Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 22/8
Giá biệt thự tăng gấp đôi, hấp thụ thấp, tương lai phân khúc này ra sao?; Bất động sản nghỉ dưỡng thu hút nhà đầu tư quốc tế; Bất động sản Sóc Trăng: 'Nghe hơi' quy hoạch đã sốt... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Giá biệt thự tăng gấp đôi, hấp thụ thấp, tương lai phân khúc này ra sao?
Giá bán cao trong khi nguồn cung lại hạn chế dẫn tới tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp. Theo chuyên gia, một khi nguồn cung có giá bán hợp lý hơn trở lại thị trường, thanh khoản sẽ được cải thiện.
Báo cáo quý II vừa công bố của Savills Việt Nam cho thấy, tình hình thị trường bất động sản tại Hà Nội nhìn chung có những dấu hiệu phục hồi trong các hoạt động cho thuê thương mại, căn hộ dịch vụ, mua bán nhà ở, công suất cho thuê phòng khách sạn.
Bên cạnh đó, một số phân khúc thì có hiện tượng tỷ lệ hấp thụ thấp do giá bán còn ở mức cao như biệt thự, liền kề.
Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội phân tích, giá bán hiện ở mức khá cao trong khi nguồn cung lại hạn chế dẫn tới tỷ lệ hấp thụ ở phân khúc biệt thự, liền kề ở mức thấp. Giao dịch chủ yếu tại thị trường thứ cấp giữa các nhà đầu tư với nhau.
"Một khi nguồn cung có giá bán hợp lý hơn trở lại thị trường, thanh khoản cùng tình hình hoạt động sẽ được cải thiện", ông nhận định.
Số liệu mà đơn vị nghiên cứu thị trường này đưa ra cho thấy nguồn cung biệt thự liền kề vẫn giảm mạnh trong quý II.
Cụ thể, nguồn cung mới chỉ có 146 căn đến từ một dự án duy nhất, giảm 82% theo quý và 84% theo năm. Nguồn cung sơ cấp đạt 993 căn, giảm 34% theo quý và 49% theo năm, mức thấp nhất trong vòng năm năm vừa qua.
Bên cạnh việc nguồn cung sụt giảm, tình hình hoạt động của phân khúc này cũng rất chậm khi lượng giao dịch giảm 55% theo quý và 72% theo năm với chỉ 302 giao dịch.
Bất động sản nghỉ dưỡng thu hút nhà đầu tư quốc tế
Những sản phẩm bất động sản được chăm chút kỹ lưỡng, nằm trong đại dự án quy mô, đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm.
Trước những biến động của tình hình kinh tế thế giới, thị trường bất động sản Việt Nam có những dịch chuyển với các quyết sách mới về hạ tầng, tài khóa, luật và các quy định. Dẫu vậy, bất động sản Việt Nam được giới chuyên gia đánh giá là "vùng an toàn" giữa những biến động toàn cầu và còn nhiều dư địa phát triển so với các quốc gia Đông Nam Á khác.
So với các nước tronng khu vực Đông Nam Á, đà tăng trưởng của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam được kỳ vọng tăng tốc nhờ sự phục hồi của ngành du lịch. Kỳ nghỉ hè vừa qua được xem là bước tái khởi động lạc quan tại các điểm đến du lịch. Theo dữ liệu của Savills, các địa phương có khu du lịch ven biển ghi nhận tốc độ hồi phục ấn tượng. Đặc biệt tại Phan Thiết - Bình Thuận, một số resort thành công trong việc thu hút khách nội địa thậm chí kỳ vọng đạt mức công suất 50-70%.
Lý giải về sức hấp dẫn của bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, đặc biệt tại Phan Thiết, nhiều chuyên gia đánh giá, đây là vùng đất thiên nhiên còn nguyên sơ, khí hậu nắng ấm quanh năm, thích hợp cho những chuyến nghỉ dưỡng dài ngày, để du khách tận hưởng khoảng thời gian yên bình và tìm lại sự thư thái trong tâm hồn.
Thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước thời gian qua là siêu thành phố biển - du lịch - sức khoẻ NovaWorld Phan Thiet. Dự án được triển khai trên quy mô 1.000 ha, tọa lạc tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Bất động sản Sóc Trăng: 'Nghe hơi' quy hoạch đã sốt
Mặc dù dự án cảng nước sâu Trần Đề còn trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, dự án cầu Đại Ngãi cũng chưa xác định thời gian khởi công nhưng bất động sản tại các khu vực gần dự án đã cầm đèn chạy trước ô tô, hét giá trên trời.
Ông N, cán bộ Liên đoàn Lao động huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cho biết, mặc dù chỉ mới nghe tin cầu Đại Ngãi sắp được khởi công xây dựng nhưng giá đất ở địa phương đã tăng vọt bất ngờ. Nếu như trước đây một công đất vườn chỉ vài chục triệu thì nay tăng lên đến vài trăm triệu tùy vào vị trí.
"Do nghe nói cầu Đại Ngãi bắt qua sông Hậu trên Quốc lộ 60 sẽ có đường kết nối xuống khu vực cù lao này và khi đó chấm dứt cảnh 'qua sông lụy phà' nên người ta ùn ùn đến đây mua đất để mở khu du lịch", ông N cho hay.
Phó chủ tịch UBND xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung Phạm Trung Kiên xác nhận, thời gian gần đây hồ sơ giao dịch bất động sản tại địa phương tăng đột biến. Điều bất thường là người xin chuyển nhượng đất đa số ở nơi xa như Cần Thơ, TP.HCM, Hà Nội đến mua đất. Bất động sản được giao dịch nhiều là đất nông nghiệp như đất cây lâu năm, đất nuôi thủy sản.
Theo tìm hiểu của phóng viên, người đến mua đất tại huyện Cù Lao Dung thường mua đất nông nghiệp với diện tích lớn. Mục đích là để đầu cơ vì dự đoán sau khi cầu Đại Ngãi được xây dựng, giao thông kết nối thuận tiện thì giá đất ở đây sẽ tăng đột biến.
Trước đó, giới đầu cơ bất động sản liên tục đổ về tuyến đường tỉnh 934B ở Sóc Trăng để mua đất. Giá đất ruộng dọc theo tuyến đường này cũng tăng dần từ khi cầu Mạc Đĩnh Chi vượt sông Maspéro nối liền TP Sóc Trăng với huyện Trần Đề.
Theo ông Trần Văn Trí, người dân sinh sống trên tuyến đường tỉnh 934B, kể từ khi tuyến đường này được xây dựng thì đất dọc hai bên tuyến đường này tăng "chóng mặt", nếu như trước đây giá 1 công đất ruộng chỉ tầm 50 triệu thì nay 1 tỷ chưa cho "rớ".
Giá thuê căn hộ dịch vụ vượt chung cư cao cấp 40%
Căn hộ dịch vụ là mô hình mới phổ biến vài năm trở lại đây, không chỉ cung cấp đầy đủ tiện ích như các căn hộ chung cư cho thuê thông thường, mà còn có dịch vụ dọn phòng, giặt ủi, ăn uống... tương tự khách sạn. Từ khi xuất hiện đến nay, loại hình này vẫn luôn là "đối thủ" trực tiếp với các căn hộ cao cấp cho thuê.
Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Savills cho thấy giá thuê trung bình các căn hộ dịch vụ đang cao hơn 40% so với giá thuê trung bình các căn hộ chung cư hạng A và B. Dù còn thấp hơn mức đỉnh hơn 550.000 đồng/m2/tháng năm 2019, giá thuê loại hình này đã phục hồi về mức gần 497.000 đồng/m2/tháng. Đặc biệt, phân khúc hạng A tăng 3% giá thuê so với quý I/2022 và tăng 6% so với quý II/2021.
"Trong quý II, tình hình hoạt động của căn hộ dịch vụ được cải thiện nhờ du lịch quốc tế được kết nối và các hạn chế Covid-19 được nới lỏng. Tuy nhiên, sự quay trở lại của thị trường căn hộ chung cư và khách sạn sẽ tạo ra áp lực đối với phân khúc này", bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Nghiên cứu Savills chi nhánh TP.HCM đánh giá.
Theo bà, từ khi Việt Nam mở cửa hồi tháng 3, các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản và Đài Loan trong mảng xây dựng và sản xuất đã quay trở lại. Số dự án FDI mới tăng 16% theo năm cũng là tín hiệu tích cực do đối tượng khách thuê căn hộ dịch vụ chủ yếu vẫn là người nước ngoài. Thực tế, công suất cho thuê trong quý II đạt 74%, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.
Dù vậy, những yếu tố này cũng là triển vọng đối với căn hộ cho thuê truyền thống, do đó cạnh tranh giữa hai mô hình này trong thời gian tới sẽ càng trở nên gay gắt hơn. Trong đó, mô hình truyền thống có lợi thế giá thuê thấp hơn đáng kể cùng nguồn cung dồi dào, nhiều lựa chọn.
Thực tế, trong khi suốt quý II vừa qua TP.HCM không ghi nhận dự án căn hộ dịch vụ mới nào, tổng nguồn cung tương lai dự kiến cũng chỉ có 780 căn đến từ 5 dự án, thì nhóm căn hộ hạng A và B ước tính có hơn 26.000 sản phẩm được bàn giao và đưa vào cho thuê từ nay đến năm 2024.
Huyền Diệu