Chủ nhật, 24/11/2024 10:13 (GMT+7)
Thứ tư, 13/07/2022 06:08 (GMT+7)

Phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại

Theo dõi KTMT trên

Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững 2021-2025 nhằm mục tiêu phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế-kỹ thuật theo hướng hiện đại; phát huy tiềm năng, vai trò của rừng để đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Hơn 78.000 tỷ đồng đầu tư phát triển lâm nghiệp bền vững

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình dự kiến 78.585 tỷ đồng, được thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm 2021 đến năm 2025.

Chương trình nhằm mục tiêu phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng bền vững diện tích rừng và diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp; phát huy tiềm năng, vai trò, tác dụng của rừng để đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Thông qua Chương trình, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ, lưu giữ carbon từ rừng, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26); góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại - Ảnh 1
Phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại. (Ảnh minh họa)

Chương trình cũng đặt mục tiêu bảo vệ, phát triển bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2025; góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc khoảng 42%; tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,0-5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025; trong đó giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng tỷ trọng chế biến sâu và xuất khẩu các sản phẩm gỗ, lâm sản có giá trị gia tăng cao; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người tham gia các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng. Đến năm 2025, thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chương trình đã đề ra các nhiệm vụ chủ yếu như bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; phát triển rừng và nâng cao năng suất, chất lượng rừng; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đối với rừng sản xuất là rừng trồng.

Các nội dung ưu tiên thực hiện gồm bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ven biển; phát triển giống cây lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn; phát triển lâm sản ngoài gỗ; phát triển công nghiệp chế biến lâm sản.

Hiệu quả cao trong bảo vệ rừng

Năm 2022 là năm thứ hai cả nước thực hiện “Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025” và “Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với chỉ tiêu trồng mới 244.000 ha rừng tập trung và hơn 121 triệu cây phân tán. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi các ngành, địa phương cần nỗ lực, chủ động hoàn thành nhiệm vụ, nhằm góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế lâm nghiệp ổn định, bền vững.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, trong năm 2021, cả nước đã khai thác hơn 32 triệu m3 gỗ các loại, trong đó có tới hơn 21 triệu m3 gỗ từ rừng trồng tập trung. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ bền vững, đồng thời, giúp những người trồng rừng và sống bằng nghề rừng có cơ hội để tăng thu nhập. Do đó, muốn nâng cao hiệu quả của cây trồng, rừng trồng không gì khác phải thay đổi tư duy, thay vì trồng cây chỉ lấy bóng mát, phủ xanh đất trống là trồng cây đa mục đích và mang lại giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, tất cả các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch, phương án triển khai; rà soát hầu hết các quỹ đất trồng cây và trồng rừng. Năm 2021, cả nước trồng đạt 115% kế hoạch, trong đó một số địa phương có kết quả tốt như: Nghệ An (7,3 triệu cây); Thanh Hóa (5,3 triệu cây); Lâm Đồng (4 triệu cây)... Ngoài ra, xuất hiện nhiều mô hình tích cực trồng cây xanh, như mô hình thầy trò Trường Marie Curie từ “một mẩu rừng cho bạn” đến trồng 20.000 cây xanh tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang và tiếp tục cam kết đồng hành trong những năm tiếp theo.

Về chiến lược phát triển trong thời gian tới, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, định hướng của ngành lâm nghiệp là tiếp tục phát triển bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng, hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đưa lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu quả, và có sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị, phát huy tính đa giá trị của rừng.

Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ bên cạnh các mục tiêu kinh tế, ngành lâm nghiệp còn chú trọng nhiệm vụ phát triển rừng. Cụ thể: Trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng các loài cây bản địa, quý hiếm bình quân 4.000 - 6.000 ha/năm; phục hồi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trung bình 15.000 ha/năm; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, năng suất và hiệu quả rừng trồng và các hệ thống nông lâm kết hợp; diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 500.000ha vào năm 2025.

Để hoàn thành những mục tiêu này, Phó Tổng cục trưởng Trần Quang Bảo nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ, đặc biệt trong việc thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới