Hơn 70% quần thể cá mập và cá đuối đã bị 'xóa sổ' trong 50 năm qua
Đại dương đang trong tình trạng báo động mất cân bằng sinh thái do hơn 70% quần thể cá mập và cá đuối đã bị đánh bắt tận diệt trong nửa thế kỷ qua.
Đánh bắt quá mức đã "xóa sổ" hơn 70% quần thể cá mập và cá đuối trong 50 năm qua, để lại một "khoảng trống" lớn ở đại dương.
Đây là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Nature.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện sự sụt giảm đáng báo động của các loài khác nhau, từ cá mập đầu búa đến cá đuối.
Trong số những loài bị ảnh hưởng nặng nề nhất là cá mập trắng đại dương - một loài cá mập đặc biệt nguy hiểm đối với con người.
Do hoạt động của con người mà loài cá mập này đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng.
Nhiều người quan niệm vây cá mập rất tốt và bổ, vì vậy, những con cá mập trắng đại dương bị đánh bắt một cách bừa bãi.
Thống kê cho thấy trong 60 năm qua, loài cá này đã giảm tới 98%.
Những loài cá mập đang ở trong tình trạng nguy cấp, giảm tới hơn 80%, gồm cá mập trắng, cá mập đầu búa lớn..
Các nhà nghiên cứu lý giải cá mập và cá đuối đặc biệt dễ tổn thương do chúng sinh sản chậm.
Theo ông Nick Dulvy, tác giả chính của nghiên cứu và là giáo sư tại Đại học Simon Fraser (SFU), sự suy giảm của cá mập là nghiêm trọng nhất so với hầu hết các loài động vật có vú trên cạn.
Để đưa ra được kết luận trên, giáo sư Dulvy và đội ngũ các nhà khoa học đã dành nhiều năm để thu thập và phân tích thông tin từ các nghiên cứu khoa học và dữ liệu ngư nghiệp nhằm xây dựng bức tranh tổng thể trên toàn cầu về 31 loài cá mập và cá đuối.
Các nhà khoa học đã nhận thấy 3/4 số loài cá mập đã suy giảm về số lượng và đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Đáng chú ý đây là loại động vật được cho là có môi trường sống xa nhất trên Trái Đất, ngoài phạm vi ảnh hưởng của con người.
Điều này cho thấy tình trạng mất cân bằng sinh thái ở đại dương đang ở mức báo động.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho biết số lượng các loài này sẽ gia tăng trở lại nếu con người nỗ lực bảo tồn chúng.
Ngọc Hà