Thứ năm, 28/11/2024 01:18 (GMT+7)
Thứ năm, 08/09/2022 11:10 (GMT+7)

Tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm giải pháp đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam cần có các giải pháp để thích nghi với hoàn cảnh mới. Trong đó bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, tạo môi trường thu hút đầu tư, đẩy nhanh thực hiện thị trường điện cạnh tranh.

Dẫn đầu khu vực về năng lượng

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính tới cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc đạt 69.342 MW. Xét về mặt cơ cấu, điện gió chiếm khoảng 0,8% công suất và 0,4% sản lượng; điện mặt trời khoảng 23,8% công suất, 3,7% sản lượng; còn lại là các nguồn khác là 325 MW; điện nhập khẩu là 572 MW...

Như vậy, từ chỗ chỉ có 5 MW điện mặt trời, trong đó duy nhất có 1 MW nối lưới vào thời điểm trước tháng 4/2017 (thời điểm ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg), tới cuối năm 2020, tốc độ tăng trưởng điện mặt trời ở Việt Nam khiến không nơi nào trên thế giới sánh kịp, với con số cả nước có 104.282 hệ thống điện mặt trời áp mái nhà (tổng công suất 9.580 MWp). Cũng ở thời điểm này, thống kê của Bộ Công Thương cho thấy còn 5.146 MW điện mặt trời đã, đang trình bổ sung tiếp vào quy hoạch điện (tính hết ngày 30/6/2019, ngày kết thúc hưởng với mức giá mua là 9,35 UScent/kWh, cả nước đã có gần 4.900 MW điện mặt trời hòa lưới).

Phát biểu tại Hội thảo "Chính sách phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí tại Việt Nam", ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW (tăng gần 7.500 MW so với năm 2020). Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện, việc cung cấp điện đã cơ bản đáp ứng nhu cầu, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế với tốc độ cao trong nhiều thập kỷ qua.

Tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm giải pháp đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo - Ảnh 1
Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế với tốc độ cao trong nhiều thập kỷ qua.

Bên cạnh đó, các cơ chế giá FIT cho điện gió, điện mặt trời đã tạo động lực thúc đẩy phát triển một lượng lớn công suất điện mặt trời và điện gió, tạo tiền đề cho việc ngày càng tăng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo (NLTT) trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khối ASEAN về quy mô và tỷ lệ các nguồn điện gió và mặt trời, chiếm tới 27% tổng công suất nguồn điện (tính đến quý I/2022).

Thời gian gần đây, với xu hướng giảm dần nhiệt điện than và phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn, nhiều địa phương đã kiến nghị không dành quỹ đất cho đầu tư điện than dù đã có trong quy hoạch điện lực quốc gia, đồng thời xuất hiện trào lưu đề nghị đầu tư nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG) tại các địa phương. Tuy nhiên, cơ chế về huy động vốn đầu tư từ tư nhân, cơ chế tham gia thị trường điện đối với loại hình điện khí này vẫn chưa rõ ràng, có thể dẫn đến những rủi ro không nhỏ cho nhà đầu tư, kể cả những lúng túng về pháp lý đối với bên mua điện và cơ quan điều hành thị trường điện.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII với một khối lượng lớn công suất nguồn năng lượng sạch và cùng với nó là khối lượng vốn đầu tư khổng lồ. Tuy nhiên việc xác định các cơ chế (kể cả cơ chế tài chính) và tổ chức thực hiện quy hoạch để khả thi khối lượng nguồn và lưới điện, đảm bảo an ninh năng lượng đang là những nội dung cần được quan tâm nhiều trong thời gian tới. Cùng với đó là các khó khăn khác liên quan đến cơ chế chính sách, về thủ tục quy hoạch, đầu tư, về lưới điện giải tỏa công suất, về cơ chế huy động vốn, về giải phóng mặt bằng; kể cả việc thiếu các bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan để thực hiện hoá Quy hoạch điện VIII.

Đẩy mạnh phát triển các dự án điện khí 

Theo Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), năm 2022, Việt Nam dự tính sản xuất được 9,1 tỷ m3 khí đốt, trong đó 85% được dành cho sản xuất điện. Các mỏ khí nằm ở bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay - Thổ Chu và Sông Hồng. Hiện tại có 15 nhà máy điện khí với tổng công suất khoảng 8.000 MW. Tuy nhiên, sản lượng khí tại các mỏ đang suy giảm trong khi nhu cầu sử dụng khí đốt tăng cao.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 55/NQ-TW đã nêu rõ: “Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí thiên nhiên hóa lỏng”. Do đó, Việt Nam sẽ phát triển các kho LNG ở Thị Vải, Hải Linh, Hải Phòng, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ...

Ngành khí đang gặp nhiều thách thức. Một số cơ chế, chính sách chưa được hoàn thiện, công nghệ phức tạp có bản quyền, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, phải phát triển theo chuỗi dự án nên vốn lại càng lớn hơn. Thị trường khí quốc tế biến động lớn cùng lúc với xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu.

Ngoài ra, Quy hoạch điện VIII định hướng phát triển các nguồn dùng nhiên liệu truyền thống chuyển sang khí LNG với quy mô rất lớn (từ 0% năm 2020 lên ~12.550-17.100 MW năm 2030, chiếm ~10-12% tổng quy mô nguồn năm 2030, tăng dần đến 43 nghìn MW, chiếm 15-17% tổng quy mô nguồn năm 2045), nguồn cung chủ yếu là nhập khẩu từ nước ngoài, như vậy, có thể sẽ gặp phải những khó khăn tương tự việc phát triển nguồn nhiệt điện than trong giai đoạn vừa qua. Do đó, định hướng phát triển các nhà máy điện sử dụng khí LNG cần tính toán trên cơ sở khả năng nhập khẩu LNG và đồng bộ với xây dựng hạ tầng cung cấp LNG (kho cảng, hệ thống lưu trữ, tái hóa, đường ống...) trên phạm vi cả nước nhằm tối ưu trong đầu tư, tiết kiệm chi phí xây dựng, đặc biệt là hệ thống kho cảng và lưu trữ.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần có các giải pháp để thích nghi với hoàn cảnh mới. Đó là bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, tạo môi trường thu hút đầu tư, đẩy nhanh thực hiện thị trường điện cạnh tranh, mua bán điện trực tiếp, tạo điều kiện quỹ đất và giải phóng mặt bằng. Cơ chế giá khí cần được ban hành hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hiện tại, tỷ trọng các nguồn điện sạch (bao gồm thủy điện và các nguồn NLTT khác) trong cơ cấu nguồn điện đã đạt đến 65,6% tổng công suất đặt của hệ thống. Theo dự thảo gần đây nhất của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII), dự kiến đến năm 2030 sẽ có tổng công suất điện gió là 16.100MW, điện mặt trời (gồm cả điện mặt trời mái nhà) là 16.500MW và có thể thêm khoảng 2.400MW thuộc các dự án đang triển khai đầu tư ở các mức độ khác nhau.

Tính đến nay có 14 dự án nhà máy điện khí LNG đã được bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh và dự kiến trong Quy hoạch điện VIII (tổng công suất 23.900). Ngoài ra, có trên 25 dự án điện khí LNG đang được các địa phương và nhà đầu tư đề nghị xem xét đưa vào Quy hoạch điện VIII với tổng công suất trên 115.000MW.

“Việc phát triển nguồn điện gió, mặt trời và điện khí tại Việt Nam đang là xu hướng tất yếu trong cả giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn” - ông Phạm Nguyên Hùng khẳng định.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm giải pháp đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới