Chủ nhật, 24/11/2024 04:29 (GMT+7)
Thứ ba, 15/11/2022 06:10 (GMT+7)

Đông Nam Á nỗ lực hành động đạt giảm phát thải ròng bằng 0

Theo dõi KTMT trên

Các quốc gia Đông Nam Á đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi than để đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng “0”; tăng cường hợp tác, trao đổi giữa những nền kinh tế có nhiều điểm tương đồng, nâng cao vị thế của khu vực.

Phát thải khí carbon 3 triệu tấn mỗi năm

Biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động nặng nề đối với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là vấn đề mực nước biển dâng cao là nguyên nhân đe dọa đến cơ sở hạ tầng, cuộc sống của người dân các nước trong khu vực. 

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Deltares, Hà Lan, hiện nay, khoảng 157 triệu người đang sống ở những nơi thấp 2m so với mực nước biển, con số này sẽ tiếp tục tăng lên nếu như mực nước biển dâng cao trong những thập niên tới. Uỷ ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) còn đưa ra cảnh báo mực nước biển có thể sẽ dâng thêm 0,8m cho tới năm 2100. Nếu như mực nước biển tăng lên 1m khiến cho một số vùng đồng bằng đông dân cư sẽ chìm sâu trong nước, 28 triệu người tại Indonesia, 23 triệu người tại Thái Lan và 38 triệu người Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ đó. 

Hiện nay các nước Đông Nam Á luôn nỗ lực thực hiện để đạt phát thải ròng bằng 0 và đạt được mục tiêu nhiệt độ không vượt ngưỡng 1,5 độ C cho tới năm 2030, tuy nhiên, những chiến lược của các nước để đạt được mục tiêu đó vẫn vướng phải những hạn chế nhất định.

Đông Nam Á nỗ lực hành động đạt giảm phát thải ròng bằng 0 - Ảnh 1
Hiện các nước Đông Nam Á luôn nỗ lực thực hiện để đạt phát thải ròng bằng 0 và đạt được mục tiêu nhiệt độ không vượt ngưỡng 1,5 độ C cho tới năm 2030.

Theo báo cáo của Bain & Company và Temasek dựa trên những số liệu đầu vào từ Microsoft, các nước Đông Nam Á cần phải cắt giảm lượng carbon dioxide ít nhất 45% cho tới năm 2030. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Đông Nam Á vẫn đang ở mức phát thải 3 triệu tấn carbon dioxide từ khoảng 647 triệu xe ô tô trên đường mỗi năm. Điều đó khiến cho việc thực hiện mục tiêu cho tới năm 2030 vẫn đang bị bỏ xa. Thêm vào đó, chiến lược đầu tư để giảm phát thải khí carbon của một số nước chưa đạt được hiệu quả. Hiện nay, mức đầu tư đang ít hơn 20 triệu USD so với tiêu chuẩn là tương đương từ 1 đến 3 nghìn tỷ USD để thực hiện giảm phát thải khí carbon. Báo cáo của Bain & Company và Temasek cho rằng mức đầu tư cần phải được nâng lên gấp 15-20 lần cho tới năm 2030.

Bên cạnh đó, một thách thức lớn đối với một số nước Đông Nam Á trong việc đối phó với biến đổi khí hậu là quá trình đô thị hóa nhanh tại các vùng ven biển dẫn tới việc bảo vệ môi trường khó khăn.

Đề xuất tạm dừng điện than để đạt phát thải ròng bằng “0”

Trong khuôn khổ Hội nghị COP27 đang diễn ra tại Ai Cập, Tổ chức Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á đã tổ chức buổi thảo luận bàn tròn về nỗ lực đóng cửa các nhà máy điện than tại khu vực Đông Nam Á. Theo đó, mục tiêu nhằm thảo luận sâu về việc dừng các nhà máy điện than để đạt phát thải ròng bằng “0” ở khu vực vào giữa thế kỷ; các thách thức của các quốc gia Đông Nam Á nhằm hướng tới một tương lai ít phục thuộc và điện than hơn.

Chia sẻ về nỗ lực của Indonesia tại buổi thảo luận, Cục trưởng Cục Điện lực, Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Pramudyacho biết, gần đây, Tổng thống Indonesia đã thông qua chính sách hướng dẫn đóng cửa các nhà máy điện than sớm và giá năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, quốc gia này đã nộp NDC cập nhật, tăng mục tiêu giảm phát thải khí CO2 từ 29% lên 31,89% bằng nỗ lực quốc gia; trường hợp khi có hỗ trợ quốc tế, mức giảm phát thải tăng từ 41% lên 43,2% vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2060. Tại Indonesia, dự kiến phát thải từ nhà máy điện bằng “0” trước năm 2060. Điều kiện để các nhà máy điện than đóng cửa sớm là khi có mạng lưới điện thay thế, việc chuyển đổi năng lượng đảm bảo công bằng, chi phí năng lượng trong phạm vị người dân có thể chi trả được và có cam kết hỗ trợ tài chính quốc tế (chi phí để chuyển đổi công bằng, thay thế năng lượng, đóng cửa sớm nhà máy).

Việt Nam là nước cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và cần chuyển đổi năng lượng. Đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á nhưng có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi lớn, với tiềm năng phát triển điện gió có thể nâng lên 600 GW.

Hiện nay, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 với mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Đồng thời, Việt Nam đã đệ trình NDC cập nhật năm 2022, tổng lượng phát thải giảm 43,5% so với BAU năm 2030 (đóng góp có điều kiện). Cũng như Inddonesia, Việt Nam đang đàm phán với các quốc gia G7 về Tuyên bố chính trị Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), và hy vọng cuối năm sẽ hoàn thành.

Để thực hiện được JETP, Việt Nam gặp phải một số thách thức. Trước tiên là thiếu các công nghệ để chuyển đổi năng lượng, cần hợp tác với các nước khác sản xuất hydrogen, phát triển công nghệ lưu trữ khí thải CO2 (CCUS). Trên cơ sở đó, để đẩy nhanh quá trình phát thải ròng bằng “0”, Việt Nam có nhu cầu nguồn lực lớn và cần hỗ trợ từ các đối tác, đặc biệt là tài chính để giải quyết vấn đề các dự án nhà máy điện than chưa hết vòng đời. Một nhà máy cần 30 - 40 năm vận hành. Trong bối cảnh tăng dần điện gió, điện mặt trời, cách thức đền bù đối với các nhà máy điện than mới xây dựng và vận hành mà phải đóng cửa sớm như thế nào. Bên cạnh đó, cần tập trung vào phần “công bằng” trong JETP, cần chuyển đổi nghề cho các công nhân đang làm trong ngành khai thác than.

Ông Abhishek Bbhaskar, Trưởng nhóm Chương trình Quỹ đầu tư khí hậu (CIF-ACT) chia sẻ kinh nghiệm làm sao để huy động nguồn lực tài chính cho các quốc gia thực hiện chuyển đổi năng lượng. Các quốc gia cần xây dựng những kế hoạch với mục tiêu cao nhất về giảm phát thải, như Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), quy hoạch điện; đưa các ưu tiên thành cần ưu tiên chiến lược. Việc thực hiện cần có chiến lược tổng thể và đóng góp từ phía đối tác phát triển. Việc nâng rộng quy mô triển khai cần có lộ trình cụ thể.

Tại buổi thảo luận, đại diện các bên cũng chia sẻ thách thức và cơ hội của các quốc gia Đông Nam Á trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi than để đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng “0”; cách thức tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa những nền kinh tế có nhiều điểm tương đồng, nhằm đẩy nhanh quá trình giảm phát thải và nâng cao vị thế của khu vực.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năm 2020, 40% lượng khí thải của Đông Nam Á đến từ hoạt động sản xuất điện, tiếp theo là từ lĩnh vực công nghiệp (29%) và giao thông đường bộ (18%). Các đơn vị đi đầu trong ngành điện giữ vai trò tiên phong trong hành trình giảm phát thải carbon. Tất cả các công nghệ cần thiết cho giảm phát thải carbon hiện nay đều đã được thương mại hóa và Đông Nam Á là khu vực được hưởng lợi từ sự đa dạng các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, năng lượng sinh học và địa nhiệt.

Do đó, theo dự báo của IEA, để đạt được tỉ trọng 85% năng lượng tái tạo vào năm 2050 theo Thỏa thuận Paris, khu vực Đông Nam Á phải triển khai xây dựng các nhà máy điện từ năng lượng tái tạo với tổng công suất 1.100 GW trong 30 năm tới – tương đương với tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo của Trung Quốc và Ấn Độ hiện tại cộng lại. 

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Đông Nam Á nỗ lực hành động đạt giảm phát thải ròng bằng 0. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới