Những thông tin nổi bật nhất về bất động sản ngày 28/6
Hà Nội "tiếp tay" nâng tầng, "nhồi" gần 400 căn hộ vào một cao ốc; Cái giá của việc tham lam khi đầu tư bất động sản; Nhẹ dạ cả tin nhà đầu tư F0 lâm cảnh “khóc dở mếu dở”… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Hà Nội "tiếp tay" nâng tầng, "nhồi" gần 400 căn hộ vào một cao ốc
Sau 4 lần điều chỉnh quy hoạch sai quy định, Hà Nội đã nâng tầng cao từ trung bình 6,5 tầng thành 25 tầng và tăng gần 400 căn hộ tại dự án Golden West - số 2 Lê Văn Thiêm (Thanh Xuân, Hà Nội).
Thanh tra Bộ Xây dựng vừa chỉ ra hàng loạt vi phạm tại Cụm nhà ở hỗn hợp chung cư kết hợp với văn phòng và siêu thị (tên gọi thực tế là chung cư Golden West) tại ô đất có ký hiệu 2.5HH đường Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân do Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại Việt Nam (Vietradico) làm chủ đầu tư.
Cái giá của việc tham lam khi đầu tư bất động sản
Vì sợ bán hớ nên không ít nhà đầu tư non kinh nghiệm cuối cùng mất cả lãi, thậm chí âm vào vốn. Nhà đầu tư lâu năm cho rằng, khi đầu tư, đặc biệt là bất động không nên quá tham lam, chỉ cần đạt kỳ vọng là có thể chốt lời.
Đầu năm 2021, giá đất ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước được dịp “lên đồng”. Trong đó, điển hình phải kể đến đất tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Phước... chỉ trong thời gian ngắn giá đã tăng “phi mã”. Trong cơn sốt, dù lãi vài trăm triệu đồng người có đất cũng không muốn bán ra, vì nghĩ giá tiếp tục tăng thêm, sợ sẽ bán hớ.
Điển hình, trường hợp anh Hiệp, nhà đầu tư tay ngang tại Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, sau 5 năm, gia đình anh tiết kiệm được 1,5 tỷ đồng, vì thấy nhiều người bạn của mình đã đầu tư đất từ lâu và có lợi nhuận cao, nên anh Hiệp bắt đầu tìm hiểu để tham gia thị trường.
“Nhiều người bạn của tôi họ có kinh tế vững vàng nên đã đầu tư từ lâu, thấy họ cũng có lần lãi, lần lỗ, nhưng chủ yếu là thắng đậm, nên tôi mới nghĩ tới chuyện mua đất. Ban đầu vì cũng không có kinh nghiệm nên tôi nhờ bạn bè tư vấn và đi xem trực tiếp ở nhiều nơi.
Tôi cũng có người quen đang làm môi giới bất động sản tại Bắc Ninh nên tôi tới xem một vài lô đất, thấy giá ở đó cũng hợp lý mà xung quanh nhiều khu công nghiệp. Đặc biệt, thị trường nơi đó khi ấy cũng rất sôi động, nhiều người kiếm được tiền tỷ”, anh Hiệp kể.
Đáng chú ý, trong việc thực hiện quy hoạch, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ, UBND TP Hà Nội 1 lần điều chỉnh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc 3 lần điều chỉnh sai quy định pháp luật đã điều chỉnh tầng cao từ trung bình 6,5 tầng thành 25 tầng, mật độ từ 38% thành 47%, số căn hộ tăng từ 352 căn thành 740 căn, số cư dân tăng từ 2.112 người thành 2.652 người.
Anh Hiệp cho biết, thời điểm anh mua mảnh đất này thì giá đất tại Bắc Ninh cũng đang có xu hướng tăng mạnh. Chỉ sau thời gian ngắn, cơn sốt điên cuồng bao trùm cả khu vực này. Mảnh đất của anh Hiệp có những ngày tới 5-7 người gọi điện hỏi mua. Khi ấy, mảnh đất đó được định giá 2 tỷ đồng, tương ứng lãi 500 triệu đồng so với điểm xuống tiền. Tưởng rằng mảnh đất được nhiều người quan tâm để thêm có khi lãi tiền tỷ nên anh vẫn không đồng ý bán.
