Chủ nhật, 24/11/2024 05:16 (GMT+7)
Thứ năm, 02/06/2022 06:28 (GMT+7)

Thế kỷ đại dương và tiềm năng kinh tế biển của Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Trong thế kỷ XXI - “Thế kỷ của biển và đại dương”, phát triển kinh tế biển đã trở thành trọng điểm trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong xu thế đó, Việt Nam cũng đã có chiến lược khai thác tiềm năng để “tiến ra biển lớn”.

Tài nguyên còn tiềm ẩn 

Trong bối cảnh hiện nay, biển và đại dương đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững về kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, hợp tác quốc tế. Các nước trên thế giới đã có những chiến lược phát triển biển mới và trong đó phát triển khoa học và công nghệ biển được coi là khâu đột phá, tạo thế mạnh trong cạnh tranh và đưa đất nước trở thành cường quốc.

Biển và đại dương thế giới là kho tài nguyên sinh vật tự nhiên vô cùng to lớn, với diện tích khoảng 360 triệu km2, chiếm 71% diện tích bề mặt Trái đất. Biển và đại dương chứa khoảng 1,5 tỷ km3 nước, bằng 97,3% toàn bộ lượng nước của hành tinh.

Theo tính toán của các nhà khoa học, trong lòng biển và đại dương thế giới có khoảng 180.000 loài thực vật và 20.000 loài động vật, trong đó đã phát hiện hơn 400 loài cá và hơn 100 loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra còn có khoảng 260 loài chim sống gắn bó với biển và đại dương.

Các nhà khoa học ước tính, sức sản xuất nguyên khai của biển và đại dương khoảng 500 tỷ tấn sinh khối/năm, trong đó sản lượng cá biển ước tính khoảng 600 triệu tấn/năm. Hiện nay, sản lượng khai thác hải sản của thế giới mới đạt trên 100 triệu tấn/năm. Như vậy, biển và đại dương còn tiềm năng rất lớn mà con người chưa khai thác đến.

Thế kỷ đại dương và tiềm năng kinh tế biển của Việt Nam - Ảnh 1
Phát triển kinh tế biển trở thành trọng điểm trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. (Ảnh internet)

Về tài nguyên khoáng sản, trong biển và đại dương chứa đựng gần như tất cả các loại khoáng sản đã được phát hiện trên đất liền, trong đó nhiều loại đã được khai thác như dầu mỏ, khí thiên nhiên, than, sắt, cát, silic, thiếc, inmenit, rutin… Đặc biệt dầu khí và các kết cuội sắt-mangan, các mỏ sunfit đa kim khổng lồ dưới đáy biển và đại dương được coi là khoáng sản quan trọng nhất. 

Về trữ lượng, số liệu thăm dò cho thấy, dưới đáy biển có khoảng 25-30 tỷ tấn dầu, khoảng 14-15 ngàn tỷ m3 khí thiên nhiên, chiếm 26% tổng trữ lượng dầu mỏ và 23% trữ lượng khí thiên nhiên của toàn thế giới. Tổng trữ lượng kết cuội sắt-mangan trên bề mặt các đáy đại dương ước tính lên tới 3.000 tỷ tấn, trong đó khu vực Thái Bình Dương ước đạt khoảng trên 1.700…

“Chìa khóa”’ cho sự phát triển bền vững

Báo cáo “Kinh tế Biển 2030” của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ ra rằng, kinh tế biển nắm giữ tiềm năng vô cùng lớn trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thúc đẩy đổi mới. Ngoài ra, báo cáo của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (WWF) cũng chỉ ra rằng, hơn 2/3 giá trị kinh tế từ biển phụ thuộc trực tiếp vào “điều kiện sức khỏe” của các đại dương. 

Trong bối cảnh nhu cầu đối với nguồn thực phẩm và tài nguyên từ các vùng biển gia tăng nhanh chóng, các “khu vực xanh” này cũng đang biến đổi nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong hàng chục triệu năm qua, khi số lượng sinh vật biển đang suy giảm nghiêm trọng và tình trạng ô nhiễm tràn lan.

Biển và đại dương đóng vai trò không thể thiếu được để đối phó với nhiều thách thức mà kinh tế thế giới phải đối mặt trong những thập niên tới, từ đảm bảo an ninh lương thực, đối phó với biến đổi khí hậu cho đến cung ứng tài nguyên tự nhiên, năng lượng và cải thiện điều kiện chăm sóc y tế.

Do vậy, thế kỷ XXI được coi là “Thế kỷ của biển và đại dương”. Đặc biệt phát triển kinh tế biển đã trở thành trọng điểm trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.

Quan điểm và tầm nhìn phát triển kinh tế biển của các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu thay đổi theo hướng hình thành nền kinh tế biển xanh trong tương quan với tăng trưởng xanh. Trong đó, việc khai thác, sử dụng các nguồn lực biển theo hướng bền vững thay thế cho các hoạt động khai thác cạn kiệt tài nguyên và phát thải lớn. Nếu đáp ứng được đòi hỏi này, kinh tế biến sẽ đóng vai trò nổi bật trong tăng trưởng kinh tế của quốc gia khi dư địa từ lĩnh vực khác đang dần cạn. 

Nhìn nhận về vấn đề này, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho hay: Thế kỷ 21 là thế kỷ của biển và đại dương. Trong xu hướng tiến ra biển của cả thế giới khi nguồn tài nguyên trong đất liền ngày càng cạn kiệt, để quản lý và phát huy lợi thế, tiềm năng của biển, tăng cường và tập trung được nhân lực, khoa học kỹ thuật để tiến sâu vào lòng đất dưới đáy biển và tiến xa ra biển, một số quốc gia trên thế giới đã thành lập Bộ hoặc cơ quan quốc gia thống nhất quản lý các hoạt động điều tra, nghiên cứu, kiểm tra, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên biển và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Một số nước thì áp dụng mô hình Ủy ban quốc gia, do người đứng đầu Chính phủ hoặc cấp phó phụ trách, thành viên là Bộ trưởng một số bộ, ngành có liên quan. 

Việt Nam “tiến ra” biển lớn

Việt Nam có hơn 1 triệu km2 mặt biển, hơn 3.200 km bờ biển (chưa bao gồm các đảo) nằm ở vị trí trung tâm của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, kề cận luồng vận tải hàng hóa trù mật bậc nhất thế giới đi qua Biển Đông với khoảng 70.000 lượt tàu bè qua lại hàng năm. Kinh tế biển hiện đóng góp hơn 50% GDP của cả nước, trong đó, đóng góp chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, du lịch biển. GDP của kinh tế thuần biển đạt khoảng 20 - 22% tổng GDP cả nước.

Thế kỷ đại dương và tiềm năng kinh tế biển của Việt Nam - Ảnh 2
Với các hiệp định thương mại được ký kết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở so với các quốc gia khác trên thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển. (Ảnh: Dũng Nhân)

Cụ thể, trong lĩnh vực vận tải biển có hơn 90% lượng hàng xuất nhập khẩu được vận chuyển đi và đến Việt Nam bằng đường biển. Trữ lượng dầu mỏ khoảng 4,4 tỷ thùng, được xếp thứ 28 trong các quốc gia có trữ lượng dầu mỏ xác minh trên thế giới, đứng thứ nhì ở khu vực Đông Á. 

Cùng với đó là tài nguyên thủy, hải sản phong phú, đa dạng và có giá trị kinh tế cao. Tổng sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 8,15 triệu tấn (khai thác 3,77 triệu tấn, nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn); kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản năm 2020 đạt 8,6 tỷ USD, chủ yếu là từ khai thác, chế biến hải sản biển. Du lịch biển chiếm khoảng 70% tổng thu từ du lịch của cả nước với gần 200 điểm du lịch và nghỉ dưỡng nằm ở các vùng ven biển trải dọc từ Bắc đến Nam.  

Theo OECD, nền kinh tế đại dương "mới" trong tương lai được thúc đẩy bởi sự gia tăng dân số, tăng thu nhập, tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, ứng phó với biến đổi khí hậu và các công nghệ tiên phong. Dự báo, nhiều ngành công nghiệp đại dương mới sẽ nổi lên như: Năng lượng gió, thủy triều, sóng ngoài khơi; thăm dò và khai thác dầu khí ở vùng nước cực sâu và môi trường đặc biệt khắc nghiệt; nuôi trồng thủy sản xa bờ, khai thác đáy biển.

Tiềm năng dài hạn về đổi mới, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế đối với Việt Nam là rất ấn tượng và giàu tiềm năng. Với việc 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã có hiệu lực, hiệp định RCEP mới được ký kết, cùng các FTA đang đàm phán, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở so với các quốc gia khác trên thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển.

TS Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV, nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho rằng, các vùng ven biển và biển Việt Nam đang ngày càng bị đe dọa trước sự gia tăng của các hiện tượng biến đổi khí hậu cực đoan như mực nước biển dâng, bão… Đồng thời, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất và sinh kế của người dân. Điều này sẽ trực tiếp tác động tới cộng đồng ven biển vốn phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên thủy sản.

Do đó, cần có những chiến lược sinh kế biển cụ thể cho ngư dân trong tương lai. Đồng thời, đi đôi với khai thác kinh tế, chúng ta phải tính đến việc quản lý và phát triển kinh tế biển gắn chặt với bảo vệ môi trường là điều hết sức quan trọng để Việt Nam hướng tới các mục tiêu của thập kỷ, vì một “đại dương an toàn”, “đại dương thấu hiểu” và “đại dương tường minh”. 

Nguyễn Ánh

Bạn đang đọc bài viết Thế kỷ đại dương và tiềm năng kinh tế biển của Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới