Vì đâu rừng Lâm Đồng tan hoang?
Cùng với việc phát triển các dự án du lịch nghỉ dưỡng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị tàn phá gây bức xúc dư luận.
Lâm Đồng là một trong năm tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, nằm trên 3 cao nguyên và là khu vực đầu nguồn của 7 hệ thống sông suối lớn, có diện tích lên đến 9.783,2km2 và đứng thứ 24 về dân số (2019). Gắn với khu vực kinh tế động lực phía Nam, Lâm Đồng có 2 thành phố là Đà Lạt và Bảo Lộc và 10 huyện.
Nằm cách TP.HCM 200 km về hướng Bắc, cảng biển Nha Trang 135 km về hướng Tây, lại có lợi thế về du lịch, Lâm Đồng trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều người.
Nhờ được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu lý tưởng, Lâm Đồng được bình chọn là một trong những nơi đáng sống nhất tại Việt Nam. Với khí hậu mát mẻ quanh năm, điều kiện tự nhiên lý tưởng, đặc biệt là địa hình rất đa dạng thích hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng theo mô hình nhà vườn.
Tuy nhiên, cùng với việc phát triển các dự án du lịch nghỉ dưỡng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị tàn phá gây bức xúc dư luận.
Điển hình thời gian qua, báo chí phản ánh về “làng biệt thự” với hơn 50 ngôi nhà, xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp dưới chân núi Voi, cạnh Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) đang đua nhau mọc lên.
Trước đó, vào tháng 5/2019, nơi đây vẫn là rừng và rẫy cà phê, chỉ có vài căn chòi canh rẫy cà phê của đồng bào dân tộc.
Trao đổi với báo chí, ông Hồ Hữu Hiếu, Chủ tịch xã Hiệp An, cho biết, hơn 50 ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp hiện hoàn toàn nằm trên dự án của Công ty Cổ phần du lịch sinh thái Phương Nam (Đà Lạt).
Từ giữa năm 2019 đến nay, doanh nghiệp này nhiều lần có đơn gửi cơ quan chức năng nhờ can thiệp khi hơn 40 ha/tổng số 355 ha đã giao cho đơn vị bị các hộ dân lấn chiếm, sang nhượng trái phép và xây dựng hẳn thành một khu dân cư, song mọi nỗ lực kêu cứu của doanh nghiệp đều bất thành.
Dưới áp lực của dư luận và sau khi nhiều báo chí đồng loạt lên tiếng, ngày 28/10/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng mới có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị liên quan và UBND huyện Đức Trọng khẩn trương kiểm tra và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm tại “Làng biệt thự” xây dựng trái phép này. Tuy nhiên, do các đối tượng thực hiện “vườn không nhà trống”, cơ quan chức năng không xác định được người vi phạm nên việc xử lý kéo dài.
Đến nay, trong số hơn 50 công trình nhà ở xây dựng trái phép tại “Làng biệt thự” dưới chân núi Voi, mới có 11 căn “biệt thự” xác định được chính chủ, trong đó có 3 căn đã được chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế, giải tỏa vào ngày 10/12.
Cũng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhiều cá nhân, tổ chức đã "núp bóng" dự án trồng cao su để triệt hạ rừng tự nhiên, thậm chí là triệt hạ nhiều khu rừng có gỗ quý, cổ thụ...
Điển hình là dự án Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Khu đô thị Nam Đà Lạt) nằm ở Đức Trọng (Lâm Đồng) của Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Công ty Sài Gòn - Đại Ninh, trụ sở tại TP.Đà Lạt).
Theo báo Thanh niên, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt vào ngày 30/12/2010. Dự án nằm trên địa bàn 4 xã của huyện Đức Trọng (gồm Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan), có tổng diện tích đất quy hoạch lên đến hơn 3.595 ha (trong đó diện tích thuê rừng trên 1.050 ha), tổng vốn đầu tư 25.243 tỉ đồng, tiến độ thực hiện từ năm 2010 - 2018. Dự án có 6 phân khu chức năng, khi hoàn thành có quy mô dân số lưu trú thường xuyên khoảng 19.734 người.
Tuy nhiên, đến nay, sau 10 năm triển khai, dự án mới chỉ thực hiện được một số hạng mục: 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng của chuyên gia, 1 hội trường, 6 trạm dừng chân, khoảng 20 km đường nội bộ và trồng hơn 10 ha rừng trên diện tích lấn chiếm đã được giải tỏa. Trong khi các hạng mục chính lại chưa thực hiện.
Theo ông Lê Nguyên Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, dự án đã để rừng bị phá lên đến hơn 257 ha và trên 111 ha đất rừng bị lấn chiếm. Theo quy định, trách nhiệm chính là của chủ rừng.
Cũng theo ông Hoàng, công ty có lập một số kế hoạch kiểm tra, truy quét tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng nhưng chỉ mang tính hình thức. Năm 2017, Sở Tài chính có quyết định yêu cầu công ty bồi thường giá trị thiệt hại về tài nguyên rừng tổng cộng 6,66 tỉ đồng, nhưng đến nay mới nộp 1,67 tỉ đồng.
Trong khi đó, tại huyện Lạc Dương, từ chủ trương giao đất, giao rừng cho các doanh nghiệp thực hiện dự án nông lâm kết hợp, du lịch sinh thái, trồng rừng kinh tế... sau hơn 10 năm, phần lớn các dự án liên quan đến rừng tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Theo báo CAND, hiện trên địa bàn huyện Lạc Dương có 37 doanh nghiệp được thuê đất, thuê rừng để thực hiện dự án với diện tích hơn 4.177 ha. Trong đó, 14 dự án nông lâm kết hợp; 9 dự án du lịch sinh thái; 7 dự án trồng rừng kinh tế; 4 dự án nuôi cá nước lạnh... Hầu hết các doanh nghiệp được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp chứng nhận đầu tư có liên quan đến rừng và đất rừng tại huyện Lạc Dương đều chậm tiến độ thực hiện dự án. Nhiều dự án đã phải xin gia hạn quá hai lần.
Đặc biệt, sau hơn 10 năm được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư không ít dự án đến nay vẫn “án binh bất động” trong khi tài nguyên rừng bị xâm hại nghiêm trọng, phức tạp, như Công ty TNHH L.S, Công ty Cổ phần A. T, Công ty Cổ phần địa ốc T. Đ, Công ty Cổ phần Đ.S, Công ty TNHH T.V...
Trong 37 dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư tại huyện Lạc Dương, có ít nhất 26 doanh nghiệp để xảy ra mất rừng, lấn chiếm đất rừng với diện tích thống kê sơ bộ trên 213 ha, gây thiệt hại 665 m3 gỗ. Hạt kiểm lâm huyện Lạc Dương nhận định, hiện nay tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất nông nghiệp trên lâm phần đã được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng diễn biến hết sức phức tạp. Việc phát hiện, xử lý các vụ vi phạm lấn chiếm đất rừng tại các doanh nghiệp chưa kịp thời, không dứt điểm.
Hà My