Nhẹ dạ cả tin nhà đầu tư F0 lâm cảnh “khóc dở mếu dở”
Không ít nhà đầu tư tay ngang đã vay mượn lao vào cơn “sốt đất” để rồi mắc cạn. Chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư “chết” vì sốt đất thường là những người mới, đầu tư chạy theo đám đông, nắm thông tin chậm hoặc ít kiến thức và non kinh nghiệm.
Đầu năm 2022, cơn "sốt đất" vẫn đổ bộ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước thị trường bất động sản được dịp trở nên sôi động. Theo đó nhiều nhà đầu tư mới, non kinh nghiệm cũng ôm tiền chạy theo cơn sốt, với lòng tin có thể kiếm tiền từ bất động sản.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia nhận định trong các cơn sốt đất chỉ có đầu cơ và số ít người may mắn là thắng cuộc. Khi cơn sốt hạ nhiệt, cộng thêm tác động từ các lệnh siết, nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, huy động vốn khắp nơi phải ngậm trái đắng, đất không bán được, thậm chí phải cắt lỗ.
Chị Nguyễn Hạnh (sinh sống tại Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, đầu tháng 2 khi thông tin sốt đất vẫn ngập tràn khắp các trang mạng internet. Hơn nữa, vì tin vào những lời có cánh, cùng khẳng định chắc nịch của môi giới: "Em chắc chắn mảnh đất này chỉ 2 tuần sau có khi chị lãi cả trăm triệu đồng, em sẽ lo tìm khách hàng mua cho chị".
Theo đó, dù không có nhiều kinh nghiệm với thị trường bất động sản, chị Hạnh vẫn không ngần ngại xuống tiền mua mảnh đất tại Đông Anh, rộng gần 100m2, với giá 3 tỷ đồng, trong đó có hơn một nửa là chị Hạnh vay mượn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, hiện nay có nhiều khu vực thiết lập mặt bằng giá mới rất cao do yếu tố đầu cơ, gây tác hại rất lớn đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản, khiến giấc mơ sở hữu nhà của những người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở các đô thị ngày càng xa vời.
Đồng thời, Chủ tịch HoREA cho rằng mâu thuẫn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là tình trạng lệch pha cung cầu. Do đó, nhận định về sự biến động của thị trường trong thời gian tới, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, khi nguồn vốn chảy vào bất động sản bị co hẹp, các doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản sẽ phải tập trung vào dự án có khả thi, không còn đầu tư dàn trải, thì thị trường bất động sản chắc chắn sẽ hạ nhiệt…
Dưới một góc nhìn khác, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội phân tích, áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường bất động sản chậm lại trong ngắn hạn.
Áp lực đè nặng trục đường Lê Quang Đạo: Đừng chạy theo lợi ích nhà đầu tư
Để tuyến đường Lê Quang Đạo không lặp lại bài học Lê Văn Lương, nhiều ý kiến cho rằng cần định hướng đây là trục đường phục vụ các sự kiện văn hóa thể thao lớn, hạn chế tối đa mật độ chung cư cao ốc và không chạy theo lợi ích của nhà đầu tư.
Chỉ chưa đầy 3 km trên trục đường Lê Quang Đạo, kéo dài từ ngã tư Đại lộ Thăng Long tới Trần Hữu Dực đang tập trung hàng loạt các công trình văn phòng lớn, tổ hợp thể thao trọng điểm của Thủ đô như trụ sở Bộ Ngoại giao, sân bóng vận động viên cấp cao, Cung Điền kinh Hà Nội, VFF, Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội, sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Cung Hữu nghị Việt - Trung...
Thế nhưng, cũng trên trục đường Lê Quang Đạo kéo dài về phía đường Trần Hữu Dực (Hà Nội) gần đây đang mọc lên rất nhiều toà cao ốc, chung cư cao tầng với mật độ dày đặc.
Theo tìm hiểu, trong phạm vi ngắn đang xuất hiện hàng loạt dự án chung cư cao ốc theo trục đường như The Matrix One, Mỹ Đình Pearl, Iris Garden, chung cư Florence, Louis City Đại Mỗ, Hyatt Regency West Hanoi, FLC Premier Parc... và vẫn chưa có chiều hướng dừng lại.
Bùi Hằng