Chủ nhật, 24/11/2024 06:21 (GMT+7)
Thứ hai, 11/04/2022 07:01 (GMT+7)

Luật Tài nguyên nước: Cơ chế đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia

Theo dõi KTMT trên

Quản lý tài nguyên nước sẽ góp phần khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo “an ninh nguồn nước” cho hiện tại và tương lai.

Quản lý tài nguyên nước hướng đến phát triển bền vững

An ninh nguồn nước là một trong những nội dung quan trọng, liên quan đến phát triển bền vững và ổn định chính trị, chủ quyền quốc gia. 

Theo Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh, hệ thống pháp luật tài nguyên nước hiện hành gồm: Luật 2012 và 63 văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật, trong đó, 12 Nghị định (4 sửa đổi, bổ sung), 16 Quyết định của Thủ tướng và 35 Thông tư. Tại các địa phương, theo số liệu báo cáo 54 tỉnh, đã ban hành 357 văn bản hướng dẫn, thi hành Luật Tài nguyên nước và các quy định của Nghị định.

Qua gần 9 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đây cũng là bước thay đổi lớn và rất kịp thời, nhất là trong bối cảnh nguồn nước đang ngày càng có nguy cơ bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm dưới tác động mạnh mẽ bởi quá trình phát triển kinh tế-xã hội, của các quốc gia thượng nguồn cũng như ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nước dần thực sự được coi nước là tài sản quốc gia và có giá trị rất cao về mặt kinh tế và xã hội.

Luật Tài nguyên nước: Cơ chế đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia - Ảnh 1
Tài nguyên nước dần thực sự được coi nước là tài sản quốc gia và có giá trị rất cao về mặt kinh tế và xã hội. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, 63% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ, chất lượng tài nguyên nước suy giảm đặt ra nhiều thách thức lớn. Nhiều chủ trương mới về quản lý tài nguyên và yêu cầu thực tiễn về bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia.

"Trước nhu cầu lớn về khai thác, sử dụng nguồn nước hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước và một số Luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước cần phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung như: quy định về vật thể chứa nước, quy hoạch tài nguyên nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia…" - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh nhấn mạnh.

Mặt khác, thực tế hiện nay cho thấy, vấn đề bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia chưa được quy định trong Luật, trong khi tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu nhiều thách thức như phụ thuộc lớn vào nước ngoài; phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu; suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; hiệu quả sử dụng nước thấp.…

Do vậy, việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là cần thiết để giải quyết những vướng mắc, bất cập nêu trên, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả việc khai thác, sử dụng bền vững, đảm bảo “an ninh nguồn nước” cho hiện tại và tương lai.

Sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định về tài nguyên nước

Việc quy hoạch nước là chìa khóa để giải quyết những yêu cầu của thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Đồng thời, góp phần khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐCP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước (Nghị định 201).

Phát biểu tại cuộc họp, ông Châu Trần Vĩnh cho biết, theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ TN&MT, Nghị định sẽ trình Bộ trong tháng 10/2022 và trình Chính phủ tháng 11/2022. Vì vậy, để bảo đảm tiến độ xây dựng, ban hành Nghị định, thời gian tới, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ tập trung tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo sau cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập, gửi dự thảo Nghị định, dự thảo Tờ trình để lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, đăng tải dự thảo trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ để lấy ý kiến.

Đồng thời sẽ tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến, hoàn thiện Hồ sơ, gửi Bộ Tư pháp thẩm định; tiếp thu, giải trình ý kiến Bộ Tư pháp và dự kiến hoàn thiện trình Bộ, trình Chính phủ trong tháng 8/2022.

Luật Tài nguyên nước: Cơ chế đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia - Ảnh 2
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh.

“Với sự thay đổi của các cơ chế chính sách về xã hội hóa, về tài chính, chúng tôi hy vọng sẽ huy động được các nguồn lực xã hội “chung tay” bảo vệ tài nguyên nước cả về số lượng và chất lượng, khôi phục được các dòng sông “chết,” bảo đảm công bằng trong khai thác, sử dụng nước của các ngành; nâng cao mức bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái các dòng sông và các giá trị văn hóa gắn liền với nước của nhân dân Việt Nam” - Cục trưởng Châu Trần Vĩnh khẳng định.

Theo kết luận của Thứ trưởng Lê Công Thành, việc xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 201 có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm bảo đảm đồng bộ với các quy định của Chính phủ về cắt giảm điều kiện kinh doanh, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đang triển khai thực hiện, đặc biệt là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các quy định của Luật Tài nguyên nước 2012.

Chính vì vậy, để bảo đảm tiến độ xây dựng, ban hành Nghị định, thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu Cục Quản lý tài nguyên rà soát một số nội dung được kiến nghị xem xét bổ sung theo ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp này để sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định gửi lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan, đồng thời, đăng tải lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân trên Cổng Thông tin điện tử chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ TN&MT theo quy định.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Luật Tài nguyên nước: Cơ chế đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới