Làm giàu từ rác thải
Ý thức được tác hại của rác đối với môi trường biển, nhiều kĩ sư đã tìm hướng biến rác thải thành những sản phẩm có ích. Họ gắn bó và làm giàu từ rác.
Sàng cát lấy rác
Để giải quyết vấn đề trên, cũng như giúp đội vệ sinh đỡ vất vả trong việc quét, hốt cát và sàng, tách để thu gom được rác, kỹ sư Trần Đình Minh (Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Sản xuất Nam Thành) đã nghiên cứu và chế tạo thành công xe sàng cát lấy rác trên bãi biển.
Kỹ sư Trần Đình Minh cho biết, xe hoạt động bằng hệ thống thủy lực, sàng cát với độ sâu từ 10 - 30 cm, sau đó loại bỏ cát và thu gom toàn bộ những vật thể lớn hơn cát như vỏ đậu phộng, vỏ hạt dưa, hạt bí, tàn thuốc lá, vỏ ốc, sò, vỏ chai nhựa, túi nilon và các loại rác thải khác.
"Đến nay, Công ty Nam Thành đã cải tiến và chế tạo 3 xe sàng cát lấy rác trên bãi biển với chi phí mỗi chiếc khoảng 800 triệu đồng, bằng khoảng 1/5 giá trị xe thu gom rác bãi biển chuyên dụng do các nước châu Âu sản xuất. Công suất của một xe sàng cát tương đương với 40 - 50 nhân công thu gom bằng thủ công trong cùng thời gian. Ngoài chức năng sàng lọc và thu gom rác, xe còn được thiết kế hệ thống san phẳng, tạo mặt cát trên bãi biển đều và đẹp mắt", kỹ sư Minh cho biết.
Không dừng lại ở đó, nhận thấy trên mặt nước biển hiện vẫn còn rất nhiều rác thải trôi nổi, kỹ sư Trần Đình Minh cùng các cộng sự tiếp tục nghiên cứu, chế tạo tàu thu gom rác trên mặt biển.
Chiếc tàu có chiều dài khoảng 9 m, rộng 5 m, hệ thống càng thu gom rác dài 5 m. Khi tàu hoạt động, hệ thống càng thu gom, vớt rác được vận hành bằng hệ thống thủy lực sẽ hạ xuống độ sâu từ 1 - 1,5 m so với mặt nước, thu gom tất cả các loại rác như thùng xốp, vỏ chai nhựa, hộp đựng thức ăn và cả túi nilon trôi lơ lửng dưới mặt nước.
Rác sau khi thu gom được băng chuyền tải đến các thùng chứa trên tàu để vận chuyển lên bờ, đưa về nhà máy xử lý.
Qua hơn một năm đưa vào vận hành, tàu vớt rác trên biển do kỹ sư Trần Đình Minh chế tạo đã dần “lay động” ý thức tự giác của ngư dân trong việc cùng chung tay giữ giữ gìn vệ sinh môi trường biển.
Hiện nhiều bè nuôi trồng hải sản trên biển và các tàu cá tại bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ đã trang bị giỏ rác để thu gom rác sinh hoạt và đem lên bờ bỏ đúng nơi quy định khi tàu cập bến.
Chị Trần Thị Loan (khu phố 2, phường Đông Hải, TP.Phan Rang - Tháp Chàm) cho biết, do thói quen nên trước đây khi có rác thải sinh hoạt chị và gia đình thường vứt ra biển cho tiện. "Từ khi thấy hàng ngày tàu ra vớt rác trên biển, tôi nhận thấy mình không nên xả rác ra biển nữa, mà giờ tôi dồn rác lại bỏ vào giỏ, đến khi đầy đưa vào bờ để xe thu gom và nhà máy xứ lý", chị Loan cho biết.
Làm giàu từ rác và gắn bó công việc với rác
Với nhiều người, rác thải chỉ là những thứ vứt đi, nhưng kỹ sư Trần Đình Minh lại nghĩ khác, ông luôn suy nghĩ, tìm tòi để tìm hướng biến rác thải thành những sản phẩm có ích.
Cho đến bây giờ khi nhắc lại câu chuyện của ngày đầu khởi nghiệp, kỹ sư Minh vẫn còn cảm xúc khó tả. Ông không nghĩ mình sẽ khởi nghiệp và làm giàu từ rác và gắn bó công việc với rác.
Từ ý tưởng xử lý rác thành những sản phẩm có ích, ông và các cộng sự đã miệt mài nghiên cứu nhiều năm và trải qua nhiều lần thất bại để cho ra đời dây chuyền xử lý rác thải đầu tiên ở Việt Nam.
"Nói đến rác thường nhiều người trong chúng ta không gây thiện cảm, thậm chí còn xem là thứ dơ dáy, kinh tởm, nhưng phải nhìn nhận có con người mới có rác thải. Và tôi luôn tự hào với công việc thu gom và xử lý rác thải của mình trong những năm qua đã góp phần làm cho môi trường của tỉnh Ninh Thuận thêm sạch đẹp, cũng như dần thay đổi tư duy, cách nhìn nhận của người dân trong tỉnh và du khách về rác cũng như cách ứng xử khi thải rác tốt hơn", kỹ sư Minh chia sẻ.
Nhà máy xử lý rác thải gồm 6 phân xưởng, mỗi ngày xử lý từ 300 đến 350 tấn rác. Từ rác thải, qua xử lý sẽ thành những sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường để phục vụ đời sống và sản xuất hàng ngày của con người.
Khi rác được đưa về nhà máy, những công nhân sẽ phân loại, không bỏ đi bất cứ thứ gì, nao nilon và rác thải nhựa thay vì đốt hoặc chôn lấp sẽ được đưa qua dây chuyền để sản xuất các loại hạt nhựa tái chế. Hạt nhựa, tiếp tục đưa vào máy móc sản xuất ra các loại bao bì. Riêng rác hữu cơ được tập hợp thành một khu, sau đó ủ vi sinh cho hoai mục.
Khi thời gian phân hủy đã đạt, rác hữu cơ sẽ trải qua công đoạn sàng lọc kết hợp với các vi sinh nhập từ Nhật Bản có hoạt tính cao để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh.
Phân hữu cơ này đã được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) công nhận và đưa vào danh mục phân bón của Việt Nam trong năm 2008.
Sản phẩm này cũng được nông dân Ninh Thuận ưa chuộng và còn cung cấp cho các vùng sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt, hàng năm công ty còn xuất khẩu sang Campuchia hàng ngàn tấn phân hữu cơ.
Trong khi nhiều địa phương đang loay hoay giải quyết vấn nạn rác thải thì tại Ninh Thuận, rác không phải xử lý theo quy trình truyền thống là đốt hoặc chôn lấp, mà rác ở đây còn được máy móc thu gom cả trên bờ và dưới biển để biến thành những sản phẩm có ích phục vụ cho sản xuất và đời sống hàng ngày của con người.
"Biển đang ô nhiễm là một thực tế đang hiện hữu trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Muốn biển sạch gốc rễ vẫn là ý thức của mỗi chúng ta. Nếu chúng ta chưa làm được điều gì lớn lao để bảo vệ môi trường thì chỉ cần làm một việc nhỏ, một việc ai cũng có thể làm đó là bỏ rác đúng nơi quy định", kỹ sư Minh chia sẻ.
Nguyễn Linh (T/h)