Chủ nhật, 24/11/2024 08:01 (GMT+7)
Chủ nhật, 09/08/2020 12:10 (GMT+7)

Sử dụng hợp lý tài nguyên nước để thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu làm tăng cường độ, tần suất của thiên tai và các hiện tượng cực đoan liên quan đến tài nguyên nước. Mới đây, Ủy ban Nước của Liên Hợp Quốc (UN-Water) cũng dự đoán, hai phần ba dân số thế giới sẽ có thể bị ảnh hưởng bởi thách thức về nguồn nước vào năm 2025.

Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm nguồn nước mặt, cũng như nước ngầm do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Bên cạnh đó, nước biển dâng cao, xâm nhập mặn, quá trình công nghiệp hoá, đô thị hóa, sự gia tăng dân số... đang đe dọa đến an ninh nguồn nước.

Nguồn nước đang dần cạn kiệt

Tài nguyên nước của Việt Nam phân bố rất không đều cả về không gian và thời gian. Tổng lượng dòng chảy năm tương đối lớn nhưng tập trung chủ yếu trong mùa mưa, chỉ kéo dài khoảng từ 3 đến 5 tháng, các tháng mùa khô còn lại lượng nước chỉ chiếm từ 20 đến khoảng 30%.

Bên cạnh đó, nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài; nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian; sự phát triển kinh tế - xã hội và biến đổi khí hậu đã và đang tác động rất lớn đến tài nguyên nước của Việt Nam...

Sử dụng hợp lý tài nguyên nước để thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống nhiều người dân Việt Nam.

Chưa bao giờ tài nguyên nước lại trở nên quý hiếm như mấy năm gần đây khi nhiều dòng sông bị suy thoái, nước trong các ao, hồ bị ô nhiễm, cạn kiệt,... trong khi nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm do khai thác quá mức, buông lỏng quản lý.

Khi dân số toàn cầu tăng lên, nhu cầu về nước tăng cũng khiến cho tài nguyên thiên nhiên trở nên cạn kiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi. Theo đó, cần có các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước và khai thác, sử dụng tài nguyên nước bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Mối liên hệ rõ ràng giữa nước và biến đổi khí hậu trong một thời gian dài đã bị bỏ qua trong các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, vấn đề sử dụng và quản lý tài nguyên nước càng cần chú trọng hơn nữa.

Đảm bảo an ninh nguồn nước để phát triển bền vững

An ninh nguồn nước đang là một trong những thách thức lớn đối với nước ta trong quá trình phát triển. Vấn đề an ninh nguồn nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt trong đời sống xã hội hiện nay. Nhiều chuyên gia cho rằng, đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước là vấn đề lớn của các đô thị, bởi tình trạng ô nhiễm ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.

Sử dụng hợp lý tài nguyên nước để thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Lưu vực sông Mekong hiện đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn liên quan đến vấn đề nguồn nước như tình trạng ngập mặn và những tác động khác của biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hàng năm khoảng 80,6 tỉ m3, chiếm 10% tổng lượng nước của cả nước. Trong đó, hơn 80% lượng nước được sử dụng cho mục đích nông nghiệp (khoảng 65 tỉ m3/năm). Nước dưới đất được khai thác, sử dụng chủ yếu cho cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, với gần 40% lượng nước cấp cho đô thị và 80% lượng nước cho sinh hoạt nông thôn.

Theo Hội Tài nguyên nước quốc tế, quốc gia nào có lượng nước bình quân đầu người dưới 4.000 m3/người/năm được xem là quốc gia thiếu nước. Như vậy, nếu chỉ tính riêng lượng tài nguyên nước mặt trên lãnh thổ, thì hiện nay, Việt Nam đã thuộc số các quốc gia thiếu nước và sẽ gặp phải nhiều thách thức về tài nguyên nước trong tương lai.

Dự đoán đến năm 2025, lượng nước cho đầu người ở Việt Nam chỉ còn khoảng 3.100 m3, thuộc mức dưới trung bình của thế giới.

Sử dụng hợp lý tài nguyên nước để thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 3
Cần quản lý các hệ thống sản xuất, tái sử dụng nước cũng như áp dụng các phương pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả hơn để bảo vệ tài nguyên nước. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, với tốc độ xâm nhập mặn hiện nay, dự báo vào năm 2030, khoảng 45% diện tích của Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn cục độ và gây thiệt hại mùa màng nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng. Nếu không có kế hoạch đối phó, phần lớn diện tích của đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập trắng nhiều thời gian trong năm và thiệt hại ước tính sẽ là 17 tỉ USD.

Nước là một trong những loại hình tài nguyên đặc biệt, thiết yếu nhằm phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, vì vậy bảo đảm an ninh nguồn nước là vấn đề cấp thiết hiện nay đối mỗi địa phương, mỗi quốc gia trên thế giới.

Giải quyết vấn đề tài nguyên nước - chìa khoá để thích ứng với BĐKH

Thời tiết ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng bất thường. Hạn hán, ngập lụt, xâm nhập mặn, sạt lở, bão lũ... có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta.

Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài. Nếu nước biển dâng 1m, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân.

Theo đó, các kế hoạch hành động để giải quyết biến đổi khí hậu cần được tích hợp giữa các ngành, các lĩnh vực khác nhau và có sự phối hợp xuyên biên giới. Đặc biệt, cần phải dựa trên nguyên tắc chung là quản lý nguồn nước an toàn và bền vững.

Sử dụng hợp lý tài nguyên nước để thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 4
Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu.

Theo các chuyên gia, để bảo đảm an ninh nguồn nước trước tác động của BĐKH, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở tất cả các cấp, thực hiện bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái liên quan đến nước (núi, rừng, đầm lầy, sông, tầng nước ngầm và hồ).

Tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển về các hoạt động, chương trình liên quan đến nước và vệ sinh, bao gồm: thu gom nước, khử muối, xử lý nước thải; hỗ trợ và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc cải thiện quản lý nước và vệ sinh môi trường…

Thực hiện các hành động chống biến đổi khí hậu sẽ mở ra cơ hội lớn để nền kinh tế phát triển với nhiều lĩnh vực. Giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước chính là chìa khóa giúp thích ứng tốt hơn, đồng thời có thể giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Do đó, các nhà hoạch định chính sách phải coi tài nguyên nước như một giải pháp thiết thực giúp thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Nước là tài nguyên quý giá nhất của chúng ta - Chúng ta phải sử dụng nó một cách có trách nhiệm hơn; Chúng ta phải cân bằng tất cả các nhu cầu về nước của xã hội trong khi vẫn đảm bảo những người nghèo nhất, những đối tượng yếu thế không bị bỏ lại phía sau” - đây chính là thông điệp mà Ủy ban Nước của Liên Hợp Quốc (UN-Water) công bố trong Ngày nước thế giới năm 2020.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Sử dụng hợp lý tài nguyên nước để thích ứng với biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới