Giải quyết bất cập về sử dụng biển để cân bằng phát triển và sinh thái
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ giải quyết các bất cập về sử dụng biển để cân bằng các nhu cầu phát triển, đảm bảo quốc phòng, an ninh...
Tại cuộc họp trực tuyến triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, diễn ra ngày 4/3, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng đây là hai quy hoạch có nhiều yếu tố mới lần đầu tiên được thực hiện, do đó cần sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương.
Thông tin về thêm về hai quy hoạch trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cho biết quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ là quy hoạch đa ngành.
Hai quy hoạch được lập theo cách tiếp cận tổng hợp và dựa vào hệ sinh thái; phân bổ, sắp xếp không gian biển hợp lý cho các ngành, lĩnh vực cũng như thiết lập phương án sử dụng không gian biển, giải quyết các bất cập về sử dụng biển để cân bằng các nhu cầu phát triển, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nhu cầu bảo vệ các hệ sinh thái biển.
Cụ thể, quy hoạch không gian biển quốc gia có mục tiêu là bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo trên cơ sở kết hợp hài hòa các lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và quốc phòng-an ninh trên các vùng đất ven biển, vùng trời, vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
Cùng với đó, quy hoạch sẽ làm căn cứ, cơ sở pháp lý để của các bộ, ngành và địa phương có biển xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến việc khai thác, sử dụng không gian biển; giảm thiểu các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng không gian biển; góp phần bảo vệ, bảo tồn được các tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái, các giá trị tự nhiên-văn hóa-lịch sử và chất lượng môi trường trên các vùng biển và hải đảo của Việt Nam.
Phạm vi quy hoạch, về không gian bao gồm vùng đất ven biển, vùng trời, vùng biển và các hải đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Về phạm vi thời gian, quy hoạch không gian biển quốc gia được lập đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện đối với mỗi kỳ quy hoạch là 5 năm.
Về nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ có mục tiêu là khai thác, sử dụng hiệu quả các tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng-an ninh. Cụ thể là bảo vệ, duy trì và phục hồi các hệ sinh thái, các loài sinh vật đặc hữu, các tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa, lịch sử trên các vùng đất ven biển, vùng nước biển ven bờ và hải đảo thuộc vùng bờ.
Đặc biệt, quy hoạch này hướng tới mục tiêu giảm thiểu các mâu thuẫn giữa các ngành và giữa các địa phương có biển trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ, bảo vệ môi trường và các yêu cầu về quốc phòng; hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo theo cách tiếp cận tổng hợp.
Phạm vị lập quy hoạch gồm vùng nước biển ven bờ có ranh giới phía ngoài cách bờ biển khoảng 6 hải lý và vùng đất ven biển là các xã, phường, thị trấn giáp biển thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính toàn vẹn của các hệ sinh thái, sinh cảnh quan trọng và quan tâm đầy đủ đến sự tương tác mạnh giữa đất liền và biển, phạm vi không gian vùng bờ ở một số khu vực có thể được mở rộng hơn cả về đất liền và phía biển.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ lập các quy hoạch không gian biển và khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.
Theo ông Ngân, hai quy hoạch trên có nhiều yếu tố mới lần đầu tiên được thực hiện, do đó cần sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương. Do vậy, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cần lưu ý trong việc lựa chọn các đơn vị tư vấn và tham khảo ý kiến các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học về các quy hoạch.
Trước đó, tại cuộc họp về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định quản lý hoạt động lấn biển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cũng khẳng định Nghị định quản lý hoạt động lấn biển là một cơ chế, một hành lang pháp lý rất rõ ràng, cần thiết để khẳng định cơ sở pháp lý, quy trình, trình tự thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động lấn biển, phát triển kinh tế.
Thống nhất ý kiến trên, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt Nghị định quy định về lấn biển vì đây là một yêu cầu cấp bách để giải quyết vấn đề thực tiễn đã đặt ra từ rất lâu trong quản lý, kiểm soát các hoạt động lấn biển phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước.
Trên cơ sở đó, ông Hà đề nghị Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cần hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Tư Pháp, Chính phủ trong thời gian sớm nhất; nhanh chóng hành thành lập Ban biên tập, Tổ soạn thảo văn bản, triển khai phần nội dung Nghị định.
Người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường cũng đề nghị Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cần khẳng định vai trò hơn nữa đối với thẩm quyền kiểm tra, xem xét trách nhiệm xử lý, xử phạt hành chính theo quy định pháp luật, tổ chức chuyên gia rà soát, đánh giá, xác định lại các vấn đề pháp lý và kỹ thuật trong việc xác định đường triều kiệt cũng như tham gia đoàn thanh tra do Thanh tra Bộ chủ trì về kiểm tra, thanh tra liên ngành đối với các hoạt động lấn biển trái quy định.
Vũ Võ