Đa dạng sinh học ở Việt Nam vẫn tiếp tục bị suy giảm
Theo Bộ TN&MT, mặc dù hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam đã được củng cố và mở rộng, tuy nhiên, đa dạng sinh học vẫn tiếp tục bị suy giảm về chất lượng.
Sau gần 8 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược 2020), Việt Nam đã thành lập được 3 hành lang đa dạng sinh học kết nối các khu bảo tồn; nhiều quần thể loài quý hiếm được phát hiện trong tự nhiên. Tuy vậy, trên thực tế, đa dạng sinh học vẫn tiếp tục bị suy giảm thể hiện ở 3 cấp độ hệ sinh thái, loài và nguồn gen.
Suy giảm đa dạng sinh học dù được bảo vệ
Đại diện Bộ TN&MT cho biết Chiến lược 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1250/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 31/7/2013. Đến nay, hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên và khu vực có danh hiệu quốc tế đã được củng cố và mở rộng, nâng tổng số khu bảo tồn hiện có lên 176 khu với tổng diện tích hơn 2,5 triệu ha.
Cùng với đó, 3 hành lang đa dạng sinh học đã được thành lập kết nối các khu bảo tồn tại tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị với tổng diện tích trên 521.878 ha.
Tuy vậy, phía Bộ TN&MT cũng thẳng thắn thừa nhận một số mục tiêu định lượng của Chiến lược 2020 vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Điển hình như tỉ lệ diện tích khu bảo tồn trên cạn so với diện tích lãnh thổ mới đạt được 7,1%, trong khi mục tiêu đề ra 9%; tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn biển so với diện tích vùng biển cũng mới đạt được 0,19% trong mục tiêu đề ra của chiến lược là 0,24%.
Bên cạnh đó, việc bảo vệ các loài hoang dã và giống vật nuôi, cây trồng nguy cấp, quý hiếm cũng mang lại kết quả tích cực. Nhiều quần thể loài hoang dã quý, hiếm đã được phát hiện trong tự nhiên; phục hồi và phát triển các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng; một số loài có giá trị kinh tế đã được nghiên cứu, gây nuôi phát triển thì đa dạng sinh học vẫn tiếp tục bị suy giảm về chất lượng thể hiện 3 cấp độ hệ sinh thái, loài và nguồn gen; số lượng các loài nguy cấp, các loài bị đe dọa tăng lên; nhiều hành lang đa dạng sinh học kết nối các khu bảo tồn theo quy hoạch chưa được xây dựng; hiệu quả quản lý khu bảo tồn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn xảy ra nhiều vụ khai thác trái phép gỗ và săn bắt động vật hoang dã.
Bộ TN&MT chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên là do nhu cầu sử dụng tài nguyên tiếp tục tăng cao cùng với sự gia tăng về dân số; biến đổi khí hậu tiếp tục có ảnh hưởng đến hệ sinh thái và các loài sinh vật, đặc biệt là những khu vực dễ tồn thương.
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, tính hiệu lực, hiệu quả chưa cao; hệ thống bộ máy tổ chức quản lý đa dạng sinh học chưa được thiết lập đồng bộ từ Trung ương đến địa phương…
Dự thảo Chiến lược 2030 tiếp tục bảo tồn đa dạng sinh học
Theo Bộ TN&MT, trên quy mô toàn cầu, bảo tồn đa dạng sinh học đang được đặt ra là một vấn đề cần có sự hành động cấp thiết các quốc gia do tình hình suy giảm đa dạng sinh học đang ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe và sự phát triển bền vững của nhân loại. Do vậy, giai đoạn 2021 - 2030 được Liên Hợp Quốc xác định là thập niên “Phục hồi các hệ sinh thái”.
Hiện nay mục tiêu và yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học đã trở thành nội dung của nhiều văn kiện quốc tế quan trọng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Chính phủ Việt Nam cần phải có những hành động chiến lược để bảo tồn đa dạng sinh học và thực thi các nghĩa vụ quốc tế.
Nhận thức tầm quan trọng đó, mới đây, Bộ TN&MT đã xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dự thảo Chiến lược 2030), với kỳ vọng đa dạng sinh học sẽ được bảo tồn, phục hồi, phát triển; dịch vụ hệ sinh thái được sử dụng bền vững và mang lại lợi ích cho mọi người dân.
Theo đó, dự thảo Chiến lược 2030 đề ra 9 mục tiêu: Các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo vệ và phục hồi; nâng cao hiệu quả bảo tồn các loài hoang dã, đặc biệt các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; nguồn gene được duy trì bảo tồn và phát triển; sử dụng bền vững đa dạng sinh học; kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến đa dạng sinh học; quản lý tiếp cận nguồn gene, chia sẻ lợi ích và bảo vệ nguồn gene; bảo tồn đa dạng sinh học nông nghiệp; bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học đô thị; thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để đạt được các mục tiêu trên cần có sự tham gia của toàn xã hội trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; đẩy mạnh lồng ghép và thực hiện các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong hoạch định chính sách, các dự án đầu tư công; tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học…
Theo dự thảo chiến lược, Bộ TN&MT là cơ quan chủ trì, có trách nhiệm điều phối, giúp Thủ tướng Chính phủ thống nhất tổ chức thực hiện. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của chiến lược.
Ngoài ra, dự thảo Chiến lược 2030 cũng khuyến khích các tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp, người dân tham gia thực hiện các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái. Hiện dự thảo này đang được lấy ý kiến cộng đồng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Minh Dương (T/h)