Chủ nhật, 24/11/2024 08:10 (GMT+7)
    Thứ tư, 20/01/2021 17:36 (GMT+7)

    Lợi ích của công trình xanh trong bối cảnh ô nhiễm không khí

    Theo dõi KTMT trên

    Trước thực tế đáng báo động về ảnh hưởng tác động của ngành công nghiệp xây dựng với môi trường sống, cảnh quan và hệ sinh thái nhiều chuyên gia đô thị nhận định, phát triển công trình xanh là một trong những giải pháp bền vững.

    Ô nhiễm không khí khiến Việt Nam thiệt hại 10,82 - 13,63 tỉ USD mỗi năm, theo nghiên cứu của Đại học Kinh tế quốc dân.

    Chỉ tính riêng Hà Nội, ước tính chi phí khám, chữa bệnh về hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm với người dân nội thành là 1.500 đồng/người/ngày. Với khoảng 3,5 triệu dân nội thành, quy đổi tổng thiệt hại kinh tế do mắc các bệnh đường hô hấp khoảng 2.000 tỉ đồng/năm.

    Tác nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường của Hà Nội đã được các cơ quan chuyên môn xác định là khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong; ô nhiễm ao hồ lâu năm; sản xuất công nghiệp; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa… Dưới góc nhìn của chuyên gia kiến trúc, quy hoạch đô thị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển đô thị xanh Việt Nam, PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên cho rằng, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng được cải thiện và xây dựng mới.

    Những công trình kiến trúc hiện đại cao đến vài chục tầng mọc lên bên những đại lộ đã không còn xa lạ. Sự xuất hiện các khu đô thị mới với những chung cư cao tầng tiện nghi, hiện đại đã đem đến một hình ảnh về lối sống mới cho cư dân đô thị.

    Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này đã nảy sinh những thách thức, đó là vấn đề môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm nặng nề. Các hồ, đầm bị san lấp, bị lấn chiếm để lấy đất xây dựng. Công viên, vườn hoa… lá phổi xanh của thành phố bị thu hẹp. Nguồn tài nguyên nước quý giá tưởng như là vô tận đang bị nhiễm bẩn và nguy cơ bị suy giảm...

    Trước thực tế đáng báo động về ảnh hưởng tác động của ngành công nghiệp xây dựng với môi trường sống, cảnh quan và hệ sinh thái nhiều chuyên gia đô thị nhận định, phát triển công trình xanh sẽ là một trong những giải pháp bền vững để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống.

    Lợi ích của công trình xanh trong bối cảnh ô nhiễm không khí - Ảnh 1
    Công trình xanh hướng tới nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nước và không khí. (Ảnh minh họa: Internet)

    Theo ông Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), việc phát triển công trình xanh đã lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới và trở thành xu thế tất yếu trong lĩnh vực xây dựng.

    Hiện nay, thế giới đã có hơn 100.000 công trình xanh với hơn 1 tỉ mét vuông được đánh giá ở mức độ khác nhau cho thấy các chủ đầu tư đã nhận thức rõ lợi ích của công trình xanh trong chiến lược phát triển quốc gia và toàn cầu.

    Tại Việt Nam, dự báo công trình xanh sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Ngày càng có nhiều hơn các chủ đầu tư và người mua nhà hướng tới các tiêu chí “xanh” trong việc phát triển các dự án xây dựng, các công trình nhà ở. Đó là các tiêu chí trong việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong suốt quá trình hoạt động của công trình.

    Thực tế những năm gần đây cho thấy các doanh nghiệp xây dựng đã có nhiều thay đổi trong tầm nhìn và định hướng phát triển, hướng tới cung cấp ra thị trường những công trình có nhiều yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng. Các dự án trình diễn của UNDP về ứng dụng các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong công trình mới và công trình cải tạo cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt được từ 25% đến 67%/công trình, với chi phí gia tăng từ 0% đến 3% tổng mức đầu tư/công trình và thời gian hoàn vốn tối đa là 5 năm.

    Nói đến công trình xanh thì việc sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường là một trong những tiêu chí hết sức quan trọng để thay thế các vật liệu xây dựng truyền thống đang tác động xấu đến môi trường, gây nhiều hệ lụy như mất đất nông nghiệp, gia tăng khí thải, gây ra hiệu ứng nhà kính…

    Số liệu thống kê cho thấy, cứ một tỉ viên gạch nung quy chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất được khai thác ở độ sâu 2 m, tương đương với 75 ha đất nông nghiệp bị mất đi. Như vậy, nếu như trong năm 2020, nhu cầu sử dụng gạch nung của nước ta khoảng 42 tỉ viên thì dự kiến sẽ phải tiêu tốn từ 50-70 triệu m3 đất, tương đương với khoảng 3.000 ha đất nông nghiệp, tiêu thụ khoảng 6 tỉ tấn than nung và thải ra môi trường khoảng 23 tỉ tấn CO2.

    Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, việc thúc đẩy phát triển dòng vật liệu thân thiện với môi trường được thực hiện hiệu quả sẽ góp phần sử dụng khoảng 15 - 20 triệu tấn tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao mỗi năm để sản xuất vật liệu xây dựng không nung. Qua đó, tiết kiệm được 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải, tro, xỉ, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.

    PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh - nhấn mạnh, bản thân công trình xanh hướng tới nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nước và không khí. Theo đó, phát triển công trình xanh là giải pháp bền vững trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường sống.

    Về vấn đề này, ông Trịnh Tùng Bách - Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển, Tập đoàn Capital House - cho hay, công trình xanh ngày càng có ý nghĩa trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

    "Cây xanh đem lại lợi ích lớn, rõ nét nhất là giảm nhiệt. Bên cạnh đó, là thiết kế thông thoáng, tận dụng tài nguyên. Chất lượng không khí không chỉ là bụi mịn, nó còn là độ ẩm, lượng CO2… Phải đủ các yếu tố này thì mới đảm bảo được chất lượng không khí.

    Nhật Hạ

    Bạn đang đọc bài viết Lợi ích của công trình xanh trong bối cảnh ô nhiễm không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới