hoạt động thể lực tại các khu vực ngoài trời, đặc biệt gần đường. Tập thể dục ở các khu vực ô nhiễm sẽ bị nguy cơ phơi nhiễm cao hơn vì sẽ hít một lượng lớn không khí khi vận động mạnh.
Hơn nữa, người lớn và cả trẻ em nên khẩu trang phù hợp khi đi lại, làm việc ở vùng ô nhiễm. Khẩu trang nên có từ 4-5 lớp lọc gồm lớp lọc thô, lớp kháng khuẩn, lớp than hoạt tính… và các khẩu trang có hình dáng phù hợp đảm bảo độ kín.
Việt Nam cần ít nhất từ 3-5 năm nữa mới có giải pháp tổng thể cho tình trạng bụi mịn
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Trưởng Ban nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đã khẳng định, với kích thước rất nhỏ, bụi mịn gây ra rất nhiều loại bệnh.
WTO khuyến cáo bụi mịn gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe. Hiện nay tỉ lệ bụi mịn đang ở mức rất cao. Trong đó, bụi mịn chia thành sơ cấp và bụi mịn thứ cấp. Nguồn gốc phát sinh bụi mịn từ xe máy, công trình xây dựng...
GS.TS Hoàng Xuân Cơ cũng cho biết, vẫn chưa thể tìm ra giải pháp nào thực sự hoàn chỉnh cho vấn đề bụi mịn. Ông cho rằng, phải mất ít nhất khoảng 3 -5 năm nữa mới có giải pháp tổng thể cho tình trạng hiện nay.
Thùy Linh