Ngư dân có quá 'tàn nhẫn' với đại dương?
Thế giới đang tiêu thụ ngày càng nhiều cá - mỗi cư dân trên Trái Đất ăn trung bình hơn 20kg mỗi năm, khiến việc đánh bắt cá ngày càng gia tăng. Cùng với ô nhiễm chất thải nhựa, đánh bắt quá mức là một trong những mối đe dọa lớn đối với các đại dương.
Đánh bắt cá quá mức
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), ngày nay tỷ lệ trữ lượng cá bị đánh bắt đã trở nên quá mức, hơn 1/3 trữ lượng toàn cầu, trong khi tỷ lệ này ở những năm 1970 chỉ là 10%. Trong một báo cáo đưa ra năm 2020, các chuyên gia của tổ chức này đã cảnh báo tình hình đang ngày càng xấu đi ở các quốc gia đang phát triển. Các kết quả tốt đạt được của một số ít các quốc gia chưa đủ để đảo ngược xu thế khai thác quá mức nguồn cá trên toàn cầu.
Theo các chuyên gia, tại những nơi mà việc quản lý nghề đánh bắt hải sản kém hiệu quả hoặc không tồn tại, nguồn trữ lượng cá đang rơi vào tình trạng cạn kiệt. Khai thác chuyên sâu cũng dẫn đến việc đánh bắt vô tình và dẫn đến cái chết hàng loạt của một số loài như cá heo, cá mập và cá đuối.
"Chấm dứt tình trạng đánh bắt quá mức trên biển vào năm 2020" là một trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc, nhưng nó đã bị chậm lại so với kế hoạch. Tháng 11/2021, các nguyên thủ quốc gia của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết sẽ thực hiện "các biện pháp cụ thể."
Vấn đề cũng đã trở lại bàn hội nghị tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nơi các cuộc đàm phán đã được khởi động vào năm 2001 để làm rõ và cải thiện các quy định hiện hành về trợ cấp đánh bắt cá.
Tổ chức WTO cho biết "nguồn tài trợ công - ước tính khoảng từ 14-54 tỷ USD một năm trên toàn cầu - cho phép nhiều đội tàu đánh cá hoạt động lâu hơn và xa hơn trên biển, gây nhiều tổn hại đến sinh vật biển."
Các cuộc thảo luận đã tăng tốc trong những tháng gần đây và WTO có thể sớm đạt được một thỏa thuận. Tổng giám đốc Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng "tình trạng đánh bắt cá quá mức này đã diễn ra trong 20 năm. Đã đến lúc phải hành động để bảo vệ nguồn lợi hải sản".
Để chống lại việc khai thác quá mức một cách hiệu quả, nhiều nhà quan sát cho rằng cần phải xác định chính xác về sản lượng đánh bắt. Jenny Calder, một thành viên của Tổ chức Công lý Môi trường, cho biết: "Nếu không biết chính xác chúng ta đánh bắt được bao nhiêu cá, thì trữ lượng không thể được quản lý bền vững." Theo bà, việc đặt ra hạn ngạch "phù hợp" là "không thể" nếu mức độ đánh bắt không xác định được hoặc đánh giá không chính xác.
Rác thải nhựa từ hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên biển
Báo cáo của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho thấy, ngành Thủy sản có thể không sử dụng quá nhiều nhựa ô nhiễm, nhưng lại có tỷ lệ rò rỉ rác thải (vứt bỏ ra môi trường đại dương và sông ngòi) cao thứ hai sau lĩnh vực sản xuất bao bì.
Thói quen vứt bỏ ngay rác thải, ngư cụ hỏng trên biển khiến rác thải nhựa chiếm tới 92% về số lượng rác trên bờ biển trong khảo sát mà IUCN thực hiện năm 2019. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu khác cũng về rác thải nhựa trên biển của IUCN cho thấy, chỉ có 1% rác thải nhựa nổi lên mặt biển, 5% rác thải nhựa ở gần bờ biển. Điều này minh chứng số lượng rác thải nhựa trên biển nhìn thấy chỉ là con số quá nhỏ so với số lượng thực tế.
Chia sẻ về những ảnh hưởng đang gặp phải của ngành Thủy sản địa phương trước sự "tấn công" của rác thải nhựa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh Nguyễn Văn Công cho biết: Tỉnh Quảng Ninh có 250 km đường bờ biển, với trên 6.100 km2 mặt biển, 40.000 ha bãi triều và trên 20.000 ha eo vịnh. Tỉnh hiện có 8.123 tàu cá, trong đó tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động ngoài khơi là 238 tàu và 14.506 ô lồng bè nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi trồng tập trung. Đây vừa là lợi thế phát triển thủy sản giá trị kinh tế cao, tạo điều kiện cho lĩnh vực thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nhưng cũng đặt ra những áp lực đáng kể lên công tác bảo vệ môi trường.
Mới đây nhất, Tổng cục Thủy sản đã ký kết ghi nhớ hợp tác cùng IUCN và và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (Greenhub) thực hiện các biện pháp cấp bách quản lý rác thải nhựa đại dương hướng tới bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sống của các loài thủy hải sản trong giai đoạn 2020-2025.
Các giải pháp tập trung vào 5 lĩnh vực: Triển khai thực hiện kế hoạch hành động về bảo tồn rùa biển đến năm 2025; nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống các khu bảo tồn biển; hỗ trợ cải thiện khung pháp lý và thiết lập cơ sở khoa học cho quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; quản lý và bảo tồn các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; quản lý hệ sinh thái, môi trường sống của các loài thủy sản.
Nguyễn Linh (T/h)