Kiểm toán Nhà nước ‘vào cuộc’ rà soát loạt dự án năng lượng tái tạo
Theo Báo cáo về lĩnh vực kiểm toán chuyên đề năm 2022, Kiểm toán Nhà nước dự kiến lựa chọn 25 cuộc kiểm toán chuyên đề, trong đó sẽ kiểm toán đối với phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, quy hoạch phát triển điện lực...
Lĩnh vực năng lượng tái tạo bị “gọi tên”
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị cung cấp các thông tin để làm việc với Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
Theo đề nghị của KTNN, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương phối hợp cung cấp thông tin về danh mục các dự án năng lượng tái tạo từ năm 2015 đến tháng 3/2021, gồm điện gió, điện mặt trời, điện rác, điện sinh khối, thủy điện vừa và nhỏ.
Trước đó, ngày 8/3, KTNN đã có văn bản số 277 quyết định triển khai kiểm toán chuyên đề đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Báo cáo về lĩnh vực kiểm toán chuyên đề năm 2022, KTNN cho biết dự kiến lựa chọn 25 cuộc kiểm toán chuyên đề, bao gồm 4 cuộc kiểm toán chuyên đề phạm vi rộng.
Trong đó, sẽ kiểm toán đối với phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, quy hoạch phát triển điện lực; cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo; nước sạch và vệ sinh nông thôn; phát triển đô thị và quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế…
Trước đó, vào tháng 10/2021, báo cáo về kết quả kiểm toán năm 2021 gửi tới Quốc hội, KTNN đã nêu rõ việc Bộ Công Thương và 3 tỉnh (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum) thực hiện lập, ban hành quy hoạch và quản lý, vận hành các dự án thủy điện trên lưu vực sông Mê Kông chưa chặt chẽ, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường, đời sống người dân vùng hạ du và ảnh hưởng đến việc vận hành của các thủy điện khác.
Cũng theo KTNN, quy hoạch không mang tính tổng thể, đồng bộ, không xem xét lập quy hoạch cho cả giai đoạn mà bổ sung quy hoạch riêng lẻ nhiều lần theo đề xuất của UBND tỉnh và nhà đầu tư; việc giao đất cho các dự án thủy điện, trồng rừng thay thế chưa được giám sát; công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ môi trường không xem xét đầy đủ, toàn diện các tác động của dự án tới môi trường; việc giám sát các thủy điện chưa chặt chẽ, còn nhiều bất cập…
Đến hết năm 2020, tổng công suất điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà là 16.500MW. Trong đó, nguồn điện mặt trời nối lưới đã đưa vào vận hành lên tới gần 9.000MW (riêng tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hơn 3.500MW); gần 8.000MW điện mặt trời mái nhà đã được vận hành đến hết năm 2020. Trước đó, đến năm 2019 công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà toàn quốc chỉ là 272MW.
Các dự án điện gió đã vận hành trên toàn quốc đến nay là khoảng hơn 4.000MW. Tuy nhiên, con số đã bổ sung quy hoạch và đang nghiên cứu đầu tư lớn hơn nhiều.
Hiện Thanh tra Chính phủ cũng đang thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII) và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII điều chỉnh).
Trong quá trình này, Bộ Công Thương cũng thực hiện rà soát ngẫu nhiên tại 10 địa phương có nhiều dự án năng lượng tái tạo và phát hiện nhiều vi phạm. Bộ này ngay sau đó đã thành lập 3 đoàn kiểm tra để rà soát, giám sát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà.
Phát triển ồ ạt để lại nhiều hệ lụy
Từ năm 2020 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Bộ Công Thương rà soát lại các dự án điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện mặt trời áp mái, điện gió).
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, khi xây dựng Đề án Quy hoạch điện VIII (giai đoạn 2021-2030, có tính tới năm 2045), tại Quyết định 428/QĐ-TTg về Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện 7 điều chỉnh) ký ngày 18/3/2016, có 98 dự án với tổng công suất 57.535 MW được ghi danh. Nhưng hết năm 2020, đã có thêm 384 dự án hoàn toàn mới với tổng công suất 51.552 MW được bổ sung vào quy hoạch điện. Trong số 384 dự án được bổ sung mới này có 190 dự án điện gió với tổng công suất 11.860 MW và 175 dự án điện mặt trời với tổng công suất 15.450 MW.
Bên cạnh đó, còn có 105.000 hệ thống điện mặt trời áp mái nhà đã đưa vào vận hành với tổng công suất 7.755 MW và được hưởng giá mua điện theo các Quyết định 11/2017 và Quyết định 13/2020 nhưng không được đưa vào kế hoạch trong Quy hoạch điện hiện hành.
Cũng từ năm 2019 đến nay, với các chủ trương khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ thông qua cơ chế giá, nhiều địa phương đã thu hút được hàng ngàn dự án điện tăng thu ngân sách nhưng cũng đã xuất hiện nhiều hệ lụy mới. Trong đó, việc phát triển ồ ạt, phá vỡ quy hoạch điện đã gây ra quá tải nghiêm trọng cho hệ thống truyền tải điện. Dẫn đến việc nhiều nhà máy điện mặt trời phải cắt giảm công suất phát, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Việc ồ ạt phát triển điện mặt trời, trong đó có phát triển các dự án điện mặt trời công suất lớn ở những nơi có nhu cầu thấp, hệ thống truyền tải điện không đảm bảo khiến ngành điện phải cắt giảm công suất. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn điện mà còn khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh lao đao, bức xúc.
Gần đây nhất, Bộ Công Thương cũng có kết luận về rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà. Kết luận nêu rõ, 10 tỉnh, thành phố được kiểm tra chưa quản lý, theo dõi, kiểm tra kịp thời hoạt động liên quan đến điện mặt trời tại địa phương theo thẩm quyền; để xảy ra vấn đề như: Số hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái của công trình, dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế, đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 nhưng tại thời điểm kiểm tra chưa có giấy phép xây dựng, văn bản nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Bên cạnh đó, nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà của trang trại nông nghiệp (chăn nuôi hoặc trồng trọt…), đã đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 nhưng hồ sơ, thủ tục liên quan đất đai của các trang trại nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định…
Có thể thấy, sự phát triển quá nhanh các dự án điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, trong đó có những công trình phát điện rất lớn, nhưng “núp bóng” và lợi dụng danh nghĩa... làm điện mặt trờiMN. Việc phát triển mất kiểm soát này khiến công suất tăng thêm quá lớn, dẫn đến cắt giảm công suất các nhà máy điện đang vận hành. Đồng thời gây thất thoát lớn cho các nhà máy điện của nhà nước, cũng như thiệt hại cho các nhà đầu tư tư nhân đã đầu tư một cách đúng luật và bài bản trước đó.
Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, việc ồ ạt đầu tư, bùng nổ năng lượng điện mặt trời thời gian qua cho thấy rất nhiều quy hoạch có giá trị pháp lý cao, như điện VII đã bị phá vỡ.
"Phát triển điện mặt trời đã vượt ra khỏi quy hoạch thiết kế của điện VII và điện VII điều chỉnh khi các dự án điện mặt trời chủ yếu tập trung ở phía Nam Trung Bộ - nơi có nhu cầu tiêu thụ và phụ tải điện không cao, trong khi ở những nơi có nhu cầu phụ tải điện lớn thì lại "vắng bóng" dự án điện mặt trời. Và do không có hệ thống lưu trữ và khả năng truyền tải điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc bị giới hạn, nên tuy có nguồn, nhưng khi cần lại không dùng được và phải cắt điện.
Cũng bởi điện mặt trời chiếm tỉ lệ cao trong hệ thống, với hơn 24% công suất nguồn đặt và có những thời điểm được huy động tới hơn 50% công suất - đã dẫn tới tình trạng phải ngừng, khởi động, thay đổi công suất phát các tổ máy nhiệt điện nhiều lần, gây ảnh hưởng đến tuổi thọ, độ an toàn của các tổ máy, giảm hiệu suất và phát sinh nhiều chi phí vận hành", ông Vũ Đình Ánh nhận định.
Lan Anh