Chủ nhật, 24/11/2024 07:44 (GMT+7)
Thứ năm, 04/08/2022 16:36 (GMT+7)

Cát biển sẽ giải bài toán nguồn vật liệu san lấp tại các dự án giao thông trọng điểm vùng ĐBSCL

Theo dõi KTMT trên

Trước việc thiếu vật liệu san lấp, đắp nền tại các dự án đường cao tốc, các tuyến giao thông trọng điểm tại vùng ĐBSCL, cát biển được nhiều chuyên gia đánh giá là sẽ giải được bài toán thiếu vật liệu san lấp cho các dự án.

Để tạo nguồn vật liệu đắp nền phục vụ các công trình giao thông trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Chính phủ đã giao Bộ TN&MT thực hiện Dự án Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL và Bộ trưởng Bộ TN&MT vừa ra Quyết định phê duyệt bổ sung Dự án này vào Danh mục nhiệm vụ chuyên môn mở mới (năm 2022).

Sau đó, Bộ TN&MT đã giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là đơn vị chủ trì Dự án và Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển và các đơn vị thuộc Tổng cục là đơn vị thực hiện.

Theo số liệu của Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), vùng biển 0-100 m nước của nước ta có 30 vùng triển vọng khai thác cát với tổng tài nguyên dự báo gần 150 tỷ m3. Trong đó, các vùng biển tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Phú Quốc - Hà Tiên, Hải Phòng - Quảng Ninh… rất có triển vọng để quy hoạch thăm dò, khai thác.

Cát biển sẽ giải bài toán nguồn vật liệu san lấp tại các dự án giao thông trọng điểm vùng ĐBSCL - Ảnh 1
Cát biển là nguồn vật liệu tiềm năng cho các dự án giao thông trọng điểm

Cũng theo các số liệu thống kê, hiện tổng trữ lượng vật liệu đắp truyền thống (cát sông) ở ĐBSCL không đủ đáp ứng và nguồn cung cấp ngày càng cạn kiện, không đủ đáp ứng cho nhu cầu thực tế sắp tới. Vì vậy, nguồn tài nguyên cát biển sẽ là phương án thay thế hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL.

Ngoài việc các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông đang cần cấp thiết nguồn vật liệu đắp, hiện nay tại ĐBSCL còn cần số lượng lớn vật liệu để xây dựng các công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, san lấp lấn biển, nuôi bờ bãi ven biển.

Trong bối cảnh tiềm năng cát sỏi xây dựng trên đất liền không lớn và hoạt động khai thác gây nhiều ảnh hưởng xấu đến môi trường, việc thực hiện Dự án nhằm nghiên cứu, khai thác sử dụng nguồn cát sạn đáy biển to lớn thay thế dần cát xây dựng trên đất liền là giải pháp khả thi nhất, là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng, trực tiếp phục vụ các dự án đường cao tốc, xây dựng kết cấu hạ tầng, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Dự án ngoài việc đáp ứng kịp thời nguồn VLXD, san lấp phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL và phụ cận, còn là cơ sở thực tiễn đẩy mạnh hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng cát biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội dải ven biển.

Cùng với đó,  Dự án sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống quy định kỹ thuật về điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác sử dụng khoáng sản biển, phục vụ và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản. Đồng thời, Dự án góp phần nâng cao năng lực đội ngũ kỹ thuật điều tra tài nguyên môi trường biển.

Ngoài ra, hoạt động khai thác cát biển ở vùng biển Sóc Trăng còn có ý nghĩa cho việc nạo vét tuyến luồng Định An, Trần Đề, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cảng biển Trần Đề sớm trở thành cảng biển hạng đặc biệt, có vai trò là cửa ngõ giao thương ra Biển Đông của vùng ĐBSCL.

Dự án là bước cụ thể hóa Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo ông Nguyễn Tiến Thành - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển, Dự án sẽ đánh giá, khoanh định được các khu vực có cát biển làm VLXD, san lấp với tài nguyên đủ mức và có tính khả thi khai thác, đáp ứng nhu cầu cấp thiết trước mắt là đảm bảo cung cấp kịp thời nguồn vật liệu san lấp phục vụ xây dựng các tuyến cao tốc phía Đông vùng ĐBSCL, cũng như đáp ứng nhu cầu VLXD, vật liệu san lấp nền móng các công trình cơ sở hạ tầng, công trình lấn biển… trong vùng.

Ông Nguyễn Tiến Thành kỳ vọng kết quả thực hiện Dự án sẽ góp phần quan trọng để các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm hoàn thành đúng tiến độ, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội.

Vũ Thanh

Bạn đang đọc bài viết Cát biển sẽ giải bài toán nguồn vật liệu san lấp tại các dự án giao thông trọng điểm vùng ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới