Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 4/1
Giá bất động sản giảm sâu, nhà đầu tư vẫn lãi gấp 3 lần sau khi bán đất; Đất nền ven biển “xả” mạnh, nhiều lô đất cắt lỗ 40%; Bắt mạch thị trường bất động sản Việt Nam và dự báo năm 2023;... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Mất việc, không thưởng Tết, môi giới bất động sản méo mặt lo tiền về quê
Mất việc trong những tháng cuối năm, không ít môi giới bất động sản tại TP.HCM đang méo mặt lo tiền về quê ăn Tết. Có người phải vay tiền mua vé xe đò, có người mua chịu vé máy bay nhưng bị... leo cây.
Cường từng là nhân viên cũ của Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba. Những năm tháng được cho là oanh liệt, Cường kiếm được tiền tỷ từ công ty này. Từ khi CEO của công ty là Nguyễn Thái Luyện bị bắt, Cường mất hết vốn vì có bao nhiêu tiền đã dồn vào đầu tư các dự án của Alibaba.
Sau khi Alibaba đóng cửa, Cường đi làm môi giới bất động sản tự do tại khu vực Thủ Đức, TP.HCM. Làm một thời gian thấy thu nhập không ổn định, anh lại xin vào một công ty bất động sản khác để có lương cứng sống qua ngày, nhưng mấy tháng liền vẫn không bán được hàng. Đến tháng 12 vừa qua, TAND TP.HCM đưa vụ án Alibaba ra xét xử, Cường nguyên là giám đốc sàn của công ty, cũng là nhà đầu tư nên phải lên tòa thường xuyên để nắm thông tin, đồng thời hỗ trợ khách hàng.
"Công ty đang làm không đuổi nhưng em thấy ngại vì lấy lương cứng mà mấy tháng không bán được hàng. Tháng 12 lại phải lên tòa thường xuyên nên em xin nghỉ, đồng nghĩa không có thưởng Tết nhưng phải chấp nhận", Cường chia sẻ.
Bắt mạch thị trường bất động sản Việt Nam và dự báo năm 2023
Tại Hội thảo "Bắt mạch thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam và dự báo năm 2023" do Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) tổ chức tại Hà Nội ngày 3/1, Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính cho biết, sau giai đoạn "ngủ đông" vì đại dịch, nền kinh tế nói chung, thị trường BĐS nói riêng hồi phục theo những xu hướng hoàn toàn mới.
Từ cuối quý II/2022, thị trường BĐS bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng. Hàng loạt chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp cùng nhiều lý do khác đã khiến nhà đầu tư lo ngại, giao dịch bị trì hoãn và nhiều dự án BĐS đang triển khai phải tạm dừng.
Cuối năm 2021, đầu năm 2022, với dòng tiền dễ được bơm vào thị trường, hướng vào hoạt động đầu cơ, cộng với sự phục hồi của nền kinh tế, quá trình đô thị hóa đã kéo theo nhu cầu BĐS tăng cao ở tất cả phân khúc, thị trường bất động sản phát triển nóng, sốt đất xảy ra rầm rộ ở nhiều mức độ khác nhau tại một số địa phương có thông tin quy hoạch hạ tầng như sân bay, khu công nghiệp, cầu đường... kéo theo sự phục hồi, hoạt động trở lại của các sàn giao dịch, môi giới BĐS.
Tuy nhiên, từ cuối quý II/2022 đến nay, khi dòng vốn tín dụng vào thị trường bị siết chặt, thị trường đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, cần có nhiều giải pháp hỗ trợ tốt, đồng bộ từ các cơ quan quản lý Nhà nước để thị trường phục hồi ổn định và khởi sắc trong năm 2023. Vì vậy, hội thảo đưa ra cái nhìn toàn cảnh về thị trường BĐS Việt Nam, làm rõ những những khó khăn của doanh nghiệp BĐS hiện nay, tại sao giá BĐS tăng cao, nhu cầu nhà ở hiện nay như thế nào, thực trạng phát triển các phân khúc BĐS ngoài đô thị và nhà ở, dòng vốn vào BĐS...? và đưa ra những giải pháp, kiến nghị, góp phần thúc đẩy sự phát triển và hồi phục của thị trường.
Báo cáo của VARS cho biết, giá trị vốn hóa của ngành BĐS ước tính khoảng 1,7-1,8 triệu tỷ đồng. Cơ cấu nguồn lực cho thị trường còn bất hợp lý chủ yếu đến từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, vốn huy động qua phát hành trái phiếu và tiền ứng trước của khách hàng, vốn chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15-30% tổng mức đầu tư của dự án. Đóng góp trung bình của ngành xây dựng và BĐS trong GDP chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách.
Đáng chú ý là nguồn cung chỉ tập trung ở phân khúc trung cấp, cao cấp, với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu thực. Do đó, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt hơn 33% giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm và lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Các căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2 khan hiếm, trong khi người dân đang đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng phân khúc nhà ở "vừa túi tiền" - dưới 2 tỷ đồng/căn và nhà ở xã hội.
Giá bất động sản giảm sâu, nhà đầu tư vẫn lãi gấp 3 lần sau khi bán đất
Dù thị trường bất động sản đang rơi vào trầm lắng, nhiều nhà đầu tư đang chật vật cắt lỗ. Song, ở chiều ngược lại, những người đã mua đất từ nhiều năm trước vẫn đang có lãi nhiều.
Đầu năm 2022, làn sóng đầu tư, đầu cơ bất động sản lên tới đỉnh điểm. Nhà nhà, người người sử dụng đòn bẩy tài chính để đi mua đất nền vùng ven, tỉnh lẻ và ôm mộng “đánh nhanh, thắng nhanh”. Thời điểm đó, giá bất động sản liên tục tăng mạnh ở nhiều nơi, thậm chí chỉ cần mua trong thời gian ngắn cũng có lãi.
Tuy nhiên, thị trường đột ngột “gãy sóng”, nguyên nhân là do chính sách tiền tệ có sự thay đổi, tín dụng bất động sản và trái phiếu bị kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, nhiều nhà đầu tư “chậm chân” đã không kịp thoát hàng, đến nay vẫn chật vật giảm giá, cắt lỗ nhưng vẫn không tìm được khách mua.
Anh Thanh Tú, chủ một phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết, nhiều nhà đầu tư mới mua dịp đầu năm 2022, nhưng đến nay đã phải bán cắt lỗ, giá giảm dần theo thời gian.
“Nguyên nhân là do những nhà đầu tư này dùng đòn bẩy tài chính quá lớn. Do vậy, khi thị trường gặp khó về dòng tiền, thanh khoản đi xuống, cộng với lãi suất ngân hàng tăng cao họ tìm cách để thoát hàng. Nhưng việc mua bán thời điểm này cũng khó, vì nếu muốn bán phải giảm giá rất sâu. Tình trạng này cũng xảy ra với một số nhà đầu tư mua bằng tiền của mình nhưng không tràn lan”, anh Tú nói.
Đất nền ven biển “xả” mạnh, nhiều lô đất cắt lỗ 40%
Xu hướng đầu tư đất nền ven biển đã bắt đầu bùng nổ kể từ thời điểm năm 2018 cùng với sự sôi động của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Một báo cáo tổng hợp của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam từng nhận định, các dự án đất nền, được triển khai rất rầm rộ tại nhiều địa phương, đặc biệt là các điểm đến du lịch biển.
Loại hình đất nền ven biển được đánh giá là hấp dẫn, khả năng sinh lời cao do đặc tính “khan hiếm” cũng như đánh vào tâm lý của người mua về khả năng tạo ra dòng tiền đều đặn nhờ lợi thể sát biển, có thể xây homestay nghỉ dưỡng.
Làn sóng “ăn theo” lan rộng, diễn ra rầm rộ trong giai đoạn 2019-2021. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn mua lô đất chưa đầy đủ cơ sở pháp lý để rao bán, phân lô bán đất nền. Có nhiều nhà đầu tư bấp chất xuống tiền vào đất vườn, đất nông nghiệp với kỳ vọng mức giá tăng gấp 2, gấp 3.
Tại Hạ Long (Quảng Ninh), nhà đầu tư Trần Minh Thành (Hà Nội) từng mua lô đất nền với giá 25 triệu đồng/m2. Đến hiện tại, nhà đầu tư này đang nhờ môi giới chào bán ra thị trường 19 triệu đồng/m2. Nhà đầu tư này cho biết, do thời điểm cuối năm, ngoài việc kinh doanh khó khăn cộng áp lực trả nợ lãi ngân hàng đầu tư bất động sản nên ông Thành có nhu cầu đẩy hàng sớm.
Diễn biến cắt lỗ đối với loại hình đất nền ven biển tại Hạ Long (Quảng Ninh) không phải hiếm gặp. Trên trang diễn đàn mua bán bất động sản, nhiều nhà đầu tư, môi giới đăng tải thông tin về việc bán gấp, cắt lỗ sâu đất nền ven biển.
Huyền Diệu