Chủ nhật, 24/11/2024 04:56 (GMT+7)
Thứ ba, 19/01/2021 15:28 (GMT+7)

Kết thúc đợt rét, Thủ đô Hà Nội lại 'chìm' trong ô nhiễm không khí

Theo dõi KTMT trên

Sáng nay (19/1), không khí lạnh đã suy yếu giúp thời tiết Bắc Bộ ấm lên, tuy nhiên chất lượng không khí tại Hà Nội lại suy giảm, chỉ số AQI tăng vọt.

AQI đồng loạt tăng vọt

Sáng 19/1, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bộ phận không khí lạnh đang suy yếu dần. Trạng thái thời tiết chủ đạo những ngày tới ở Bắc Bộ và Trung Bộ là rét đậm về đêm và sáng sớm, ban ngày có nắng ấm.

Tại Hà Nội, khu vực bắt đầu xuất hiện nắng hanh từ sáng sớm, trời quang mây nhưng không khí mờ đục. Không khí chứa bụi bẩn kết hợp với sương mù bủa vây cả thành phố khiến tầm nhìn giảm, nhiệt độ cao nhất 19-21 độ C.

Lúc 9h, ứng dụng quan trắc Airvisual cảnh báo AQI trung bình tại Hà Nội là 182 đơn vị, ngưỡng có hại.

Kết thúc đợt rét, Thủ đô Hà Nội lại 'chìm' trong ô nhiễm không khí - Ảnh 1
Sáng nay (19/1), chất lượng không khí tại Hà Nội lại suy giảm, chỉ số AQI tăng vọt.

Trong khi đó, ứng dụng PamAir đánh giá chất lượng không khí ở Hà Nội ở mức xấu. Lúc 8h, AQI ở các điểm đồng loạt cảnh báo "đỏ" và "tím" với chỉ số dao động 180-250 đơn vị, ở tất cả quận, huyện của thành phố.

Các quận nội thành như Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm tiếp tục nằm trong danh sách những nơi có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất Hà Nội khi AQI có lúc vượt trên 200 đơn vị.

Đáng lưu ý, điểm quan trắc tại Ngọc Thụy (Long Biên) cho thấy mức độ ô nhiễm báo động ở ngưỡng nguy hại với hơn 400 đơn vị. So với hai ngày trước đó, chỉ số ô nhiễm không khí tăng vọt bất thường ở tất cả điểm.

Bất thường do nghịch nhiệt

Nhận định về nguyên nhân ô nhiễm không khí với Zing, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, cho rằng mức độ ô nhiễm trở nên nghiêm trọng ở Hà Nội do tác động của hiện tượng nghịch nhiệt.

Thời tiết trong ngày tương đối lặng gió, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch lớn, các chất bụi bẩn có trong không khí khó khuếch tán lên cao nên người dân dễ dàng cảm thấy không khí rất nặng nề, đặc biệt vào ban đêm hoặc sáng sớm.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết mật độ chất gây ô nhiễm và hiện tượng nghịch nhiệt có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Thông thường, trước và sau khi khu vực đón không khí lạnh, trạng thái sương mù sẽ xuất hiện nhiều hơn do nhiệt độ ở lớp khí quyển đã tăng nhưng bề mặt còn khá lạnh gây ra hiện tượng nghịch nhiệt. Điều này khiến các phần tử khí khó khuếch tán lên cao, bụi bẩn chỉ tồn tại được ở lớp bề mặt gây ra ô nhiễm.

Khi không khí lạnh tràn về xóa tan lớp nghịch nhiệt này, trời sẽ quang trở lại, bụi bẩn được khuếch tán và từ đó, ô nhiễm không khí sẽ giảm.

Dù vậy, các chuyên gia cũng nhận định thời tiết là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng không khí nhưng không phải nguyên nhân trực tiếp gây ra ô nhiễm. Tác nhân của ô nhiễm không khí vẫn đến từ các nguồn phát thải như hoạt động giao thông, xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả. 

Đẩy mạnh các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm không khí

Nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình, nhiệm vụ về quản lý chất lượng không khí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, từ nay đến giữa năm 2021, cần thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng thuộc phạm vi quản lý, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tạm đình chỉ, đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Tập trung rà soát, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, chất lượng không khí xung quanh tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, hoàn thành trong quý IV năm 2021.

Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường; tổ chức triển khai thực hiện lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải phương tiện giao thông vận tải; kịp thời hướng dẫn và theo dõi chặt chẽ việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nhất là các giải pháp hiệu quả đảm bảo ngăn ngừa, hạn chế, giảm thiểu bụi, khí thải trong hoạt động xây dựng công trình giao thông.

Tuyên truyền, vận động, có chính sách hỗ trợ các hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ hạn chế, tiến tới không sử dụng than, than tổ ong gây ô nhiễm môi trường trong sinh hoạt ngay từ đầu năm 2021. Hướng dẫn các hộ dân sử dụng hiệu quả rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thay cho việc đốt; xử lý nghiêm các trường hợp đốt chất thải không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện quy hoạch đô thị bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn, chú trọng quy hoạch cây xanh, mặt nước trong đô thị.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng ô nhiễm không khí bên ngoài và ô nhiễm không khí là “thủ phạm” gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu.

Theo WHO, 6 chất chính gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người bao gồm: Oxit nitơ (NOx), Oxit lưu huỳnh (SOx), Carbon monoxit (CO), Chì, Ozon tầng mặt đất, Các hạt vật chất khí quyển lơ lửng. Chất gây ô nhiễm có thể có nguồn gốc tự nhiên hoặc do con người tạo ra. Chất gây ô nhiễm được phân loại sơ cấp và thứ cấp. Các chất gây ô nhiễm sơ cấp thường được phát thải từ các quá trình như tro từ phun trào núi lửa, hay hoạt động sản xuất.

Trong số đó, các hạt bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2,5 micron (PM 2.5) đáng được bận tâm nhất, vì chúng có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, làm gia tăng nguy cơ nhiễm các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, gồm nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính, đột quỵ, đau tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Kết thúc đợt rét, Thủ đô Hà Nội lại 'chìm' trong ô nhiễm không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới