Chủ nhật, 24/11/2024 07:58 (GMT+7)
Thứ hai, 27/06/2022 18:00 (GMT+7)

Đến tháng 6/2022 đã có tới 99 giấy phép tài nguyên nước được cấp

Theo dõi KTMT trên

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ đầu năm đến ngày 10/6, Cục Quản lý tài nguyên nước đã thẩm định, trình Bộ cấp 99 giấy phép tài nguyên nước các loại.

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), từ đầu năm đến ngày 10/6, Cục đã thẩm định, trình Bộ cấp 99 giấy phép tài nguyên nước các loại. Bao gồm: 13 giấy phép xả nước thải; 68 giấy phép khai thác nước mặt, nước biển; 10 giấy phép khai thác nước dưới đất; 3 giấy phép hành nghề nước dưới đất.

Tính trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục tập trung triển khai Nghị định về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; tập trung triển khai, thực hiện việc cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất; tăng cường triển khai sử dụng hoàn toàn văn bản điện tử, chứng thực chữ ký số; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 16 thủ tục hành chính và mức độ 4 đối với 5 thủ tục hành chính. Tiếp tục đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Ngoài ra, chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Cục, quản lý, điều hành và xử lý công việc của các đơn vị, đặc biệt là sử dụng đồng bộ, thường xuyên các hệ thống phần mềm điều hành qua mạng của Cục trong tất cả các đơn vị trực thuộc Cục; bảo đảm 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hệ thống thư điện tử và phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc của Cục phục vụ công tác quản lý và điều hành, 100% các văn bản, tài liệu chính thức được thực hiện trên mạng điện tử trừ văn bản mật, ứng dụng chữ ký số, cải tiến phương thức làm việc, từng bước hiện đại hóa hành chính.

Triển khai cập nhật thường xuyên và vận hành Hệ thống phần mềm khai thác, sử dụng Bộ dữ liệu các loại mô hình trên nền 19 Bộ dữ liệu thủy văn và 3 mô hình lưu vực sông.

Đến tháng 6/2022 đã có tới 99 giấy phép tài nguyên nước được cấp - Ảnh 1
Từ đầu năm đến ngày 10/6, Cục Quản lý tài nguyên nước đã thẩm định, trình Bộ cấp 99 giấy phép tài nguyên nước các loại. (Ảnh minh họa)

Xây dựng hệ thống theo dõi và quản lý diễn biến nguồn nước mặt, nước dưới đất và hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả thải vào nguồn nước phục vụ giám sát việc tuân thủ giấy phép tài nguyên nước và công tác chỉ đạo điều hành. Tiếp đó, triển khai hệ thống quản lý tình hình vận hành của các Hồ chứa trên 11 lưu vực sông theo các Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được Thủ tướng phê duyệt để Cục và các đơn vị quản lý vận hành theo dõi, giám sát và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường;…

Định hướng trong thời gian tới, Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, trọng tâm là xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Bộ trình Chính phủ; xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long, sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng, hoàn thiện Báo cáo hiện trạng tài nguyên nước quốc gia,… để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới.

Nhiều vướng mắc trong quản lý tài nguyên nước

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, thực hiện Nghị định số 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước 2013 (NĐ 201) cho đến nay, công tác cấp phép về tài nguyên nước đã được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. 

Trước đó, tính đến tháng 4/2022, đã có khoảng hơn 24.000 công trình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước đã được quản lý từ Trung ương đến địa phương thông qua biện pháp, cấp phép tài nguyên nước. Theo số liệu báo cáo tại 54 tỉnh, thành phố đã cấp 23.794 Giấy phép tài nguyên nước cho các tổ chức và cá nhân (577 giấy phép hành nghề khoan thăm dò khai thác nước dưới đất; 1.890 giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, nước biển; 1.968 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 9.439 giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất và 9.920 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước).

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ TN&MT, trong quá trình thực hiện Nghị định 201 đã gặp nhiều vướng mắc, hạn chế trong việc cấp phép sử dụng, khai thác tài nguyên nước. Một số nội dung của Nghị định số 201 hiện nay không còn phù hợp do sự điều chỉnh của Luật Quy hoạch, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủy lợi, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và một văn bản quy phạm pháp luật khác gây khó khăn cho việc tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng khi thi hành.

Trong việc triển khai cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, vướng mắc nhất là các công trình được phê duyệt theo Nghị định số 82. Chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục chấp thuận sử dụng mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí gây khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ nguồn nước các hồ chứa ở địa phương.

Đồng thời cần nghiên cứu, bổ sung các yêu cầu bảo đảm về quan trắc, giám sát chất lượng nguồn nước khai thác đối với các công trình, nhà máy nước khai thác, sử dụng nước cấp cho sinh hoạt; việc ban hành các hướng dẫn thực hiện lập quy hoạch về tài nguyên nước theo Luật quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch chưa kịp thời dẫn đến khó khăn, lúng túng trong việc triển khai tại địa phương.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng, việc xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bảo đảm đồng bộ với các quy định của Chính phủ về cắt giảm điều kiện kinh doanh, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đang triển khai thực hiện, đặc biệt là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các quy định của Luật Tài nguyên nước 2012.

Vì vậy, để bảo đảm tiến độ xây dựng, ban hành Nghị định, thời gian tới, Thứ trưởng Thành yêu cầu Cục Quản lý tài nguyên rà soát một số nội dung được kiến nghị xem xét bổ sung theo ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo tại cuộc họp này để sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định gửi lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan, đồng thời, đăng tải lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ TN&MT theo quy định.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Đến tháng 6/2022 đã có tới 99 giấy phép tài nguyên nước được cấp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới