Chủ nhật, 24/11/2024 09:51 (GMT+7)
Thứ sáu, 21/06/2024 09:00 (GMT+7)

Tản mạn về nghề báo nhân ngày 21/6 - Ngày của những người làm báo

Theo dõi KTMT trên

Khi đọc tiêu đề của bài này chắc bạn đọc có thể hiểu ngay là người viết không phải là nhà báo chuyên nghiệp. Đúng vậy, người viết (tôi) vốn là nhà khoa học nên đã có nhiều bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên môn trong và ngoài nước.

Năm 2008, tôi đã có một bài báo đăng trên Vietnamnet có số người quan tâm liên tục đạt top 10 những bài có số người đọc, trao đổi cao trong vòng vài tuần. Bài báo này góp phần giải thích tại sao có nhiều sinh viên, nhà khoa học trẻ sang du học ở nhiều nước nhưng rồi tìm cách ở lại tìm việc làm, họ có quyền như vậy không và có phải là hiện tượng chảy máu chất xám không? Thành công bài báo cùng số tiền “nhận bút” 500.000 đồng khi đó quả thật rất vui. Tôi cũng có bài đăng trên một số báo và cũng đã có bài đạt giải trong các cuộc thi. Mới đây là giải ba cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội 2020” do báo Kinh tế Đô thị phối hợp cùng Sở Tài nguyên & Môi trường tổ chức.

Sau khi về hưu tháng 5/2020, tôi được về công tác ở Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, được bổ nhiệm là Ủy viên chuyên trách Ban biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường, cả tạp chí in (một tháng một bản), tạp chí in chuyên đề khoa học (3 tháng một bản) và tạp chí điện tử. Đây là giai đoạn buộc bản thân phải đọc lại từ Luật Báo chí, đến các quy định khi viết bài, đọc tôn chỉ của Tạp chí Kinh tế Môi trường, đọc các bài viết trước đó để xem mình có thể dấn thân vào viết báo thường xuyên hơn không?

Được các phóng viên, biên tập viên (BTV), các nhà báo tại Tạp chí khuyến khích, tôi đã mạnh dạn viết một số bài được đăng trên Tạp chí Kinh tế Môi trường. Đặc biệt, tôi cũng cùng các phóng viên khác viết các tuyến bài dự thi nhiều cuộc thi từ cấp Trung ương đến địa phương và đạt nhiều giải thưởng khác nhau. Mặc dù vậy tôi vẫn trăn trở về việc viết báo của mình và đôi khi muốn dừng lại vì quả thật việc này có nhiều vấn đề mình chưa hiểu hết. Nhân ngày Báo chí Việt Nam 21/6/2024 xin trình bày suy nghĩ của tôi về câu hỏi làm tiêu đề bài báo này.

Tản mạn về nghề báo nhân ngày 21/6 - Ngày của những người làm báo - Ảnh 1

GS.Hoàng Xuân Cơ, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Viết báo, khó ở đâu?

Trước hết, cái khó xuất hiện là viết cái gì? Nhà báo chuyên nghiệp được truyền dạy cách khai thác vấn đề trong cuộc sống, có thời gian thực tập thực tế, trau dồi kinh nghiệm còn tôi thì chưa có. Về lý thuyết thì hãy viết về những gì, những vấn đề đang xảy ra. Nhưng quả thật có quá nhiều vấn đề xảy ra, không dễ chọn ngay được. Có lẽ những gì chúng ta quan sát được, nghe được, nhận biết được phải qua một bộ “lọc” để xem mình hiểu nó đến đâu, có cách lý giải riêng về những gì xảy ra hay không và chỉ khi vấn đề đó cuốn hút mình, tự thân có những lý giải, lập luận cần được trình bày thì mới có thể viết được.

Như bài viết đoạt giải Ba của Báo Kinh tế Đô thị, tôi phải nhờ gợi ý của một BTV viết về vấn đề giảm thiểu ô nhiễm không khí từ phương tiện cá nhân kết hợp với suy nghĩ của tôi là mỗi người đều có hành động để bảo vệ môi trường (BVMT). Đó là tiết kiệm để đưa ra thông điệp chúng ta vừa là “nạn nhân” nhưng cũng là “thủ phạm” của ô nhiễm không khí. Thật ra, có rất nhiều những vấn đề có tính nhạy cảm, phải đầu tư nhiều thời gian, tìm hiểu thêm thì mới có được “ý” để viết và “thông điệp” mình muốn gửi đi để không gây dư luận xấu, không làm ảnh hưởng chung đến hoạt động xã hội.

Ví dụ như khi viết bài về đất Khu Triển lãm Giảng Võ để không lâu nay, tôi phải tìm hiểu ngoạn nguồn từ đâu, tại sao xảy ra chuyện như vậy và có những thiệt hại gì khi chúng ta không có nơi triển lãm và khi đất bỏ không sẽ gây thiệt hại kinh tế rất lớn. Nói thật, khi đã đăng các bài viết này trên Tạp chí Kinh tế Môi trường, tôi cũng phấp phỏng chờ xem có vấn đề gì xảy ra với bài viết hay không. Rất may là, không xảy ra chuyện gì, có lẽ là đây là vấn đề mà nhiều người chưa muốn quan tâm hoặc ngại quan tâm.

Cái khó thứ hai là viết như thế nào? Có thể tìm được thông tin đáng tin cậy để viết không, có cần đi thực địa, đi phỏng vấn, chụp ảnh để có tư liệu riêng minh họa cho bài viết không? Tôi đã có bài viết dưới tiêu đề “Viết liều và liều viết” được anh em trong tòa soạn bàn tán sôi nổi vì tôi không dám viết liều. Chẳng hạn, khi viết bài về thiệt hại kinh tế do dự án “treo”, tôi có lấy ví dụ dự án khai thác sắt ở Thạch Khê, Hà Tĩnh thì may mắn tôi được tham gia đoàn khảo sát của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam vào tận nơi, lấy ý kiến đân cư, thăm vùng Hà Tĩnh muốn chuyển đổi sang kinh doanh du lịch tôi mới có thêm nguồn tư liệu để tự tin viết bài này.

Cái khó thứ ba là viết cho đối tượng nào?

Trong thực tế mỗi tờ báo, mỗi tạp chí đều có đọc giả thường xuyên của mình, một số báo, tạp chí có lượng người đọc rất cao như các báo chính thống của các cơ quan Đảng và Nhà nước (báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Hà Nội mới,...) nhưng cũng có nhiều báo, tạp chí chuyên sâu thì lượng người đọc ít hơn, đặc biệt là các tạp chí chuyên ngành hẹp hoặc mới thì phải từng bước thu hút bạn đọc.

Khi mới tham gia viết cho Tạp chí Kinh tế Môi trường, tôi cảm nhận được lượng người đọc còn hạn chế vì chuyên ngành này còn khá mới. Nhưng chỉ sau vài năm thì lượng người đọc tăng lên đáng kể do vấn đề môi trường ngày một nóng trên toàn thế giới. Tôi biết một số báo tạp chí có cách thu hút bạn đọc bằng nhiều cách khác nhau như tìm cách đưa báo, tạp chí điện tử của mình vào các trang mạng nhiều người truy cập như google chẳng hạn.

Trước đây, tôi có những bài báo khoa học đăng trên một số tạp chí uy tín thì có các trang mạng thống kê, tính toán các giá trị, chỉ số đặc trưng cho các giá trị khoa học bài báo như lượng trích dẫn, lượng người đọc, người quan tâm,... Chẳng hạn năm 2015, tôi có làm hồ sơ xin học hàm, tôi vào trang ReserchGate và tìm được kết quả về các công trình /bài báo khoa học của tôi đã được đăng và các chỉ số chất lượng (xem hình 1). Hoặc, nếu bây giờ đánh tên tôi trong google, phần mềm này cũng liệt kê nhiều công trình (cả bài báo, sách, trả lời phỏng vấn, phát biểu,...) trong đó có cả bài viết mới nhất. Tất nhiên những công trình này phải được đăng tải trên những tạp chí, báo điện tử được google quan tâm.

Những thống kê lại như vậy khuyến khích rất nhiều cho người viết để mạnh dạn hơn trong quá trình viết và gửi đăng vì biết những bài viết của mình được quan tâm. Qua nhận xét này, xin mạnh dạn đề xuất lãnh đạo Tạp chí Kinh tế Môi trường tìm cách mở rộng liên kết với các trang mạng có đông đảo bạn đọc để quảng bá những bài viết đến tay nhiều người đọc hơn. Nếu biết có nhiều người quan tâm thì thu hút, khuyến khích người viết trình bày được nhiều khía cạnh hơn.

Tản mạn về nghề báo nhân ngày 21/6 - Ngày của những người làm báo - Ảnh 2

Thông tin về hoạt động khoa học do ReserchGate thống kê, tổng hợp năm 2015. Ghi chú: Ngoài thông tin chung có thông tin số lượng 10 bài đã đăng, trong đó có 889 lượt xem, 467 lượt tải, 104 lượt trích dẫn,…

Theo tôi, hiện nay các bài viết nêu thông tin cụ thể, thông tin “nóng”, “lạ” có vẻ thu hút nhiều người đọc hơn nhưng cũng cần nhiều bài viết có đánh giá, nhận định, phản biện các thông tin đang xảy ra.

Cái khó thứ tư có liên quan đến vấn đề tài chính.

Hiện nay chỉ có một số báo, tạp chí nhận được kinh phí từ ngân sách nên có đội ngũ “biên chế” cứng được trả lương theo ngạch bậc chung và đủ nguồn tài chính cho các hoạt động khai thác, điều tra, phỏng vấn để có thông tin phục vụ viết bài. Còn lại, các báo và tạp chí khác phải tự chủ, phải tự tìm nguồn tài chính để trang trải nên thường nhuận bút trả cho tác giả chưa cao, không khuyến khích các nhà báo, công tác viên tích cực viết nhiều bài hơn. Và, như vậy, những tòa soạn này cũng sẽ ít bài hay, bài có chất lượng.

Dễ ở đâu?

Những điều “khó” ở trên cũng đã được dần dần giải quyết để đỡ khó hơn và tiến dần đến dễ cho người viết. Với nhìn nhận mang tính cá nhân cũng xin nêu một số vấn đề “dễ” đối với người viết. Bao gồm:

Có nhiều đề tài, nhiều thông tin có thể tiếp cận để lên ý tưởng viết các bài báo. Đặc biệt, các vấn đề liên quan tới hiện trạng môi trường, các công cụ bảo vệ môi trường, các giải pháp BVMT (kể cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội) hiện đang được sự quan tâm của các quốc gia và tổ chức quốc tế. Vẫn còn nhiều đề tài cần được khai thác trình bày sâu hơn nhằm tìm được giải pháp xử lý, giải quyết hợp lý.

Thông tin có thể tiếp nhận từ nhiều nguồn, cả tự thu thập và tra cứu, tham khảo, đặc bệt là nhờ “Bác GOOGLE”. Tất nhiên, các thông tin thu được, thông tin tham khảo phải được phân tích, đánh giá cả về mức xác thực, mức chính xác, độ tin cậy và sắp xếp, sử dụng theo mục tiêu, ý tưởng của người sử dụng.

Hiện có nhiều cuộc thi viết lớn nhỏ với chủ đề phong phú. Từ những cuộc thi viết về những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đến những chủ đề rất cụ thể  về bảo vệ môi trường. Đây sẽ là dịp để các báo, tạp chí, các nhà báo và cá nhân có thể tiếp cận viết bài để trình bày ý kiến của mình về các chủ đề trên.

Thay lời kết

Những cái “khó” hay “dễ” phân tích ở trên chỉ là cảm nhận của một người viết không chuyên nhưng cũng muốn tìm hiểu kỹ để có thể tham gia viết nhiều bài hơn. Được sự cổ vũ của lãnh đạo, các bạn nhà báo, biên tập viên của Tạp chí Kinh tế Môi trường, tôi sẽ cố gắng vượt qua khó khăn, hạn chế của chính bản thân để dần tạo dựng cho mình một “phong cách” viết đáp ứng yêu cầu của nhiều bạn đọc.

Tôi cũng hy vọng Tạp chí “của tôi” sẽ lớn mạnh, có chỗ đứng trong cộng đồng các báo, các tạp chí, có nhiều bài hay, giá trị cao và có tính lan tỏa rộng hơn để các bài viết đến với đông đảo bạn đọc xa gần. Những cố gắng thay đổi chuyên mục, ra tạp chí in chuyên đề khoa học đã chứng tỏ cố gắng để mở rộng chủ đề tạp chí, phục vụ rộng rãi hơn cho nhiều tuyến bạn đọc. Sự thành lập các nhóm phóng viên, biên tập viên tham gia các cuộc thi báo chí có chủ đề gắn với BVMT, gắn với những chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng là cách để nâng cao tay nghề của thành viên tạp chí và lan tỏa hơn nữa những thông điệp mà tạp chí muốn mang lại cho cộng đồng, bạn đọc.

GS.Hoàng Xuân Cơ - Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Tản mạn về nghề báo nhân ngày 21/6 - Ngày của những người làm báo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới