'Ở một số nơi, môi trường đang có sẽ không còn tồn tại'
Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi trạng thái quen thuộc của các đại dương trên thế giới. Sự nóng lên của nước biển buộc các loài thủy sinh phải chạy trốn và gây những tổn hại to lớn.
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Đại học bang Oregon cho thấy, biến đổi khí hậu đang làm thay đổi trạng thái quen thuộc của các đại dương trên thế giới và tạo ra những môi trường mới có thể làm giảm nỗ lực bảo vệ sinh vật biển tại các khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới.
Theo James Watson, Phó Giáo sư tại Trường Trái Đất, Đại dương và Khoa học Khí quyển thuộc Đại học bang Oregon, đồng tác giả của bài báo mới công bố trên tạp chí One Earth, các nhà khoa học đang xem xét khả năng tuyệt chủng của toàn bộ môi trường. Ở một số nơi, môi trường đang có ngày nay sẽ không còn tồn tại trong tương lai. "Con người sẽ không thể đến thăm hoặc trải nghiệm chúng. Đó là một tổn thất lớn về môi trường, văn hóa và kinh tế mà không gì có thể bù lại được”.
Các đại dương đang ấm lên theo xu hướng gây hại cho sinh vật biển so với ước tính trước đây. Những phép đo được hỗ trợ bởi mạng lưới gồm hàng nghìn chiếc phao quan sát trên các đại dương kể từ năm 2000 cho thấy, nhiệt độ nóng lên của Trái Đất là đáng kể từ năm 1971 so với tính toán đánh giá của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Phát thải khí nhà kính đang làm nóng bầu khí quyển và phần lớn lượng nhiệt lan tỏa được các đại dương hấp thụ. Sự nóng lên của nước biển buộc các loài thủy sinh phải chạy trốn và gây những tổn hại to lớn.
Phân tích của các nhà nghiên cứu về các kịch bản khí hậu cho thấy: 60% đến 87% đại dương dự kiến sẽ trải qua các thay đổi sinh học và hóa học vào năm 2060, chẳng hạn như nhiệt độ nước tăng lên, nồng độ axit cao hơn và thay đổi nồng độ oxy; Tỉ lệ biến đổi dự kiến sẽ còn cao hơn, 76% đến 97%, ở các khu bảo tồn biển rất lớn như Công viên Rạn san hô Great Barrier Reef ở Australia và Khu bảo tồn biển Galapagos ở Ecuador.
Các nhà khoa học dự kiến độ pH sẽ sớm gia tăng vào năm 2030. Quá trình axit hóa đại dương sẽ làm giảm lượng carbonat trong nước biển – thứ cần thiết cho các sinh vật biển (chẳng hạn như san hô và động vật thân mềm như hàu) phát triển vỏ và bộ xương của chúng. Theo đó, các đặc tính như nhiệt độ, nồng độ axit và oxy xác định một phần diện mạo nhất định của đại dương.
Trên cơ sở lấy trạng thái đại dương trong 50 năm qua làm thước đo độ ổn định, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một số mô hình khí hậu để xem xét 6 biến ảnh hưởng đến trạng thái đại dương có thể thay đổi như thế nào khi hành tinh ấm lên. Họ đã sử dụng 3 kịch bản nóng lên với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng. “Trong cả 3 kịch bản, trạng thái ở hơn một nửa đại dương sẽ khác biệt đáng kể so với những trạng thái đã xảy ra trong 50 năm qua”, Johnson cho biết.
Phần lớn sự thay đổi xảy ra ở 2 thái cực của đại dương: Vùng nhiệt đới và vùng Bắc Cực. Không chỉ những nơi ấm áp nhất mới xảy ra tình trạng ấm lên, mà cả những nơi lạnh nhất, như Bắc Cực, cũng không còn lạnh như trước nữa. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng hầu hết những thay đổi đó sẽ xảy ra vào năm 2060, mặc dù hầu hết sự thay đổi về độ pH, hoặc nồng độ axit, dự kiến sẽ xảy ra sớm hơn nhiều vào cuối thập kỉ này.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt hơn đối với các khu bảo tồn biển lớn (cụ thể là 28/29 khu) – nơi được thiết kế để bảo tồn các loài bị đe dọa và các môi trường sống quý hiếm như các rạn san hô trên khắp thế giới. Khi điều kiện đại dương thay đổi, các loài động vật trong các khu bảo tồn đó có khả năng tìm kiếm những địa điểm khác thuận lợi hơn cho việc sinh tồn của chúng.
Theo Johnson, phát hiện này đã vẽ ra bức tranh tương lai về những gì có thể xảy ra khi hành tinh tiếp tục ấm lên. Nghiên cứu cũng cung cấp thông tin quan trọng cho các cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách và nhà quản lý khu bảo tồn về cách mà trạng thái đại dương có thể thay đổi và làm thế nào để giải quyết những thay đổi đó.
Các đại dương ấm dần lên trong 12.000 năm qua
Nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ rõ, nhiệt độ nước biển tăng dần từ 12.000 - 6.500 năm trước là do băng tan. Điều đó cho thấy tác động của khí thải nhà kính đối với tình trạng nước biển dâng và nhiệt độ không khí tăng trong kỷ địa chất Holocene cũng như trong tương lai.
Nhiệt độ ngày càng cao trên Trái Đất khiến mực nước biển đang dần dâng lên. Nhiệt độ tăng làm các sông băng, biển băng hay lục địa băng trên Trái Đất tan chảy và làm tăng lượng nước đổ vào các biển và đại dương.
Các vùng biển ấm lên đặt ra thách thức đối với các sinh vật biển, khi các nghiên cứu gần đây cho thấy thực trạng các loài sinh vật biển thích ứng khó khăn hơn với nhiệt độ tăng cao. Ngoài ra, nước biển ấm lên còn làm tăng nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão và lũ lụt.
Lan Anh (T/h)