Chủ nhật, 24/11/2024 08:26 (GMT+7)
Thứ sáu, 04/12/2020 10:41 (GMT+7)

Đằng sau những số liệu rừng 'ảo' ở Tây Nguyên là gì?

Theo dõi KTMT trên

Cùng với năng lực yếu, trách nhiệm kém của chủ rừng, thực tế cho thấy chính quyền các cấp có liên đới chặt chẽ tới việc các thông tin về rừng luôn khác xa thực tế.

LTS: Chưa bao giờ số lượng chủ rừng ở khu vực Tây Nguyên lại nhiều như hiện nay: 55 công ty lâm nghiệp Nhà nước, hàng trăm doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp cổ phần, rất nhiều UBND xã, nhóm hộ và hàng chục nghìn hộ dân.

Chủ rừng nhiều lên, diện tích mỗi chủ quản lý ít đi, nhưng hiệu quả quản lý vẫn đi xuống. Như trong phóng sự phát sóng trong mục Tiêu điểm sáng qua đã đề cập, các chủ rừng này chính là nơi khởi phát của việc che giấu thực trạng rừng bằng những con số sai sự thật khiến các chính sách lâm nghiệp không thể phát huy hiệu quả.

Tiếp tục loạt bài “Rừng Tây Nguyên trong áp lực phải là vàng”, bài viết dưới đây đề cập người thật, việc thật, năng lực thật của các chủ rừng và trách nhiệm liên đới của chính quyền các địa phương trong việc để các con số sai sự thật về rừng lưu hành từ cấp cơ sở đến cấp bộ ngành. 

Đằng sau những số liệu rừng 'ảo' ở Tây Nguyên là gì? - Ảnh 1
Thiệt hại về rừng hiếm khi được địa phương báo cáo, dẫn đến các con số ảo tồn tại nhiều năm.

Những vạt thông hơn 10 tuổi bị cưa ngổn ngang, mấy gian nhà chìm trong cỏ dại, đó là thay đổi duy nhất có thể nhận ra ở lâm phần của Cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật Thiên Phước, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), sau 12 năm UBND tỉnh Lâm Đồng giao rừng cho cơ sở này làm chủ. 107ha hầu như đều có rừng khi ấy được giao để thực hiện dự án Xây dựng trang trại chăn nuôi, trồng rừng và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, nay chỉ còn hơn 60 ha. Thế nhưng, con số thiệt hại không được cơ sở Thiên Phước đưa vào báo cáo gửi Hạt kiểm lâm Đức Trọng. Lý do là chính cơ sở này cũng không theo dõi thực trạng rừng.

Nhân viên duy nhất làm việc tại lâm phần không có trách nhiệm theo dõi và báo cáo: “Tôi vào đây chỉ trông nhà mấy bữa, công việc cũng chỉ như vậy thôi. Việc này các anh hãy làm việc với các cơ quan, ban, ngành, bản thân tôi chỉ làm công việc trông nom nhà cửa nên không có liên quan gì và không biết gì cả”.

Theo quy định của pháp luật, cứ tháng 3 hàng năm, các địa phương cấp huyện phải công bố hiện trạng rừng. Theo quy trình, các thông tin hiện trạng là do chủ rừng báo cáo hạt kiểm lâm. Hạt kiểm lâm dùng số liệu của năm trước, khớp với con số báo cáo của các chủ rừng, thành con số về thực trạng mới, trình lên UBND cấp huyện công bố.

Tuy nhiên, các chủ rừng ở 750 dự án mà các tỉnh Tây Nguyên cho thuê, rất hiếm khi báo cáo hiện trạng thiệt hại, dẫn đến các con số ảo lưu cữu từ năm này qua năm khác.

Ông Nguyễn Như Hoàng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, nơi tập trung nhiều dự án cho thuê rừng nhất ở tỉnh Đắk Lắk cho biết, không chỉ năng lực yếu, các doanh nghiệp còn rất kém về trách nhiệm: “Thực trạng là hầu hết không làm gì được, rừng bị phá hết. Ký cho họ vào đây làm, họ không thực hiện, buông bỏ, rừng bị phá thoải mái, dân lấn chiếm hết, trách nhiệm thuộc về ai, ai làm công việc này".

Cùng với năng lực yếu, trách nhiệm kém của chủ rừng, thực tế cho thấy chính quyền các cấp có liên đới chặt chẽ tới việc các thông tin về rừng luôn khác xa thực tế. Như đã phản ánh, rừng đầu nguồn ở xã Sró, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai bị phá nghiêm trọng, nhiều cây gỗ đường kính lớn bị cắt hạ, phần gốc được ban lâm nghiệp xã đánh dấu kiểm tra từ cuối 2019, nhưng trong báo cáo của UBND xã Sró lại không thể hiện bất kỳ con số thiệt hại nào.

Đằng sau những số liệu rừng 'ảo' ở Tây Nguyên là gì? - Ảnh 2
Rừng được giao cho một dự án ở xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đã cơ bản bị phá trắng.

Tiếp nhận thông tin báo chí, UBND huyện Kông Chro tổ chức tới 4 đoàn kiểm tra, nhưng chỉ kiểm tra duy nhất ở lô 4, khoảnh 6, tiểu khu 805, và kết luận chỉ 12 cây gỗ bị cưa hạ. Báo chí tiếp tục nêu thêm địa điểm mới, huyện tiếp tục tới đo đếm, phát hiện thiệt hại tăng gấp 4 lần.

Mới đây, sau phản ánh lần thứ 3 về phá rừng tại một điểm khác ở Sró, ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện mới nhìn nhận có bất cập trong quản lý của huyện: “Có nhiều cuộc họp, nhiều cuộc làm việc để đẩy nhanh tốc độ điều tra vụ việc. Nhưng vì nhiều lý do nên chúng tôi vẫn phải chờ. Vụ việc cũ chưa được khắc phục, vụ việc mới đã xảy ra ngay tại điểm cũ thì rõ ràng đã có vấn đề đối với lực lượng quản lý, bảo vệ. Chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này".

Doanh nghiệp được giao rừng bỏ bê trách nhiệm bảo vệ và báo cáo thiệt hại, chính quyền lảng tránh tình trạng xâm hại rừng nghiêm trọng, là lý do chính khiến các con số ảo tồn tại trong nhiều năm. Chỉ đến khi số thiệt hại thật tích tụ quá lớn, thông tin vỡ lở thì sự đã rồi. Nhưng vì dấu vết, chứng tích của phá rừng không còn, nên các tỉnh có nhiều lý do để bao biện.

Như ở Đắk Lắk, chỉ đến Hội nghị “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên”, tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk mới thông tin về con số 7.000 ha rừng tự nhiên ở 3 huyện phía đông tỉnh đã biến mất chỉ trong 3 năm. Và phần lớn thiệt hại này được cho là bởi thiên tai, như cách nói của ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Nguyên nhân do cơn bão số 12/2017, theo cập nhật thì diện tích rừng giảm rất mạnh. Đặc biệt là các huyện như M’Đrắk, Ea Kar, Krông Bông là thiệt hại trên 7.000 ha, chiếm khoảng 68% tổng diện tích rừng tự nhiên giảm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk".

Gần đây nhất, trong diễn biến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 cho thấy, công tác sử dụng các con số ảo và bao biện, ngụy biện cho tình trạng suy giảm nghiêm trọng của rừng tự nhiên còn xảy ra ở cấp Trung ương.

Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, rừng tự nhiên đã tăng hơn 1 triệu ha trong 30 năm qua; độ che phủ rừng đạt 46%. Có thể, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã quên rằng, tại hội nghị “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên”, thực trạng Tây Nguyên mất hơn 1 triệu ha rừng tự nhiên trong 30 năm qua đã được chính Bộ trưởng và lãnh đạo các tỉnh nhìn nhận, để thấy các con số báo cáo là những con số “ảo”: “Thực tiễn nó không đúng như thế. Hết kỳ này chuyển qua kỳ khác, ở cơ sở chuyển lên Trung ương thành ra một loại số liệu như thế. Nếu chúng ta không nhìn thẳng vào sự thật, mãi mãi chúng ta có một số liệu không chính xác, không làm cơ sở cho phục vụ công tác quản lý tốt được".

Để phục hồi rừng, cần chính sách lâm nghiệp tốt. Để có chính sách tốt, thông tin về rừng phải trung thực. Nhưng từ chủ rừng đến chính quyền huyện, tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… đều sử dụng các con số ảo và bao biện cho các yếu kém về quản lý rừng.

Từ thực tế tại Tây Nguyên có thể thấy, các con số càng ảo thì càng dễ che giấu thực trạng; rừng càng bị mất thì đất rừng càng dễ chuyển đổi sang mục đích kinh tế. Và khi rừng được chuyển sang mục đích kinh tế càng nhiều đồng nghĩa với việc rừng bị mất càng nhanh và không thể phục hồi.

Công Bắc

Bạn đang đọc bài viết Đằng sau những số liệu rừng 'ảo' ở Tây Nguyên là gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới