Chủ nhật, 24/11/2024 06:57 (GMT+7)
Thứ năm, 06/08/2020 06:00 (GMT+7)

Giảm trừ hiệu ứng nhà kính để bảo vệ Trái đất

Theo dõi KTMT trên

Hiệu ứng nhà kính sẽ làm Trái đất nóng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của động, thực vật và con người trên khắp hành tinh. Việc dùng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên... trong sản xuất và sinh hoạt sẽ góp phần giảm trừ hiệu ứng nhà kính.

Nồng độ khí nhà kính gia tăng kỷ lục

Dữ liệu mới nhất cho thấy, nồng độ CO2 trong khí quyển toàn cầu đã tăng lên 30% kể từ khi con người bắt đầu đo đạc, ghi chép dữ liệu về CO2 kể từ năm 1958. Phép đo đầu tiên ghi nhận nồng độ CO2 vào năm 1958 là 315 ppm. Nồng độ CO2 vượt quá 400 ppm lần đầu tiên năm 2013. Trước năm 1800, nồng độ CO2 trung bình trong khí quyển khoảng 280 ppm. Điều này thể hiện ảnh hưởng của khí thải nhân tạo kể từ cuộc cách mạng công nghiệp.

Giảm trừ hiệu ứng nhà kính để bảo vệ Trái đất - Ảnh 1
Nồng độ khí nhà kính C02 trong khí quyển Trái Đất ngày càng gia tăng. (Ảnh minh họa)

Nồng độ khí nhà kính CO2 cao là một trong những nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính khiến không khí Trái Đất nóng lên, đồng thời làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu.

Năm 2013, Đài quan sát Mauna Loa lần đầu tiên ghi nhận nồng độ CO2 trong khí quyển Trái Đất vượt ngưỡng 400 ppm. Kể từ đó, nồng độ CO2 thường xuyên trên mức 400 ppm.

Ngoài CO2, còn có metan, ozone, các halogen và hơi nước cũng góp phần gây hiệu ứng nhà kính. Cùng với sự phát triển dân số và công nghiệp với tốc độ cao, CO2 thải vào khí quyển cũng tăng theo. Các khu rừng bị chặt phá quá mức khiến khí CO2 không được hấp thu, lượng CO2 ngày càng tăng do vậy hiệu ứng nhà kính cũng tăng theo không ngừng.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình trên toàn cầu giai đoạn 2015-2019 có xu hướng cao kỷ lục so với bất kỳ giai đoạn 5 năm nào trước đây với mức nhiệt độ cao hơn 1,1 độ C so với nền nhiệt giai đoạn 1850-1900 thời kỳ tiền công nghiệp và cao hơn 0,2 độ C so với giai đoạn 2011-2015.

Như vậy, 4 năm qua là thời kỳ nắng nóng nhất trên thế giới kể từ khi các chuyên gia bắt đầu ghi nhận kỷ lục về nhiệt độ năm 1850.

Hiệu ứng nhà kính và những hậu quả khó lường

Việc tăng nồng độ các khí nhà kính do con người gây ra sẽ làm tăng nhiệt độ trên toàn cầu, và như vậy sẽ làm thay đổi khí hậu trong các thập kỷ và thập niên kế đến.

Hậu quả của hiệu ứng nhà kính rất nghiêm trọng. Khí nhà kính gia tăng sẽ làm cho hệ sinh thái biến đổi lớn, sa mạc ngày càng mở rộng, đất đai bị xói mòn, hạn hán rất nặng, lượng mưa tăng thêm 7-11%, mùa đông càng ẩm, mùa hè càng khô...

Giảm trừ hiệu ứng nhà kính để bảo vệ Trái đất - Ảnh 2
Hệ sinh thái ngày càng biến đổi do hiệu ứng nhà kính. (Ảnh minh họa)

Chất lượng và số lượng của nước uống, nước tưới tiêu, nước cho kỹ nghệ... và sức khỏe của các loài thủy sản có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự thay đổi của các trận mưa rào và bởi sự tăng khí bốc hơi. Mưa tăng có thể gây lụt lội thường xuyên hơn. Khí hậu thay đổi có thể làm đầy các lòng chảo nối với sông ngòi trên thế giới.

Xa hơn nữa, nếu nhiệt độ Trái đất tăng cao thì có thể làm tan nhanh băng tuyết ở Bắc Cực và Nam Cực, do đó mực nước biển sẽ tăng quá cao, có thể dẫn đến nạn hồng thủy.

Giảm trừ hiệu ứng nhà kính để bảo vệ Trái đất - Ảnh 3
Hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân chính khiến băng tan nhanh. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, nhiều loại bệnh tật mới đối với con người xuất hiện, các loại dịch bệnh lan tràn, sức khoẻ của con người bị suy giảm. Số người chết vì nắng nóng có thể tăng do nhiệt độ cao trong những chu kì dài hơn trước. Sự thay đổi lượng mưa và nhiệt độ có thể đẩy mạnh các bệnh truyền nhiễm...

Nỗ lực cắt giảm khí nhà kính của các quốc gia trên thế giới

Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết, hiện nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) đang thải ra tới 80% khí gây hiệu ứng nhà kính. Hiện Trung Quốc đang là nước phát thải nhiều nhất khí gây hiệu ứng nhà kính, tiếp theo sau là Mỹ, Ấn Độ và các nước châu Âu.

Giảm trừ hiệu ứng nhà kính để bảo vệ Trái đất - Ảnh 4
Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí giảm 30% lượng khí thải CO2 từ xe tải và xe buýt mới trước hạn chót năm 2030. (Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh loài người đang ngày càng xả một lượng khí gây hiệu ứng nhà kính vào khí quyển cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử, ngày 23/9/2019, Liên hợp quốc thông báo 66 quốc gia đã cam kết giảm lượng khí thải carbon về bằng 0 vào năm 2050, một mục tiêu then chốt nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu trong dài hạn.

Cụ thể, trong một tuyên bố, Văn phòng Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antoniuo Guterres cho biết 66 chính phủ, cùng với 10 khu vực, 102 thành phố, 93 doanh nghiệp và 12 nhà đầu tư đã cam kết giảm lượng khí thải CO2 về bằng 0 vào năm 2050.

Giảm trừ hiệu ứng nhà kính để bảo vệ Trái đất - Ảnh 5
Seoul (Hàn Quốc) đặt mục tiêu cắt giảm khí nhà kính 40% vào năm 2030, giảm 70% vào năm 2040 và đến năm 2050 khí phát thải bằng 0. (Ảnh minh họa)

Liên Hợp Quốc ước tính thế giới cần nỗ lực gấp 5 lần để hạn chế nhiệt độ Trái Đất ấm lên ở mức dưới 2 độ C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ đã khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng phát khí thải nhà kính nhanh nhất. Lượng CO2 phát thải trên đầu người của Việt Nam cao hơn các nước Đông Nam Á khác và thấp hơn Trung Quốc, Nhật Bản.

Mới đây, Bộ Xây dựng vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu giai đoạn 2020-2030, trong đó đề ra 4 nhóm nhiệm vụ quan trọng để phát triển các hoạt động của ngành xây dựng theo hướng giảm phát thải khí nhà kính.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, mục tiêu của kế hoạch là thực hiện giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đối với các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển các công trình xây dựng, đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với quốc tế.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Giảm trừ hiệu ứng nhà kính để bảo vệ Trái đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới