Chủ nhật, 24/11/2024 04:27 (GMT+7)
Thứ năm, 02/11/2023 15:12 (GMT+7)

Siết chặt công tác quản lý đất đai: Đề cao tính minh bạch và vai trò của kiểm toán

Theo dõi KTMT trên

Cần minh bạch hóa việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tăng cường khả năng tiếp cận đất đai của các chủ thể.

Việc quản lý và sử dụng đất đai tạo dựng được nguồn lực to lớn cho xây dựng và phát triển hạ tầng, đẩy nhanh đô thị hóa đồng thời là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng bộc lộ không ít sai phạm.

Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, tuy nhiên, giai đoạn 2014-2018, sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai vẫn diễn ra phổ biến và phức tạp ở hầu hết các nội dung, cấp quản lý, tổ chức cá nhân sử dụng, với mức độ từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng. Đặc điểm của các sai phạm này là kéo dài, chậm bị xử lý, gây hậu quả rất lớn về kinh tế - xã hội.

Siết chặt công tác quản lý đất đai: Đề cao tính minh bạch và vai trò của kiểm toán - Ảnh 1
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung. Ảnh: TTXVN.

Tại Hội thảo chuyên đề "Quản lý đất đai và xác định giá đất - những bất cập từ thực tiễn và qua hoạt động Kiểm toán Nhà nước" diễn ra vào tháng 10 vừa qua, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, cùng với quá trình đô thị hóa, việc vốn hóa đất đai, phát triển thị trường bất động sản được thực hiện mạnh mẽ.

Cụ thể, trong giai đoạn 2017-2021, nguồn thu từ đất đai luôn đóng góp từ 12% đến 14% tổng thu ngân sách Nhà nước. Tại nhiều địa phương, số thu từ đất đai chiếm tới trên 30% ngân sách địa phương và là nguồn vốn chính cho đầu tư công.

Đất đai là điều kiện vật chất hàng đầu để thực hiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong phát triển công nghiệp, dịch vụ. Mặt khác, trong lĩnh vực nông nghiệp, đất đai là tư liệu sản xuất chính và nông nghiệp đang là trụ cột chống đỡ chính của kinh tế trong giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, bà Dung cho biết qua kết quả kiểm toán cho thấy việc quản lý, sử dụng đất đai còn nhiều vấn đề hạn chế và vướng mắc. Hành lang pháp lý cho công tác quản lý, sử dụng đất đai chưa rõ ràng, nhất là sử dụng cho phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và ổn định lâu dài. Việc thu hồi đất chưa đảm bảo các điều kiện và trình tự, thủ tục theo quy định. Hơn nữa, giá bồi thường còn thấp và chưa sát với giá thị trường. Trong khi đó, việc áp dụng các phương pháp định giá đất trong thực tiễn còn bất cập.

Theo TS. Vũ Đình Ánh (chuyên gia kinh tế), có 3 nhóm sai phạm chủ yếu trong vấn đề đất đai, đó là: Không sử dụng hoặc sử dụng đất không đúng mục đích; không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai...

Phần lớn các nhóm vi phạm đều do nguyên nhân chủ quan, trong đó có 3 nhóm sai phạm nặng nề nhất đã diễn ra trong quá khứ, hiện tại và sẽ còn diễn ra trong tương lai. Vì thế, việc tăng cường thực hiện kiểm toán, kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực đất đai là cần thiết, để phát hiện và hạn chế ở mức thấp nhất hậu quả đáng tiếc.

Siết chặt công tác quản lý đất đai: Đề cao tính minh bạch và vai trò của kiểm toán - Ảnh 2
Ảnh minh họa.

Đồng quan điểm, Kiểm toán Nhà nước Khu vực I cho rằng, cần minh bạch hóa việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tăng cường khả năng tiếp cận đất đai của các chủ thể. Trong đó, quy định cụ thể và thống nhất các trường hợp giao đất, cho thuê phục vụ mục đích kinh doanh không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Đối với việc cho thuê đất, cần ưu tiên áp dụng hình thức thuê đất trả tiền hàng năm để đảm bảo nguồn thu ổn định từ đất đai. Đồng thời, cần có quy định về việc xác định giá trị quyền được thuê đất trả tiền hàng năm trong định giá doanh nghiệp cổ phần hóa.

Đất đai là tài sản công, được giao cho nhiều cá nhân, tổ chức và chịu sự giám sát, quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị. Những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Đất đai rất phức tạp. Trong khi đó, cơ chế, chính sách về lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Thậm chí nhiều quy định chồng chéo, thiếu đồng nhất. Chính sự thiếu đồng nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật đã bị nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán quản lý, sử dụng đất đai, nhiều ý kiến cho rằng, Kiểm toán nhà nước cần đa dạng hóa hình thức tổ chức kiểm toán chuyên đề, phù hợp với đặc điểm của vấn đề và tăng cường áp dụng công nghệ kiểm toán mới, vận dụng các phương pháp kiểm toán phù hợp với đặc thù của kiểm toán chuyên đề theo hướng kinh tế, hiệu quả, hiệu lực, chống thất thoát lãng phí đất đai, tài nguyên khoáng sản; đồng thời nghiên cứu mở rộng phạm vi, nội dung kiểm toán thông qua các cuộc kiểm toán chuyên đề chuyên sâu quy mô lớn để có góc nhìn toàn diện, đa chiều nhằm ngăn chặn kịp thời các sai phạm, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất đai.

PV

Bạn đang đọc bài viết Siết chặt công tác quản lý đất đai: Đề cao tính minh bạch và vai trò của kiểm toán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới