Giải pháp nào để sống hài hòa với thiên nhiên?
Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến: "Nguy cơ tác động của các hoạt động phát triển đến thiên nhiên và môi trường Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, chiều 16/11, Tiến sỹ Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn cho biết, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm và suy thoái đa dạng sinh học với tốc độ rất nhanh.
Ngoài các nguyên nhân do tự nhiên thì nguyên nhân do các hoạt động của con người đã gây tác động lớn đến việc tàn phá thiên nhiên.
Trong quá trình phát triển, thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, hàng loạt diện tích rừng và lớp phủ tự nhiên đã bị xâm chiếm khiến cho môi trường bị xâm hại, mất chức năng bảo vệ trước các hiện tượng thiên tai và thời tiết cực đoan.
Do đó, hội thảo này chính là một trong những hoạt động thiết thực, cụ thể, phù hợp với chuyên môn, khả năng nghiên cứu của các nhà khoa học; Đồng thời gợi mở, đề xuất những ý tưởng, giải pháp góp phần xây dựng các chương trình cụ thể đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Đánh giá về suy thoái môi trường, hệ sinh thái toàn cầu và thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc, Tiến sỹ Nguyễn Đình Đáp, Viện Địa lý nhân văn cho hay, hiện nay các nước đang cùng nhau xây dựng Khung Chiến lược toàn cầu về đa dạng sinh học với mục tiêu đến năm 2050 con người sống hài hòa với thiên nhiên; Đa dạng sinh học được coi trọng, bảo tồn, phục hồi và sử dụng một cách khôn ngoan.
Để ứng phó với suy thoái môi trường, hệ sinh thái toàn cầu và thập kỉ phục hồi hệ sinh thái, thời gian tới, Việt Nam cần khuyến khích và nâng cao năng lực, trách nhiệm về môi trường và thiên nhiên; Thực hiện các hành động có tính ngăn chặn, phòng ngừa trong các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp để tránh, giảm thiểu và khắc phục sự suy thoái của thiên nhiên...
Đề xuất giải pháp phục hồi hệ sinh thái và đa dạng sinh học Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Giáo sư, TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, để thực hiện hiệu quả phục hồi hệ sinh thái và đa dạng sinh học thì giải pháp "Dựa vào thiên nhiên trong phát triển kinh tế - xã hội” trên nguyên tắc thuận thiên với thiên nhiên là rất cần thiết.
Theo đó, sống hài hòa với thiên nhiên trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; Mở rộng việc thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên, các hành lang xanh - hành lang đa dạng sinh học; Tăng cường đầu tư các nguồn lực về tài chính, chính sách, khoa học - công nghệ, kể cả thu hút sự tham gia của cộng đồng bản địa trên phương châm xuyên suốt vì hạnh phúc - bình an của con người.
“Thời gian tới, Việt Nam cần đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý, kỹ thuật chuyên sâu về kỹ năng phục hồi các hệ sinh thái nghèo kiệt trên cạn, vùng biển cũng là giải pháp quan trọng trong công tác phục hồi, làm giàu hệ sinh thái theo như Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã đề cập”, Giáo sư, TSKH Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp phục hồi hệ sinh thái và Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học của Việt Nam; Tổ chức bảo vệ cây xanh cổ thụ trên mọi vùng, miền của đất nước; Chống đỡ giảm thiểu các tác hại do biến đổi khí hậu kể cả ngăn ngừa dịch bệnh.
Một đặc điểm nổi bật trong nguồn tài nguyên về đa dạng sinh học ở Việt Nam là tính đặc hữu về loài, đồng thời cũng là về nguồn gen quý hiếm. Thống kê từ cơ sở dữ liệu các nhóm động, thực vật cho thấy, Việt Nam có ít nhất 467 loài động vật đặc hữu, cao hơn nhiều so với các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan. Bên cạnh đó, Việt Nam có đến 25 giống thực vật có mạch đặc hữu, trong khi con số này ở Lào là 3 và Campuchia là 1.
Rõ ràng nguồn gen thực vật đặc hữu này là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá mà Việt Nam có được. Tính đặc hữu ở Việt Nam trong khu hệ động vật đã ngày một gia tăng khi số lượng nghiên cứu về côn trùng được mở rộng ra các nhóm đối tượng khác như Chuồn chuồn (Bộ Odonata), Bọ cánh cứng (Bộ Coleoptera), Bọ ngựa (Bộ bọ ngựa Mantodea), Bọ que (Bộ Phasmatodea).
Một số phát hiện điển hình đã gia tăng tính đặc hữu về động vật ở Việt Nam như phát hiện các giống và loài côn trùng mới cho Việt Nam. Những nghiên cứu trên đã thêm khẳng định tính độc đáo về đa dạng sinh học của Việt Nam và giá trị to lớn trong sự đa dạng về nguồn gen sinh vật.
Nguyễn Linh (T/h)